Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến:
"Bằng" quan trọng hơn hay "làm được việc" quan trọng hơn?
* Tôi thấy Đà Nẵng làm như vậy là chưa đúng. Tôi cũng không biết Đà Nẵng coi bằng là quan trọng hay là làm được việc quan trọng hơn. Thực tế tôi thấy người học tại chức có ngoại giao, kinh nghiệm làm việc hơn. Tuy nhiên tôi cũng không nói là bằng chính quy yếu hơn đâu, chính quy cũng rất tốt. Nhưng theo tôi thì Đà Nẵng nên qua cuộc sát hạch thực tế ai tốt hơn thì nhận, còn bằng cấp thì không nên phân biệt.
* Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước là kéo lùi lịch sử. Chúng ta thiếu cái gì các vị có biết không? Chính là thiếu sự công khai minh bạch. Nếu các vị cứ tổ chức hệ thống thi cử đàng hoàng và một hệ thống chấm điểm minh bạch, tôi đảm bảo với các vị là chất lương đội ngũ cán bộ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Cũng xin hỏi việc các vị: đề xuất không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước có phải là vi phạm pháp luật hay là không? Lĩnh vực tuyển dụng cán bộ công chức trong cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của chính phủ. Trong khi Bộ GD-ĐT công nhận các bằng cấp đại học đều có giá trị như nhau. Vậy mà Đà Nẵng lại đứng trên Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT để qui định như vậy?
TRẦN MINH
Phóng to |
* Nếu TP. Đà Nẵng thực hiện đúng như văn bản này và cả nước cũng áp dụng như vậy thì sẽ góp phần làm gia tăng bất cập của ngành giáo dục.
Rồi đây sẽ không chỉ có bất cập ở trường tại chức mà tất cả các trường sẽ có bất cập. Sẽ không còn sinh viên tại chức ra trường mà nhan nhản sẽ là cử nhân đại học chính quy, lúc đó phải ra một quy định mới là không nhận cử nhân tốt nghiệp đại học chính quy nữa!
Cứ quanh quẩn trong cái vòng tròn đó thì nhà nước ta khi nào mới phát triển đúng đường lối, đúng chủ trương? Khi nào mới hết bất cập, khi nào nền giáo dục mới thực sự thể hiện đúng bản chất của mình?
* Tôi biết trước khi đưa ra quyết định này, các vị lãnh đạo cũng đã suy nghĩ tính toán rất kỹ, nhưng nghĩ lại thiệt thòi cho SV tại chức quá. Nếu vậy, Bộ GD-ĐT nên bỏ hẳn việc đào tạo tại chức trong cả nước luôn cho rồi. Vì đào tạo người ta ra mà không nhận vào làm việc, chẳng phải người học đã phải tự bỏ tiền học mà còn không được làm việc nữa sao. Vậy học làm gì...?
* Người có bằng đại học chưa chắc làm việc bằng những người có trình độ trung cấp và người có tay nghề lâu năm; nếu vậy sao không đề nghị Bộ GD-ĐT hủy bỏ chương trình đào tạo tại chức đi? Chúng ta cần nên hiểu rõ cái gốc của vấn đề là kết quả làm việc sẽ đánh giá được năng lực làm việc của mỗi cán bộ chứ không phải dựa vào bằng cấp. Có bằng đại học để thăng chức hay lên lương ư? |
* Nếu như với cách nghĩ phải có bằng chính quy mới vào làm được ở các cơ quan Nhà nước thì theo tôi chưa hợp lý. Bởi thứ nhất, khi chúng ta qui định như vậy chẳng khác nào "bóp chết" hoài bão và ý chí phấn đấu của những người không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn (những người vì hoàn cảnh nghèo phải bỏ học đi làm, sau đó có tiền mới phấn đấu học tiếp lên), trong khi thành phần này trong xã hội không phải là nhỏ.
Thứ hai, liệu rằng người có bằng chính quy đều làm tốt và nguyện gắn bó với cơ quan đơn vị đến cuối đời? Và thứ ba, việc làm đâu phải chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào bằng cấp mà loại bỏ yếu tố đạo đức, phẩm chất của một con người? Do đó UBND TP Đà Nẵng cần xem lại qui định này, nếu chúng ta tính toán không kỹ sẽ dễ làm cho người dân ngộ nhận theo hướng không tốt.
* Có lẽ Đà Nẵng nghĩ là đa số các sinh viên hệ tại chức tốt nghiệp là do mua bằng chứ không phải do chính năng lực của họ. Vậy là họ lầm mất rồi, rất nhiều người như tôi đã đi lên từ đại học tại chức vì nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.
Như tôi hiện nay đang làm trưởng bộ phận (Division Manager) tại một công ty nước ngoài với mức lương khoảng 1.000 USD/ tháng, công ty đó tuyển dụng tôi vì năng lực và kinh nghiệm của tôi trong chuyên môn, mà bằng cấp của tôi hiện tại chỉ là bằng đại học tại chức. Nếu với cứ cách suy nghĩ hiện tại như của Đà Nẵng thì nhân tài chúng ta sẽ bị lãng phí hay bị nước ngoài sử dụng hết.
* SV tại chức cũng là những người học lên đến đại học, chỉ vì điều kiện không cho phép nên họ buộc phải học tại chức. Kiến thức, kinh nghiệm thực tế của họ còn hơn cả những người chính quy. Ở đâu cũng có nhân tài, có người không học nhiều nhưng vẫn trở thành tỉ phú, họ vẫn cống hiến cho đất nước. Làm sao nhà nước ta lại có thể đưa ra quyết định như vậy? Chưa chắc một người chính quy ra trường có thể làm tốt được. Nên nhớ cơ hội không phân biệt một ai.
* Trước hết tôi xin nói rằng mình học chính quy hẳn hoi, không liên quan gì đến tại chức, nói vậy để mọi người thấy sự nhận định của tôi theo tư tưởng khách quan, không phải để bảo vệ cá nhân mình.
Chúng ta đã đề cập khá nhiều đến việc sính bằng cấp, đây là một tệ nạn, vậy mà chúng ta lại đưa ra quyết định để thúc đẩy tệ nạn này? Từ trước đến nay, có biết bao nhiêu nhà lãnh đạo không có bằng chính quy? Chắc chắn là rất nhiều.
Ngoài ra có biết bao nhiêu nhân tài ngoài xã hội họ không có bằng chính quy, thậm chí không có cả một tấm bằng chuyên môn, họ vẫn làm được rất nhiều việc, thậm chí là những việc mà những giáo sư tiến sĩ có mơ cũng không bao giờ làm được. Xin gửi lời góp ý chân thành, rất mong lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng có thể xem xét, tạo cơ hội cho những người khác để họ thể hiện tài năng!
* Người giỏi, có tâm huyết nghề nghiệp và cống hiến cho đất nước thì chuyện tại chức hay chính quy có quan trọng không? Phát biểu như vậy là phân biệt đối xử, đi ngược lại quan điểm xã hội hóa về giáo dục của Nhà nước. Nếu thế thì Nhà nước lập các trường đại học tại chức làm gì?
* Tôi cũng là một cán bộ nhà nước, nhưng tôi thấy TP Đà Nẵng làm như vậy thật không công bằng. Học tại chức cũng là học, nếu có quy định không nhận các trường hợp học tại chức thì nhà nước mở các lớp học tại chức làm gì? Mặt khác chưa chắc sinh viên học chính quy đã làm việc tốt hơn sinh viên học tại chức. Các sinh viên chấp nhận đi học tại chức là vì điều kiện hoàn cảnh, không phải là trình độ không thi được chính quy.
Nếu muốn tuyển nhân sự thì không nên phân biệt bằng tại chức hay chính quy mà nên tổ chức sát hạch thực tế để lựa chọn những người đủ trình độ và năng lực phục vụ cho nhân dân.
* Tôi không hiểu đứng dưới góc độ nào mà lại có ý tưởng như vậy? Tại sao lại phải chú trọng bằng cấp như vậy? Đó là một bước lùi trong tư duy quản lý. Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng. Tại sao không nghĩ ra ý tưởng nào hay để tìm cho được "mèo bắt được chuột"??
* Theo tôi nên đối xử công bằng với tất cả cử nhân của các hệ như nhau, bằng cách công khai thi tuyển. Ví dụ như người thân của tôi làm việc cho công ty tư nhân, hiện giờ đang giữ vị trí rất quan trọng mặc dù anh chỉ tốt nghiệp hệ tại chức, trước kia vì hoàn cảnh khó khăn anh phải vừa học vừa làm.
Đừng nên tạo tiền lệ xấu bằng cách phân biệt đối xử như vậy. Trường hợp này chẳng phải là mình tự làm rối mình sao??? Cơ quan cấp dưới lại ngang nhiên không công nhận quy định của Bộ GD-ĐT là các bằng cấp đại học đều có giá trị như nhau. Vậy chẳng phải là làm trái quy định hay sao?
* Theo tôi khi quyết định tuyển dụng phải thông qua một cuộc sát hạch, hay nói đúng hơn là tổ chức thi tuyển. Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt loại hình bằng cấp, đều được ghi danh vào thi tuyển dụng vào một vị trí nào đó. Nhà tuyển dụng xây dựng kế hoạch tuyển dụng bao gồm nhiều tiêu chí để tổ chức thi tuyển, tuyển dụng. Ai có năng lực vượt qua thì sẽ được tuyển dụng.
Nếu làm như thế thì không những tìm được người tài giỏi mà còn tạo sự công bằng trong xã hội về vấn đề lao động vào việc làm, nâng cao được hoạt động quản lý ở các cơ quan công quyền.
* Bằng cấp chỉ nói lên là chứng nhận người đó có qua lớp đào tạo để tham gia ứng viên tuyển dụng. Quan trọng là trình độ người tuyển dụng có đủ trình độ nhận biết ứng viên đó có giỏi thực sự để tiếp nhận không thôi. Nhiều nông dân không có bằng cấp mà cũng phát minh ra công cụ hỗ trợ công việc mình đang làm đó thôi!
* Tôi được biết, hiện nay các công ty nước ngoài tuyển dụng được những nhân viên rất giỏi nhưng không yêu cầu học hệ đào tạo nào, quan trọng là họ tuyển dụng được người phù hợp với vị trí cần tuyển. Còn ở trong nước sao lại có những yêu cầu phi lý như vậy? Thiết nghĩ các cơ quan nhà nước nên xem lại cách tuyển dụng hơn là coi trọng bằng cấp.
* Không nên coi trọng bằng cấp như vậy. Hiện tôi đang là phó giám đốc của một Điện lực huyện nhưng nhân viên văn phòng của tôi, kể cả trưởng phòng kinh doanh, đều là công nhân tốt nghiệp sơ cấp ngành điện, song làm việc rất hiệu quả, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi không chê được. Bây giờ họ cũng phải đi học tại chức để bổ sung bằng cấp cho đúng quy định, nhưng tôi thấy không cần thiết...
* Không thể làm như vậy được, nhà nước còn đào tạo hệ tại chức thì phải cho họ cơ hội làm việc, nếu tỉnh nào cũng làm vậy thì các SV tại chức sẽ khốn khổ vô cùng. Còn nếu thấy hệ tại chức không đủ chất lượng thì các tỉnh nên kiến nghị nhà nước ngưng đào tạo hệ này.
* Nói như vậy là chất lượng đào tạo hệ tại chức không bằng hệ chính quy, trong khi chương trình học là tương đương như nhau. Vậy hỏi rằng đào tạo để làm gì? Lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của nhân dân, của nhà nước! Điều này cần yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem lại.
* Bằng cấp tại chức hay chính quy cũng như vậy mà thôi, miễn họ có đủ năng lực trình độ sáng tạo để tiếp thu công việc đó. Nếu một người có bằng cấp chính quy mà không có đủ năng lực tiếp thu công việc đó thì sao? Bây giờ bằng cấp loại nào, tốt đến đâu cũng đều mua được cả, chứ năng lực làm việc thì không mua được. Tôi mong UBND TP Đà Nẵng hãy xem xét lại.
* Đây là một quyết định đúng nhưng cũng có phần thiệt thòi với sinh viên hệ tại chức, vì không hẳn học tại chức là "yếu" hơn chính quy. Trên cả nước có rất nhiều cán bộ lãnh đạo đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước và đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao! Theo tôi chính quyền TP Đà Nẵng nên xem xét và có chọn lọc để không bỏ sót người tài "hệ tại chức".
Suy cho cùng vấn đề giáo dục và đào đạo của chúng ta còn nhiều bất cập, cũng "tại chức" mà có những người không năng lực trở thành "vật cản" cho bộ máy công quyền ở khắp nơi trong xã hội chúng ta. Cũng "tại chức" mà giờ đây có những quy định bất cập như TP Đà Nẳng vừa ban hành...
Một chủ trương hợp lý!
* Hoan hô Thành Phố Đà Nẵng! Tuy nhiên nên sửa đổi Luật Giáo dục, đào tạo đại học có nhiều hệ, nhiều loại bằng, ai cần "mặt hàng" nào thì dùng loại đó cho xứng đồng tiền.
Vì sao vậy? Hãy xem lại khâu thi tuyển sinh tại chức: sinh viên thi nhau quay cóp, giám thị làm ngơ (đặc biệt thi tại các trung tâm của các tỉnh). Thí sinh đậu là thí sinh chép nhanh và đúng. Vào học thì hầu như không đi học; thi thì sử dụng tài liệu chép lại; đồ án, bài tập nộp thì thuê sinh viên chính qui...
Ngày xưa tại chức là tạo điều kiện bồi dưỡng những cán bộ ưu tú trong công tác, bây giờ là "công việc làm ăn"...
* Tôi cũng rất đồng tình với chủ trương này của TP Đà Nẵng. Nếu chúng ta đánh đồng giữa chính qui và tại chức thì tổ chức thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng còn ý nghĩa gì? Đa số thi rớt kỳ thi tuyển sinh đại học mới học tại chức.
Nhưng bên cạnh đó, các vị lãnh đạo cần xem lại không nên ký quyết định cho các cơ sở đào tạo của tỉnh mình mở hệ tại chức nữa chẳng hạn. Tại một số tỉnh thành, trong khi sinh viên hệ chính qui đang học rất nhiều lại mở lớp tại chức dẫn đến dư thừa! Hiện nay sinh viên chính qui của ta không còn thiếu như trước đây nữa nên tôi nghĩ đây cũng là một chủ trương hay để chọn người tài.
* Theo tôi thì chẳng những không nhận mà phải ngưng luôn đào tạo tại chức, vì đây là kẽ hở vô cùng to lớn cho những kẻ cơ hội. Hoan hô UBND Đà Nẵng, đây không phải là những năm 80 khi phải hợp thức hóa bằng cấp cho cán bộ.
* Tôi không phản đối việc mọi người đều có quyền nâng cao kiến thức, trình độ của mình. Nhưng để nâng cao trình độ chứ không nên dùng bằng cấp học chắp vá để làm việc. Biết bao sinh viên chính quy, được đào tạo từ các trường Đại học có chất lượng tốt đang chờ việc làm phù hợp để cống hiến, mà quỹ lương và biên chế của Nhà nước thì có giới hạn.
Tôi xin đề nghị thêm là nên sát hạch tiếp tục để loại bỏ những trường Đại học đào tạo không có chất lượng, để giảm tình trạng loạn bằng cấp như hiện nay. Nếu các tỉnh, thành phố khác học tập giống thành phố Đà Nẵng, hy vọng sẽ giảm tình trạng chảy máu chất xám từ cơ quan nhà nước ra khối tư nhân.
* Tôi thấy hiện nay sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy ra trường ngày càng nhiều, các em được đào tạo rất bài bản. Thế nhưng không thể xin vào các cơ quan nhà nước được, vì lý do sao? Chắc ai cũng hiểu, hơn nữa do biên chế ít. Vì vậy cần tận dụng nguồn nhân lực này để phát triển đất nước.
Tôi nghĩ khi xã hội phát triển cần phải có những người cán bộ như vậy mới đưa đất nước ta phát triển được. Tôi rất tán thành chủ trương của thành phố Đà Nẵng, cần nhân rộng, phổ biến nội dung trên để các địa phương thực hiện, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực, trí tuệ của cán bộ công chức hiện nay.
* Theo tôi nếu tốt nghiệp hệ tại chức mà giỏi thì đi đâu xin việc cũng được, các công ty xí nghiệp không phải của nhà nước sẽ nhận ngay, vậy thì văn bản này đưa ra cũng là bình thường. Còn nếu xét theo quy trình đào tạo, hệ tại chức đa số chỉ lấy văn bằng, chỉ có một số ít rất năng động đã đi làm cho tư nhân rồi.
Minh bạch trong tuyển dụng sẽ giúp nhà nước có những nhân viên tốt thay vì đòi bằng chính quy? Đào tạo góp phần tạo ra thị trường lao động và đơn vị nhà nước cũng có quyền chọn những "mặt hàng" chất lượng cao theo tiêu chí riêng của mình? Bỏ đào tạo tại chức? Đó là những ý kiến phong phú của bạn đọc. TTO mong tiếp tục đón nhận những bàn luận về những vấn đề này . TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận