Hai nghệ sĩ cải lương Như Quỳnh (Tiên Dung) và Minh Hải (Chử Đồng Tử) vừa đu dây vừa hát - Ảnh: Đ.TRIẾT
Vở được dàn dựng không thuần nhất ở một loại hình nghệ thuật mà là cải lương lồng… xiếc.
Tối 6-12, vở diễn Cây gậy thần (tác giả: Hoàng Luyện, chỉnh lý: Lê Thế Song, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng) đã có buổi biểu diễn tổng duyệt trên sân khấu tròn của Rạp xiếc trung ương. Dù thời tiết lạnh giá nhưng khán giả - trong đó có không ít trẻ nhỏ - vẫn đến xem khá đông để rồi "ồ", "à" và… "ơ"…
Nghệ sĩ cải lương vừa đu dây vừa hát
Câu chuyện mà Cây gậy thần kể quá đỗi quen thuộc khi gắn liền với huyền tích dân gian về Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Thế nhưng, sau tình huống độc đáo: cuộc hội ngộ của Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung nơi bãi sông Chử Xá rồi nên duyên chồng vợ, vở diễn đã chỉnh lý, thêm thắt khá nhiều chi tiết so với huyền tích dân gian vốn được lưu truyền.
Tuy nhiên nội dung của vở diễn lạ lẫm so với hình dung như thế nào gần như ít được quan tâm khi khán giả phải bận rộn vừa nghe cải lương rồi xem xiếc, không chỉ trên sân khấu tròn chính giữa mà còn ở 3 "sân khấu" nhỏ xung quanh.
Dù rằng cải lương đóng vai trò chính vừa dẫn dắt câu chuyện vừa khắc họa hình tượng nhân vật, còn xiếc gần như chỉ tranh thủ xuất hiện ở một số cảnh huống nhưng sức hút của chúng đối với khán giả có phần ngược lại. Rõ ràng, đang từ những giây phút khá chùng lắng của cải lương với phần nhiều là thoại được đan xen cùng câu lý, câu vọng cổ ngắn… nhưng khi có các trò diễn: xiếc dây, xiếc thú, ảo thuật, tung hứng…, khán giả tỏ rõ sự hào hứng.
Sự hào hứng này càng tăng thêm bội phần khi mọi người được mắt thấy tai nghe nghệ sĩ cải lương (Minh Hải vai Chử Đồng Tử và Như Quỳnh vai Tiên Dung) vừa đu dây trên cao vừa… hát. Rồi thì một bản nhạc rap bất ngờ xuất hiện nhằm phơi bày âm mưu cướp ngôi của tên lạc tướng Châu Diên cũng khiến khán giả tròn miệng: "Ơ… rap".
Cổ vũ và tiếc nuối
Thưởng thức vở diễn, NSND Lưu Phúc cho rằng việc kết hợp ăn khớp giữa cải lương vốn nhiều tính ước lệ và xiếc mang tính hiện thực giúp thăng hoa từng loại hình nghệ thuật.
"Sự kết hợp này làm tăng hiệu quả cho sân khấu, khiến khán giả dễ tiếp nhận khi được xem trực diện các kỹ thuật kỹ xảo và một sân khấu có tính hiện thực cao. Đây cũng là xu hướng của sân khấu thế giới khi tạo cảm giác mạnh bằng các hiệu quả dàn dựng mang tính hiện thực" - NSND Lưu Phúc nhấn mạnh.
Giữa bè trầm của sân khấu hiện nay thì việc các nghệ sĩ nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm để mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần mới như vở diễn Cây gậy thần thật đáng khích lệ.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc vì sự kết hợp giữa xiếc và cải lương ở vở diễn này chưa thực sự trau chuốt, tinh tế, còn tạo cảm giác bị lắp ghép như màn xiếc thú mừng quà cưới, mừng giao thương buôn bán… Có những chi tiết vận dụng xiếc vào khá vô lý.
Ngoài ra, hệ thống âm thanh của sân khấu tròn chuyên biểu diễn xiếc không phải dành cho nghệ sĩ cải lương ca hát, cũng như hiệu ứng ánh sáng chưa hiệu quả cũng khiến vở diễn hụt mất phần nào sự hấp dẫn.
Sẽ đưa vở diễn đến các tỉnh thành
Cây gậy thần là vở diễn đầu tiên của dự án sân khấu Huyền sử Việt của Nhà hát cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phê duyệt.
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên - quyền giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam - cho biết vở diễn bắt đầu công diễn đến khán giả Hà Nội các tối 12 và 13-12 tại Rạp xiếc trung ương, sau đó biểu diễn đều đặn vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần cho đến giữa tháng 1-2021. Ngoài ra, êkip còn có một bản dựng cho sân khấu hộp để đưa vở diễn đến các tỉnh thành trong cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận