07/11/2014 10:02 GMT+7

​“Cái nôi” cử nhân báo chí đầu tiên...

LƯU ĐÌNH TRIỀU
LƯU ĐÌNH TRIỀU

TT - Thu Hà Nội, một sáng tháng 10-2014... Những cựu học viên ở miền Nam bước xuống xe ngỡ ngàng.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Trường Tuyên huấn trung ương ngày nào giờ là Học viện Báo chí và tuyên truyền, đã “lột xác” hẳn...

Thế là đã tròn 30 năm kể từ ngày các học viên đại học báo chí khóa 3 (1979-1984) rời trường và nay lần đầu tiên hội lớp cả nước.

Nơi đặt bước chân đầu tiên

30 năm xa, về trong thu Hà Nội gặp lại trường xưa, thầy cô cũ và những bạn học nối khố ngày nào, quả là một hạnh phúc tuyệt vời.

Những phút sau cùng trước khi rời trường, trên lầu chín, một số bạn đã ra lan can chụp ảnh với cái nền là tòa nhà năm tầng - nơi trú ngụ của hàng trăm học viên thời ấy.

Dù tòa nhà bạc phếch màu vôi, lốm đốm vết ố, nứt đang được sửa chữa, nhưng nhìn ngắm nó tôi gần như gặp lại... tôi - của - ngày - xưa - cũ.

Ngày xưa ấy có một gã trai khăn gói từ Xí nghiệp Sắt tráng men TP.HCM ra đây, vào tòa nhà ấy thường trú, tập tành chữ nghĩa báo chí.

Trên cái bàn nhỏ cạnh đầu giường ngủ, gã đã nắn nót kẻ, dán hai câu thơ của Hải Như: Ta đến muộn đừng lo Người vẫn đợi/Với Bác Hồ Người thương nhất kẻ đi sau...

Vâng, trong lớp học ngày ấy gã là người đến muộn ở nhiều mặt. Với nghề báo, ngôi trường chính là nơi gã đặt bước chân đầu tiên.

Những câu hỏi - đáp thay lời chào vang lên rôm rả trước cửa hội trường học viện. Lời tự giới thiệu cũng không ít lần xuất hiện.

Bởi nhiều gương mặt sau 30 năm trông vẫn rất quen, nhưng những cái tên đi kèm thì chịu, không nhớ nổi.

Dù vậy, một số bạn vì lý do này khác không có mặt cũng được nhắc đến, đúng tên cùng nơi chốn sinh sống, như Kim Phi, Ngọc Yến ở TP.HCM, Đỗ Quyên ở Bến Tre...

Trước đó, ngay trong đêm đầu tiên hội ngộ, ban liên lạc lớp đề nghị phút mặc niệm tưởng nhớ khoảng 20 người đã bỏ lớp, rời xa bạn bè vĩnh viễn.

30 năm rồi người còn người mất âu cũng là lẽ thường tình, nhưng nhắc lại vẫn đắng lòng...

Nhớ cách nay đúng 35 năm, cũng Hà Nội mùa thu! Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, vượt qua kỳ thi tuyển, khoảng 200 phóng viên, cán bộ, bộ đội... đã tựu về Trường Tuyên huấn trung ương, gắn chung cái mác “học viên đại học báo chí khóa 3”.

Những năm đó, chỉ duy nhất Trường Tuyên huấn trung ương mới có “đặc sản” đại học báo chí, dạy và học nghề báo một cách bài bản.

Ngày ngày chúng tôi lên lớp thu nạp những kiến thức chung, cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học Mác - Lênin hay trang bị sâu về kỹ năng nghề báo. 

Ngoài các thầy cô của khoa báo viết, khoa phát thanh - truyền hình, khóa chúng tôi có may mắn được tiếp cận, truyền lửa nghề từ một số nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí tên tuổi thời ấy như Hoàng Tùng, Thanh Đạm, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Trần Lâm, Đào Tùng, Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang, Trần Minh Tân...

Rồi là đi thực tế, thực tập nghề, ngắn ngày, dài ngày. Có một cách “dạy” mà tôi rất thấm là yêu cầu học viên tự đọc tài liệu tham khảo, sách báo gần như bắt buộc.

Riết thành nếp, giờ rảnh là chạy xuống thư viện đọc báo và mượn sách văn học về phòng đọc. Chưa kể xuyên suốt năm năm, lối sống thanh tịnh của người học viên trường Đảng cứ ngấm dần, ngấm dần...

Dù học báo viết, báo ảnh hay phát thanh truyền hình, đa số học viên đều na ná giống nhau ở cái... ngoại hình gầy gò, còm nhom. Đến tháng 4-1984 ra trường, xu thế ngoại hình của lớp chẳng thay đổi mấy. Làm sao có thể thay đổi được khi cái khó, cái khổ thời ấy len lỏi khắp nơi trong cuộc sống, chẳng trừ ai.

Ôn khó, song các đồng môn cũng không quên ôn lại bao chuyện vượt khó, để rồi rút ra kết luận rất “tự sướng”: lớp mình xem ra quá thành công trên đường nghề nghiệp.

Chỉ mới theo kỷ yếu (chưa giới thiệu đầy đủ) đã thấy rất nhiều học viên báo 3 góp mặt trong các giải thưởng báo viết, phát thanh truyền hình từ địa phương đến quốc gia.

Điểm sơ sơ các loại giải thưởng toàn quốc đã có Đặng Thái Văn (nguyên giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC), Nguyễn Tiến Phú (vụ trưởng - trưởng ban hỗ trợ báo Nhân Dân), Phạm Lan Hùng (nghỉ hưu), Phan Hoàng (giám đốc Hãng phim Cửu Long), Trần Bá Dung (trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)...

Nếu điểm danh chủ tịch, phó chủ tịch hội nhà báo tỉnh/thành, tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc các báo, đài trong cả nước 30 năm qua, danh sách học viên báo 3 dễ cũng đến hàng trăm.

Tình thế đẩy đưa, một số bạn nhảy sang làm “chức sắc” nhà nước và từng trải qua các chức vụ cũng có cỡ như Hà Thanh Niên - phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Lê Toán, Nguyễn Việt Thanh - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang; Nguyễn Kinh Quốc - người phát ngôn của thủ tướng...

Chưa kể một số anh chị còn học lấy thạc sĩ, tiến sĩ báo chí hay lấn sân sang lĩnh vực văn học như Văn Công Toàn (hiện là giám đốc VTV Huế), Đoàn Dự (tổng biên tập báo Thể Thao Việt Nam), Phan Thế Cải (phóng viên báo Hà Tĩnh), Hà Văn Thể (đại tá, trưởng ban báo Công An Nhân Dân)...

Nhưng ơ hay, họp lớp chứ nào phải hội nghị tổng kết tuyên dương! Chuyện “chém gió” về thành tích trong cuộc họp lớp chẳng mấy chốc tan biến như gió thổi mây bay. Đọng lại vẫn là kỷ niệm tình bạn và cao hơn là chuyện ơn nghĩa với thầy cô.

Trong lễ gặp mặt chính thức tại hội trường, các trò - phần lớn đầu bạc hoặc muối tiêu - cứ cầm mãi đôi tay của các thầy mà mân mê. Nhiều cựu học viên không giấu được sự xúc động khi ngắm nhìn thầy Trần Bá Lạn (nguyên trưởng khoa báo chí) 85 tuổi, nhưng dáng vóc vẫn khỏe và nhất là phát biểu vẫn sang sảng như ngày nào đứng lớp.

Mặt khác, không ít học viên lại cảm thấy bùi ngùi khi thầy Phan Thương Diễm (nguyên trưởng khoa phát thanh - truyền hình) đã từ chối lên phát biểu vì giọng thầy giờ không còn sức nói...

Những thầy Dững, cô Hà, cô Thu, cô Hòa... dù không có mặt vẫn được các trò nhắc nhớ, từ phòng họp trong trường cho đến cả khi lênh đênh trên chuyến tàu du ngoạn hồ Tây...

Gần 1.700 ngày đêm bên nhau dưới mái trường tuyên huấn, 200 học viên rồi sẽ chẳng sớm lớn dậy theo nghề nếu không được thụ hưởng sự nhiệt tình chỉ dạy, truyền lửa của các thầy cô, cũng như sự tận tâm chăm sóc, lo toan của các cán bộ, nhân viên nhà trường.

... Có những lúc trên đường đời ta cứ phăng phăng lao tới, thẳng tiến cùng nghề nghiệp. Để đến một dịp nào đó quay lại điểm xuất phát đầu tiên, ta mới thấm thía hết ý nghĩa, giá trị mà nó mang lại cho đời mình.

Vâng! Đó là suy nghĩ lắng đọng trong tôi khi về lại trường xưa, gặp lại thầy cô, bạn bè cũ và gặp lại chính mình của một thời đã xa.

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên