07/02/2025 08:13 GMT+7

Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O?

Vàng O (Auramine O) là chất có khả năng gây ung thư cao. Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, không được dùng để sản xuất, chế biến nông sản, phụ gia thực phẩm.

Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng không nên mua các nông sản, thực phẩm có màu sắc bắt mắt như thịt gà, lòng gà có màu vàng tươi bất thường - Ảnh minh họa

Vừa qua, Trung Quốc áp dụng "khẩn cấp" quy định 100% lô hàng sầu riêng Thái Lan và Việt Nam muốn xuất khẩu vào nước này phải có giấy kiểm định chất vàng O.

Khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, phía bạn sẽ tiếp tục lấy mẫu, kiểm tra 100% lô hàng, nếu không có dư lượng chất vàng O thì mới được thông quan.

Vàng O nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào mà Trung Quốc phải kiểm soát nghiêm ngặt, Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tiêu hủy các lô hàng sầu riêng nhiễm vàng O bị trả về?

Không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong ngành bảo vệ thực vật cho biết hóa chất vàng O (chất Auramine, dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn) là một chất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. 

Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, không được sử dụng làm, chế biến thực phẩm, không phải thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng cho mục đích bảo vệ thực vật.

"Quy định kiểm tra chất vàng O được Trung Quốc áp dụng như một biện pháp khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt sau khi phía bạn phát hiện chất này trên các lô hàng sầu riêng của Thái Lan" - vị này nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), cho biết trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam không có chất vàng O, tức đây là chất cấm sử dụng.

Trong danh mục về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến do Bộ Y tế ban hành đều không có chất vàng O.

"Đối với hàm lượng quy định liên quan đến chất lượng, an toàn trong các sản phẩm thì sản phẩm thuộc quản lý của bộ nào thì bộ đó sẽ ban hành.

Hiện tại những sản phẩm mà Bộ Y tế ban hành thì không có văn bản nào quy định hàm lượng vàng O ở trong các sản phẩm" - bà Lan cho biết thêm.

Chuyên gia y tế cho biết chất vàng O độc hại đến mức Tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.

"Trong nông nghiệp, khi cho thêm chất vàng O vào thức ăn gia cầm hoặc nhuộm vàng các loại thực phẩm khác thì sẽ có tác dụng như một loại chất nhuộm màu gián tiếp cho sản phẩm, người sử dụng thực phẩm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng" - chuyên gia cảnh báo.

Người tiếp xúc với vàng O có thể có những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận.

Sau khi hít vào nạn nhân sẽ ho, khó thở, co thắt phế quản, viêm đường hô hấp. Ngoài ra, chất này còn kích thích gây ra viêm và phù nề như da mẩn đỏ, ngứa, sưng đau, viêm nhiễm, hoại tử...

Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O? - Ảnh 3.

Dưa muối từng là sản phẩm có nguy cơ sử dụng vàng O để "nhuộm" - Ảnh minh họa

Gà, măng... sử dụng vàng O sẽ vàng đậm, tươi bất thường

Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, đối với sầu riêng, chất vàng O thường được sử dụng để có mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Đối với măng, màu sắc bên ngoài của măng tươi hoặc măng khô có màu vàng nhạt, còn măng ngâm chất vàng O thì thường màu vàng đậm. Về độ giòn, măng ngâm hóa chất thường giòn, bẻ dễ gãy vụn, còn măng tự nhiên do ngâm muối nên dai hơn, không dễ gãy khi bẻ.

Đối với gia cầm khi trộn vàng O vào thức ăn khiến lòng, da gà có màu vàng tươi, đậm hơn so với gà bình thường...

Do đó người tiêu dùng không mua các nông sản, thực phẩm có màu sắc bắt mắt như gà, lòng gà có màu vàng tươi bất thường, măng có màu vàng đậm hơn...

Còn người sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không sử dụng chất vàng O trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người sản xuất, người tiêu dùng.

Bà Phương Lan cho biết nếu tổ chức, cá nhân cố tình sử dụng chất vàng O trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo nghị định 115-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Năm 2015, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tiếp phát hiện đơn vị, doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng chất vàng O để đưa vào thức ăn cho gà, heo nhằm để da, chân gà vàng và tạo màu đẹp, hấp dẫn người dùng cho thịt heo.

Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vàng O vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Các chất vàng O bị cấm gồm Vat Yellow 1 (tên gọi khác là flavanthrone, flavanthrene và sandothrene);

Vat Yellow 2 (tên gọi khác là Indanthrene);

Vat Yellow 3 (có tên gọi khác là Mikethrene);

Vat Yellow 4 (tên gọi khác là Dibenzochrysenedione và Dibenzpyrenequinone)l; chất Auramine (tên gọi khác yellow pyoctanine và glauramine) và các dẫn xuất của Auramine.

Năm 2016, tại một số địa phương như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, cơ quan chức năng của các địa phương này cũng phát hiện việc dùng vàng O để ngâm măng hoặc chất vàng O có trong măng của một số tiểu thương bán tại chợ.

Cách nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O - Ảnh 3.Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế

Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên