28/11/2020 08:47 GMT+7

Cam kết hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu và có phương án hỗ trợ thiết thực cho thanh niên, cộng đồng khởi nghiệp tại cuộc đối thoại với thanh niên chiều 27-11.

Cam kết hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Diệp Kiều Trang, một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ doanh nhân mới, phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay cách đây 2 năm khi dự ngày hội khởi nghiệp, tìm kiếm từ khóa "khởi nghiệp" có 13,4 triệu kết quả thì nay chỉ trong 0,54 giây tìm kiếm đã có 20,7 triệu kết quả. "Điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ, ở nhiều lứa tuổi, khởi nghiệp không có ranh giới" - Thủ tướng cho rằng khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường để kiếm tiền mà là sự thử thách bản thân, lối sống, giá trị và giới hạn của chúng ta.

Xem "thất bại là mẹ thành công"

Nhắc lại câu hỏi quen thuộc: "Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không?", Thủ tướng nhấn mạnh cần phải nhìn khởi nghiệp như một sự trải nghiệm thú vị, xem "thất bại là mẹ thành công", vấp ngã thì phải đứng dậy đi tiếp bởi "có công mài sắt có ngày nên kim". Thủ tướng cho rằng cùng với những đề xuất, sáng kiến đưa ra, các bạn trẻ cần phải phát huy sự sáng tạo trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, công nghệ... với tinh thần "học nữa, học mãi", "lửa thử vàng gian nan thử sức". Thủ tướng tin tưởng phẩm chất quý giá của thanh niên Việt Nam sẽ là thế mạnh, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.

Tại buổi đối thoại, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Thaco - cũng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của Thaco. Xuất phát điểm chỉ là xưởng sửa chữa nhỏ, người sáng lập Thaco đã quyết tâm làm ôtô khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp ôtô. Đến nay, sau hơn 17 năm đầu tư vào Chu Lai (Quảng Nam), với "sự quyết tâm làm mà không tưởng tượng nổi sẽ làm như thế nào", Thaco đã biến vùng cát trắng thành một khu công nghiệp lớn.

Từ thực tiễn đến chính sách, Thaco chủ động xây dựng cảng, thành lập trường cao đẳng nghề để đào tạo nguồn nhân lực. "Ở đó mà chúng tôi kêu ca hoài thì không thể làm được" - ông Tài nói và cho hay dù trong đại dịch, Thaco vẫn nỗ lực duy trì doanh thu để tạo việc làm cho người lao động, vì không có con người thì không làm được gì. "Trong quá trình đổi mới không thể làm theo kiểu cũ. Thaco mong muốn kêu gọi nhiều start-up xây dựng các nền tảng từ sản xuất đến khách hàng theo yêu cầu riêng biệt trên cơ sở tự động hóa" - ông Tài khẳng định.

Liên kết phát triển trung tâm khởi nghiệp

Trong bối cảnh năm 2020 đầy biến động, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực của mình vượt qua thách thức thì khoa học công nghệ là công cụ vững chắc, cốt lõi. Theo ông Đạt, quá trình hội nhập sâu rộng cùng những hành lang pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện gần đây là nền tảng vững chắc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

"Tuy nhiên, để phát triển cần chung tay đổi mới từ cách làm đến tư duy, lấy doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm phát triển nhưng cần có sự chủ động hơn nữa" - ông Đạt nói. Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào hoạt động liên kết phát triển trung tâm khởi nghiệp, đặc biệt là trường đại học, cao đẳng để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác cơ sở hạ tầng, hình thành khu hỗ trợ kỹ thuật đổi mới sáng tạo, lấy con người làm giá trị cốt lõi.

Cam kết hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan không gian khởi nghiệp sáng tạo tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 trong khuôn khổ Techfest - Ảnh: NAM TRẦN

Tăng đối thoại, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp

Thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều nút thắt và khó khăn, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều ý tưởng và kết quả khởi nghiệp chưa được quan tâm, ý tưởng sáng tạo còn mang tính phong trào, thiếu ý tưởng nổi bật, có tính thực tiễn; các bạn trẻ loay hoay tự thân vận động, thiếu vốn, kiến thức, nguồn lực... Đặc biệt là những bất cập trong thể chế, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn vướng mắc.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến khởi nghiệp của doanh nghiệp. Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, viễn thông tạo nền tảng cần thiết. Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương thường xuyên đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp, tăng cường truyền thông phổ biến thông tin khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - cho biết từ năm 2018 đến nay với nhiều chính sách, hơn 1.200 câu lạc bộ khởi nghiệp dành cho thanh niên đã được thành lập, hơn 2.000 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí lên đến hơn 190 tỉ đồng.

Đẩy mạnh phối hợp trung tâm đổi mới sáng tạo để xây dựng cơ chế tài chính, phát huy vai trò quỹ đầu tư tư nhân, nghiên cứu quy định huy động vốn khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư khởi nghiệp. Gắn với đó là việc xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp ở trường phổ thông, đại học, tăng thúc đẩy giới trẻ khởi nghiệp, giúp thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp.

Dẫn lại lời của Bác Hồ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em", Thủ tướng khẳng định: "Đảng và Nhà nước quan tâm thế hệ trẻ, bởi các bạn trẻ là chủ nhân đất nước nên Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp, nhưng khởi nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào chính các bạn".

* Phan Bá Mạnh (Công ty công nghệ vận tải An Vui):

* Nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng "chảy máu" start-up Việt. Vậy môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để người khởi nghiệp sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam hay chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới hút được vốn?

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Chúng ta còn trở ngại về thể chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn, đặt ra vấn đề quan trọng để làm sao hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo ngay trong nước chứ không để "chảy máu" ra nước ngoài. Các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, với tinh thần "mở ra chứ không trói vào", "tháo gỡ chứ không trói buộc".

* Nguyễn Đức Trung (Quỹ đầu tư VinaVenture): Nghị định 38 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo hiện có những hạn chế. Cụ thể, điều 5 nghị định 38 về giới hạn tăng đầu tư dưới 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp, Chính phủ tháo gỡ ra sao?

- Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng: Nghị định 38 hướng dẫn cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ... là không phù hợp. "Quy định này khá cứng, áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước và khi thực hiện tạo ra rào cản nên chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và bàn với Bộ Kế hoạch và đầu tư để lấy ý kiến sửa đổi nghị định này trong thời gian tới.

* PHẠM NGỌC ANH Tùng (giám đốc điều hành, nhà sáng lập Foodmap): Trong chặng đường chuyển đổi số nền kinh tế thì Chính phủ có đặt hàng gì với doanh nghiệp khởi nghiệp?

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Chính phủ ưu tiên "mua sắm" các sản phẩm công nghệ, mua sắm những giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, ưu tiên dùng hàng "Make in Vietnam". Hiện các doanh nghiệp đang bị "va vào chính sách", bởi đây là việc mới - tức chưa có thể chế. Do đó, việc Nhà nước đang làm là chuyển đối số cho các mô hình kinh doanh mới. Chính phủ đã có chủ trương về sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách mới).

* TS Trần Lê Hưng (Đại học Cầu đường Paris, Pháp): Nguồn nhân lực tiềm năng lớn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là du học sinh ở nước ngoài. Chính sách nào thu hút họ trở về?

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Bộ đang triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp gắn đào tạo với thực tiễn, phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với đầu ra và nâng cao chất lượng, kỹ năng thích ứng với môi trường; tập trung đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin, kỹ năng. Hiện có 190.000 du học sinh đang ở nước ngoài, vậy làm sao để thu hút? Vừa qua đã có chính sách thu hút, tạo đối tác để cùng làm việc. Trong đó, đề cao vai trò của trường đại học, cố gắng thành lập các nhóm nghiên cứu để kết nối trong quá trình làm việc.

* Nguyễn Thị Thu Phương (tổng giám đốc Công ty cổ phần Damaca): Khởi nghiệp sáng tạo luôn là một kênh đầu tư quan trọng cho start-up ở nhiều quốc gia, tuy nhiên hoạt động này ở Việt Nam lại chưa được đẩy mạnh. Nhà nước sẽ có giải pháp gì?

- Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Các mô hình khởi nghiệp sáng tạo thường tiếp cận vốn ở các quỹ đầu tư mạo hiểm. Với tín dụng ngân hàng, do huy động nguồn vốn trong dân nên theo quy định hiện hành, việc tiếp cận vốn của start-up khó khăn hơn. Tuy vậy cũng có nhiều chính sách như bảo lãnh, vay vốn ngân hàng để tiếp cận vốn. Thực tế dư nợ cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 20%, trong đó có những ngân hàng như BIDV cũng có gói cho vay lên tới 5.000 tỉ đồng.

NGỌC AN - HÀ THANH - NAM TRẦN

Thủ tướng đối thoại cùng thanh niên: hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu Thủ tướng đối thoại cùng thanh niên: hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu

TTO - Chiều nay 27-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp: Làm thế nào để cùng đất nước vượt qua những thách thức, đặc biệt trước bối cảnh dịch COVID-19?

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên