Ảnh: campussafetymagazine.com
Thêm một vụ cô giáo bị phát hiện đánh đập học sinh một cách phản giáo dục được công bố nhờ camera do phụ huynh bí mật gắn tại lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM). Nói "thêm" bởi vì trước đó đã có những vụ việc nghiêm trọng được phát hiện, không phải từ sự giám sát của nhà trường mà từ phụ huynh hoặc báo chí.
Trước đây, báo Tuổi Trẻ từng có bài điều tra bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ ở Thủ Đức (TP.HCM), và những người thực hiện hành vi dã man trong chăm sóc, giáo dục trẻ đã phải hầu tòa, nhận mức án thích đáng.
Cũng là những hành vi phi pháp, phản giáo dục được phát hiện qua camera, hoặc chuyên hoặc không chuyên, để rồi cuối cùng, để lại trong lòng người một khoảng trống mênh mông.
Ở đó có nỗi hoài nghi về lương tâm, trách nhiệm người thầy, về sự an toàn của con trẻ khi đến lớp, đến trường - nơi được xem là trau dồi đạo đức, lối sống, trao truyền những kiến thức nền tảng để một người được trưởng thành…
Vâng, camera thật lợi hại khi có thể ghi nhận tường tận hành vi sai trái của bất cứ ai, kể cả người thầy, người cô trên bục giảng, trong nhà trẻ…
Không ai phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực từ công cụ này, nhưng khi người ta phải dùng đến camera trong nhiều nơi, nhiều chỗ, nhất là trong lớp học - nơi cần niềm tin và là nơi phát huy cao nhất giá trị về tình thương, giáo dưỡng tâm hồn con người - thì quả thật đáng lo, nếu không nói là đáng báo động, về việc niềm tin bị đánh cắp.
Những hành xử của những người lẽ ra là quy chuẩn đạo đức, là tấm gương cho người trẻ, cho xã hội đã ít nhiều bị biến chất, tha hóa, khiến không ai còn dám đặt niềm tin, buộc phải sử dụng camera để giám sát. Những chiếc camera vô tình lại tạo áp lực lên chính những người có tâm huyết và tình thương thật sự đối với công tác trồng người.
Tất nhiên, những người trong sạch sẽ nghĩ rằng mình làm đúng thì có 10 cái camera cũng đâu nghĩa lý gì, ngược lại đấy là những ống kính ghi lại những việc làm tốt của bản thân. Như vậy là quá tốt.
Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây chính là có camera nào giám sát lương tâm người thầy (cũng như bao con người khác trong các ngành nghề, lĩnh vực công tác khác)? Và câu trả lời, chính là những "lời thề" hoặc "lời hứa", những ý niệm chọn nghề ban đầu, với tấm lòng tha thiết trong công việc cần được ghi nhớ và nuôi dưỡng trên suốt chặng đường làm nghề.
Đừng để mình biến chất vì bất cứ lý do gì. Đó chính là nguyên tắc và đó cũng là chiếc camera vô hình soi chiếu tâm hồn của người thầy, người công chức… trong khi thực thi công vụ.
Mình làm tốt việc này là vì mình (trước tiên), vì mình cũng là đối tượng cần nuôi dưỡng tâm hồn hơn bao giờ hết. Nếu tâm hồn người thầy bị vẩn đục bởi sân si hay bất cứ thứ gì liên quan tới tiền bạc, thì khó có thể trồng người một cách tốt lành, hạnh phúc. Một cái cây non hay một tâm hồn thơ trẻ được nuôi dưỡng bởi dưỡng chất có độc tố thì làm sao khỏe mạnh được?
Mong rằng, trường học hay bất cứ nơi nào cũng không cần phải lắp camera vẫn được an toàn, mỗi chỗ trong xã hội đều được thiện lành từ chính camera bên trong mỗi người, luôn giám sát và nhắc nhở họ làm việc một cách tử tế, tràn đầy tình thương và sự hiểu biết…
Thăm dò ý kiến
Theo bạn trường tiểu học có nên lắp camera để ngăn chặn bạo hành học sinh?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận