03/07/2011 04:21 GMT+7

Cái bằng tiến thân!

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Sự học của người Việt Nam sao mà khổ. Khổ từ mẫu giáo khi bố mẹ phải xếp hàng từ nửa đêm để nộp đơn. Vừa xong chuyện mẫu giáo thì lo chạy hộ khẩu về những khu vực có trường tiểu học “ngon”. Lên cấp II, cấp III cũng chạy, cũng thi. Rồi vào đại học cũng là một cuộc đua xôn xao cả xã hội. Thậm chí trưởng thành cũng không yên khi phải kiếm thạc sĩ, tiến sĩ để tiến thân.

Tôi có một cậu học trò giỏi, con nhà khá giả, và em đã đi du học từ năm lớp 11. Sau khi tốt nghiệp đại học, em kiếm được việc làm ở nước ngoài với mức lương khá tốt. Cứ tưởng như thế đã tốt, ai ngờ vừa rồi em gửi mail cho tôi tâm sự rằng ba mẹ của em rất buồn. Họ muốn em phải học lên nữa để lấy bằng tiến sĩ cho nở mày nở mặt, chứ cái chuyện kiếm tiền thì ba mẹ em chẳng cần vì tài sản họ để lại cho em khá dư dả.

Nhưng em tâm sự: “Cô biết không, ở nước ngoài, hầu hết những người học lấy tiến sĩ là những người yêu thích nghiên cứu. Mà em thì không hạp lắm với chuyện nghiên cứu. Còn lấy bằng tiến sĩ xong để đi làm như công việc hiện nay của em thì, xin lỗi, người ta không nhận! Bởi vì người ta quan niệm rất rõ ràng: công việc chỗ chúng tôi cần là những người tốt nghiệp đại học. Chúng tôi không thể phí phạm thuê tiến sĩ để làm việc của cử nhân”.

Câu chuyện của cậu học trò làm tôi sáng ra nhiều điều khi nhìn xung quanh mình. Có giáo viên đang dạy ngon lành bỗng dưng lao đầu cố đi học để kiếm bằng thạc sĩ. Kiếm được bằng rồi, học trò rên như bộng vì nghe giảng chẳng hiểu gì cả. Đơn giản thôi, nội dung học lên thạc sĩ đâu có đơn giản như kiến thức để dạy phổ thông; vì thế học về cứ nói chuyện cao siêu nên học sinh như vịt nghe sấm!

Cái điều người giáo viên cần là những lớp tu nghiệp về sư phạm để sao cho tiết học lôi cuốn, bổ ích hơn cho học sinh thì lại không thấy; chỉ thấy khuyến khích học kiếm bằng thạc sĩ để báo cáo trường có N thạc sĩ, có X tiến sĩ. Tương tự, điều một ông giám đốc cần là khả năng điều hành một công ty sao cho nhanh nhạy nắm bắt thị trường, chứ đâu cần nghiên cứu kinh tế vĩ mô mà đi học kiếm bằng tiến sĩ. Có vô vàn những chuyện trái khoáy như vậy diễn ra ở nước ta và nó thật sự là một câu chuyện lãng phí đáng báo động.

Một người bạn tôi là tiến sĩ đang công tác tại Viện Khoa học công nghệ VN bảo rằng trong lĩnh vực của mình chẳng lo bằng giả hay học giả - bằng thật, bởi “thương hiệu” của mỗi người thể hiện qua chất lượng và số lượng bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành của thế giới. Và anh dí dỏm: ” Giá như Nhà nước mình quy định cứ ai lấy tiến sĩ thì làm ơn về các viện, các trường đại học để làm công tác nghiên cứu, lúc ấy thì bằng tiến sĩ bán một trăm ngàn đồng cũng chẳng ma nào mua”! Đơn giản vì lương cán bộ nghiên cứu không tới 3 triệu đồng/tháng, lại chẳng có “bóp” được ai, thế thì chẳng mấy ai thèm.

Thật ra cái chuyện háo danh, sính bằng cấp là bệnh của cả loài người chứ không riêng gì người VN. Ngay ở bên Mỹ, bên Tây cũng có những nơi bán bằng tiến sĩ dỏm giá vài trăm USD đấy thôi. Nhưng chuyện kiếm cái bằng của họ không trở thành chuyện lớn như ở ta, đơn giản vì bằng cấp chẳng có nghĩa lý gì trong chuyện kiếm việc làm hay thành công trong cuộc đời.

Nhưng đợi đến cái ngày ta được như thiên hạ, đó là không quá xem trọng bằng cấp, không nhất thiết chỉ lấy nó làm thước đo tài năng thì có lẽ hãy còn xa. Vì vậy, với các sĩ tử bước vào cuộc thi tuyển sinh đại học vào ngày mai, hãy cố làm bài cho thật tốt để bốn năm sau kiếm cái bằng lận lưng làm hành trang vào đời!

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên