10/08/2024 10:33 GMT+7

Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó

Triển lãm Bụi Tinh Vân với sự phá cách trong sơn mài truyền thống bằng những chất liệu mới mẻ, họa sĩ Đinh Quân đặt người thưởng lãm vào sự chơi vơi giữa hai nền văn hóa.


Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 1.
Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 2.
Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 3.
Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 4.

Những tác phẩm tạo nên từ sự kết hợp mới mẻ của họa sĩ Đinh Quân - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Triển lãm Bụi Tinh Vân khai mạc tối 9-8 tại Wiking Salon (TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 8-9.

Đưa sơn mài lên một giới hạn mới

Trong không gian phòng tranh, hai loại tác phẩm hội họa được đặt đối diện nhau. Một bên là các đường nét thoáng đạt, chấm phá… của sơn mài truyền thống. 

Bên còn lại là các tác phẩm tạo nên từ những hình khối cơ bản của nghệ thuật tạo hình phương Tây và những chất liệu mới mẻ.

Người thưởng lãm thích thú xem các tác phẩm trưng bày - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Người thưởng lãm thích thú xem các tác phẩm trưng bày - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Tuy vậy, người tham quan không dễ dàng nhận ra sự khác biệt nhờ vào khả năng dẫn dắt, hòa trộn để các triết lý, hình khối, chất liệu ấy hòa quyện thành một tổng thể của người sáng tạo.

Họa sĩ Đinh Quân chia sẻ ông đã được đào tạo bài bản về sơn mài truyền thống, được học qua các quy chuẩn, nguyên tắc của ngành hội họa này.

"Chính những giá trị sơn mài truyền thống đó tạo nên nhiều nghệ nhân giỏi và danh họa nổi tiếng. Nhưng tôi mong muốn tìm ra một hướng sáng tạo mới, vì hội họa hiện đại có thể tương tác theo nhiều cách khác nhau" - ông Quân bày tỏ.

Trong hành trình tìm tòi cái mới, ông khám phá ra nét đặc biệt của chất liệu và cách làm sơn mài truyền thống, khi kết hợp với ngôn ngữ riêng của những chất liệu khác sẽ tạo ra tương tác độc đáo.

Sự kết hợp hài hòa giữa các ngôn ngữ hội họa ấy tạo cho người xem mối liên kết sâu sắc về mặt thị giác, đưa họ đến dòng suy nghĩ của riêng mình. 

Đối với yếu tố Đông phương trong tranh, ông áp dụng các triết lý sâu xa như cân bằng âm dương vào những đường nét.

Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 6.
Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 7.

Những vết loang khi vẽ màu mang theo những triết lý âm dương qua góc nhìn của họa sĩ - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Theo ông Quân, việc dùng màu tô lên giấy sẽ tạo ra các vết loang, giữa các chỗ ấy sẽ có sự giao thoa và thay đổi về màu sắc. 

Từ đó cho thấy âm dương không tuyệt đối, vạn vật không đứng một mình. Để mang triết lý đó vào trong hội họa, ông chọn bột đá quý làm màu trắng để tạo nền cho các vết loang của sơn then.

Những vết loang ấy như dòng chảy, mà tại đó người xem sẽ tự bắt gặp thế giới, tâm tư và dòng suy nghĩ của riêng mình.

Ngoài ra, bột từ đá dạ minh châu cũng là chất liệu tạo nên sự bắt mắt với người xem tranh. Loại bột này có màu xanh lá non, mang lại cảm giác rực rỡ mà êm dịu khi xuất hiện trong các gam màu khác nhau. 

Ngoài ra, đặc tính dạ quang của dạ minh châu giúp chúng phát sáng trong bóng tối, "tựa như ánh trăng".

Cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó- Ảnh 8.

Họa sĩ Đinh Quân (bên trái) chia sẻ tại buổi triển lãm - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Chia sẻ về điểm đặc biệt này, ông Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhìn nhận: "Bức tranh không thắp đèn mà tưởng như có đèn chiếu từ phía sau. Đó là điều rất mới lạ và mang lại cảm xúc đặc biệt".

Đạo diễn Xuân Phượng đánh giá: "Quân đã chủ động đưa sơn mài vào một giới hạn, một lĩnh vực, một biểu hiện hoàn toàn mới".

Sáng tạo là vươn tới tự do

Theo ông Kim Khôi, cách kết hợp của họa sĩ Đinh Quân là sự phá cách. Điều đó không dễ vì đây là hai nền hội họa khác nhau, cần có khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Tâm sự về động lực tìm tòi cái mới đó, ông Quân nói mình thích tự do: "Không có tự do là ta bị đóng khung, còn sáng tạo là vươn tới tự do và phá bỏ những gì đã có sẵn".

Đó cũng là lý do tất cả bức tranh xuất hiện tại Bụi Tinh Vân đều không đặt tên. 

Tác giả mong muốn người xem tự mình cảm nhận, thay vì định nghĩa theo ý của ông.

Hành trình tạo nên triển lãm Bụi Tinh Vân của họa sĩ Đinh Quân là do sự kiên trì tìm ra cái mới, thỏa mãn sự sáng tạo của chính tác giả. 

"Tôi không ngại phá đi tranh của mình và từng phá rất nhiều để vẽ lại" - ông Đinh Quân nhớ về quá trình sáng tạo của mình.

Ngắm các bức tranh trưng bày, ông Ngô Kim Khôi nói: "Kết hợp triết lý phương Đông hòa với hình học phương Tây, làm người xem tưởng như đang chơi vơi giữa hai nền văn hóa. Đó là cái đẹp có thực, chạm đục được, có thể sờ mó".

Họa sĩ Lê Văn Thìn - Một "giọng" sơn mài riêngHọa sĩ Lê Văn Thìn - Một 'giọng' sơn mài riêng

TTO - Xưởng vẽ của họa sĩ Lê Văn Thìn chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10m2. Thế mà ở cái chỗ cứ phải lách mình xoay trở ấy đã đều đặn sinh ra những bức tranh sơn mài kích thước không nhỏ, những bức tranh chứa đựng không gian "tả xung hữu đột" rộng rãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên