09/08/2024 21:52 GMT+7

Xem tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ tái tạo trên chất liệu sơn mài

Hơn 60 bức tranh với đề tài tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng quen thuộc được 'tái tạo' trên chất liệu sơn mài, mang đến cho người yêu nghệ thuật góc nhìn vừa quen, vừa lạ.

Những bức tranh dân gian quen thuộc được làm mới với chất liệu sơn mài, thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Những bức tranh dân gian quen thuộc được làm mới với chất liệu sơn mài, thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trong không gian Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ - biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo, những bức tranh dân gian quen thuộc với người Việt như đàn lợn, thần kê, đánh ghen, ngũ hổ, đám cưới chuột… xuất hiện một cách khác lạ.

Không phải trên giấy dó, giấy điệp hay giấy hồng điều, cũng chẳng phải mực tàu hay màu vẽ như trong tranh dân gian truyền thống, đàn lợn, đàn chuột thêm lóng lánh bởi sự kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc.

Đó là những tác phẩm mà các họa sĩ của Latoa Indochine cùng các cộng sự đã phục hồi, phát huy, bảo tồn tranh dân gian và không gian nghệ thuật kiến trúc Indochine (Đông Dương), nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu vốn có của dòng tranh này.

Xem tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ tái tạo trên chất liệu sơn mài- Ảnh 2.

Chú lợn trong tranh dân gian Kim Hoàng thêm óng ánh nhờ cách thể hiện mới - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thông qua cách thể hiện mới mẻ trên chất liệu sơn mài, các họa sĩ muốn mang đến đời sống mới cho nghệ thuật hội họa xưa, để những nghệ thuật truyền thống được hồi sinh trong đời sống hiện đại.

Các họa sĩ đã "tái tạo" tranh dân gian Việt Nam với sự kết hợp giữa kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc.

Vẫn là con lợn, con gà quen thuộc trong tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng nhưng chúng lại mang màu sắc mới mẻ, sáng tạo với chất liệu sơn mài.

Theo họa sĩ Lương Minh Hòa, điều mà anh mong muốn là có thể lưu giữ các mạch dân gian mà cha ông để lại, đưa các giá trị của tranh dân gian, dòng sơn mài truyền thống gần gũi hơn với công chúng.

"Mạch di sản là dự án tiếp nối triển lãm "Con đường" đã được tổ chức cách đây hai năm. Ở triển lãm này sơn mài không chỉ là bức tranh, mà nó còn có ứng dụng trên nhiều vật dụng hằng ngày như đèn ngủ, bình hoa, trâm cài tóc. Chúng tôi muốn đưa tranh dân gian, chất liệu sơn mài đến gần hơn với công chúng.

Chúng tôi cũng đang xây dựng một làng nghề, nơi dạy mọi người cách làm sơn mài. Du khách có thể đến để trải nghiệm làm tranh sơn mài… từ đó thêm yêu hội họa, văn hóa dân gian và gắn kết các giá trị văn hóa với du lịch", anh Hòa chia sẻ.

Xem tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ tái tạo trên chất liệu sơn mài- Ảnh 6.

Triển lãm giới thiệu đến du khách kỹ thuật làm vóc truyền thống, giai đoạn quan trọng trong tranh sơn mài - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trong thời gian diễn ra triển lãm, các tác giả sẽ tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc, nhằm giới thiệu tới công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam và hiểu cách để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc.

Triển lãm do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ Latoa Indochine tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.

Triển lãm mở cửa tự do từ nay đến hết ngày 3-9 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ - 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời gian mở cửa: 9h-17h các ngày thứ ba đến chủ nhật hằng tuần.

Bộ sưu tập tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên lần đầu hồi hương:  Chữ Duyên kỳ diệuBộ sưu tập tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên lần đầu hồi hương: Chữ Duyên kỳ diệu

Hơn 20 năm kể từ khi nằm lặng lẽ trên căn gác xép của lâu đài Jegenstorf ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, di sản khoảng 300 tác phẩm, hiện vật, tài liệu, sổ sách của họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) cuối cùng đã trở về Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên