09/12/2018 15:20 GMT+7

Xiếc Việt: Chúng tôi đã khóc nhiều rồi

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tin vui cho các nghệ sĩ xiếc là Cuộc thi tài năng xiếc Việt Nam đang được tổ chức tại Hà Nội sau 12 năm vắng bóng.

Xiếc Việt: Chúng tôi đã khóc nhiều rồi - Ảnh 1.

Một tiết mục dự thi Cuộc thi tài năng xiếc Việt Nam 2018 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong buổi tọa đàm tìm hướng phát triển cho xiếc Việt do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội, người tham dự nhìn thấy những gương mặt sinh viên, nghệ sĩ xiếc rất trẻ với quần áo giản dị ngồi ngơ ngác nghe các cán bộ quản lý, các nghệ sĩ gạo cội than khóc cho thân phận "con nuôi" của xiếc.

Người ta còn thấy một nữ nghệ sĩ xiếc ngồi trên xe lăn vì tai nạn nghề nghiệp. Nhưng ở một góc khác cũng có một nghệ sĩ trẻ tự hào khoe anh nuôi được vợ con, còn mua được nhà, xe hơi, chỉ bằng đi diễn xiếc tự do khắp các ngóc ngách làng quê. Dù sao, tin vui cho các nghệ sĩ xiếc là Cuộc thi tài năng xiếc Việt Nam đang được tổ chức tại Hà Nội sau 12 năm vắng bóng.

TS.NSƯT Hoàng Minh Khánh - hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc Việt Nam, người đã có 36 năm gắn bó với nghệ thuật xiếc - nói qua theo dõi những buổi thi đã diễn ra, ông vui mừng nhận thấy xiếc Việt đã có nhiều đổi mới, bất chấp những khó khăn mà nó đã và đang phải vật lộn.

Các tiết mục dự thi tại liên hoan không còn thuần túy là chắp nối những kỹ thuật xiếc đơn giản, mộc mạc, xưa cũ nữa, mà là các tiết mục có nội dung, được đầu tư công phu về phục trang, ánh sáng, âm nhạc. "Các nghệ sĩ xiếc đã làm nên một sân khấu xiếc huyền ảo, sang trọng, lộng lẫy thật sự" - NSƯT Hoàng Minh Khánh nói.

Nhưng, đằng sau những lộng lẫy của sân khấu là rất nhiều tâm tư trĩu nặng.

Mạo hiểm, cuốn hút với cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc

Lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng

NSND Vũ Ngoạn Hợp - nguyên giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - dành cho buổi tọa đàm một bài phát biểu dài. Ông cay đắng nói rõ ràng xiếc là một môn nghệ thuật trong số các nghệ thuật sân khấu, nhưng ông có cảm giác nó chỉ là con nuôi chứ không phải con đẻ của ngành văn hóa nên chẳng được ai quan tâm.

NSND Ngọc Trúc thậm chí còn gay gắt phê bình quá trình 12 năm qua ngành văn hóa đã "bỏ rơi xiếc", bỏ rơi các nghệ sĩ phải đơn độc vật lộn với đời sống, với câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại?", phải ngậm ngùi tự an ủi xiếc là cái nghiệp phải trả để có thể bền chí đi qua những năm tháng đói nghèo tủi hổ.

Bao năm qua, các nghệ sĩ xiếc trẻ ngoài tiền biểu diễn rất ít ỏi vì không có khán giả, chỉ được hưởng lương hơn 2 triệu đồng/tháng. "Đến công nhân cũng còn được 6-7 triệu đồng/tháng" - đại diện của Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An than thở.

Nghệ sĩ trẻ Bùi Hải Quân nói anh còn say nghề vì nghề mang đến cho anh những niềm vui khi được ở trên sân khấu với khán giả của mình, cho anh những vinh quang, những chuyến đi. Nhưng với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, lại phải thuê nhà, anh và các nghệ sĩ trẻ không biết làm sao để bám nghề.

Nếu không làm thêm sẽ không sống được mà làm nghề, còn chật vật làm thêm nữa lại sao nhãng nghề nghiệp. Cái vòng luẩn quẩn ấy càng ngày càng thít chặt hơn vào Quân và các nghệ sĩ trót mang cái nghiệp xiếc vào thân. "Người ta nói con khóc cha mẹ mới biết mà cho bú, nhưng chúng tôi đã khóc nhiều năm rồi vẫn chẳng thấy cha mẹ đâu" - Quân nghẹn ngào nói.

Tiết mục xiếc hấp dẫn được trình diễn cùng bài hát sôi động - Video: THIÊN ĐIỂU

Cần nhất sự khác biệt

Giữa thời mà nhiều khán giả đã "tắt lửa lòng" với sân khấu nói chung chứ chẳng riêng sân khấu xiếc, NSND Vũ Ngoạn Hợp - người đã có tới 42 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật xiếc - tâm huyết đưa ra nhiều gợi ý để vực dậy bộ môn này.

Theo ông, ngoài nâng cao chất lượng nghệ thuật thì cần phải làm thêm hai việc là phải tạo được sự khác biệt cho các chương trình biểu diễn và phải làm sao cho xã hội biết đến. Khi xiếc phải cạnh tranh với quá nhiều "món" giải trí hấp dẫn, mới mẻ, các nghệ sĩ xiếc buộc phải tạo ra sự khác biệt trong từng chương trình thì mới hút được khách.

"Nếu xem xiếc mà chương trình nào cũng chừng đó trò cũ, nếu không xem hôm nay, những ngày sau vẫn xem lại được, rất khó mời khán giả đến rạp" - NSND Vũ Ngoạn Hợp nói. Ông Hợp cũng đề xuất cho Liên đoàn xiếc cần được tự do tuyển người tài trong xã hội chứ không nhất thiết cứ phải người được đào tạo bài bản trong Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc.

Với những thành công của xiếc Việt gần đây như chương trình Làng tôi, À ố Show, Sông trăng, hay những trường hợp như Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, NSND Vũ Ngoạn Hợp tin tưởng rằng các nghệ sĩ xiếc Việt rất tài năng và nghệ thuật xiếc Việt hoàn toàn có cơ hội để phát triển.

NSND Tạ Duy Ánh - giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết ông mới lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam ba năm thôi mà mệt mỏi quá.

Ông không biết tìm cách gì để có thể tiếp tục “thổi lên ngọn lửa tình yêu nghề cho các em, các cháu” khi mà nhiều phen phải đỏ mắt chứng kiến các em, các cháu trước khi nhào lộn vất vả chỉ húp “mì không người lái”.

Khi xiếc hướng đến người lớn... Khi xiếc hướng đến người lớn...

TTO - Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 vừa khai mạc tại Hà Nội, với nhiều màn trình diễn khiến người lớn… phấn khích, còn trẻ con thì… ngơ ngác.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên