29/07/2017 09:51 GMT+7

Cách nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Trẻ bị cuốn vào Internet, quên đi cuộc sống cần thiết ở bên ngoài, mất an toàn với các thông tin cá nhân, bị bạo hành trên mạng hay hùa theo “ném đá”.

Các chuyên gia chia sẻ về rủi ro và cách thức bảo vệ trẻ khi tham gia môi trường mạng - Ảnh: HÀ THANH
Các chuyên gia chia sẻ về rủi ro và cách thức bảo vệ trẻ khi tham gia môi trường mạng - Ảnh: HÀ THANH

Còn cha mẹ thì tụt hậu kiến thức so với con cái nên gần như quá sức trong định hướng giáo dục con cái trở thành công dân tốt... là những vấn đề được các chuyên gia chỉ ra tại tọa đàm “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 28-7 do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững và Trung tâm CNTT - truyền thông Vietnet đồng tổ chức.

Theo ông Ysrael C. Diloy - chuyên gia nghiên cứu về nguy cơ của trẻ bị xâm hại (Tổ chức Stairway Foundation ở Philippines), trẻ em ở Philippines hay Việt Nam chỉ mới hiểu rủi ro trên mạng đơn giản là cận thị, còn rủi ro sâu xa thì các em chưa hiểu rõ.

“Các em biết không nên chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ, nhưng sẵn sàng chia sẻ thông tin trên mạng” - ông C. Diloy nói.

Còn theo ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia về an ninh thông tin: Người lớn hiện thiếu kiến thức về Internet nên không kiểm soát được con cái.

Thế hệ sau được tiếp cận môi trường mạng nhanh và sớm, trong khi không có ai truyền cho các em kỹ năng sống cả.

Do đó “cần cho trẻ hiểu rõ nguy cơ mất an toàn trên mạng, khuyến khích trẻ tham gia, đề xuất giải pháp vì trí óc trẻ em rất sáng tạo” - ông C. Diloy kiến nghị.

Vậy làm thế nào để hỗ trợ trẻ trước sự bùng nổ của thế giới mạng? Chuyên gia C. Diloy cho biết 10 năm trước các tổ chức ở Philippines đã thuyết phục Bộ GD-ĐT đưa vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vào giảng dạy trong nhà trường.

“An toàn của công nghệ phải được tiếp cận ở góc độ học sinh, trẻ em để thay đổi hành vi của trẻ khi tham gia vấn đề trên mạng”.

“Nếu Việt Nam đưa vào giảng dạy vấn đề này, thầy cô phải là người trực tiếp hỏi các sinh viên, học sinh trên thực tế các em từng bị xâm hại tình dục trên mạng, bị bạo hành trực tuyến chưa? Nếu các em trả lời từng là nạn nhân, cần có cơ chế xử lý phản hồi thông tin của các em, có khung hình phạt xử lý và bổ sung vào luật” - ông C. Diloy khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Khôi lạc quan cho biết hiện đã có phần mềm quản lý máy tính, vậy nên để kiểm soát việc các con vào trang web nào thì không cần rút dây mạng hay tắt máy.

“Hợp đồng” gia đình về an toàn mạng

* Cam kết của cha mẹ:

1. Biết được tất cả các dịch vụ, trang web con truy cập (nếu không biết nhờ con chỉ giúp).

2. Đặt ra quy tắc và cách sử dụng máy tính hợp lý cho con.

3. Không phản ứng thái quá nếu con nói về vấn đề gặp trên mạng (ngược lại cha mẹ sẽ cùng con giải quyết và tránh để nó xảy ra lần nữa).

4. Hứa không sử dụng máy tính (mạng) như một máy trông trẻ.

5. Biến Internet thành một hoạt động gia đình (nhờ con sử dụng mạng để lên kế hoạch cho gia đình).

6. Tìm hiểu những người bạn trên mạng của con.

* Cam kết của con:

1. Không tiết lộ thông tin cá nhân (số nhà, điện thoại, địa chỉ, trường học) khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ.

2. Nói với cha mẹ ngay nếu đọc được bất kỳ thông tin nào thấy không thoải mái.

3. Không hẹn gặp ai đó (quen trên mạng) nếu như không có sự xem xét và đồng ý của cha mẹ.

4. Không gửi ảnh cá nhân hay bất cứ thứ gì cho người lạ khi chưa có sự xem xét và đồng ý của cha mẹ.

5. Không trả lời bất cứ tin nhắn nào có mục đích xấu.

6. Cùng cha mẹ thống nhất thời gian sử dụng mạng và địa chỉ mạng phù hợp.

7. Không để lộ mật khẩu và tài khoản mạng của mình với ai trừ cha mẹ.

8. Hỏi ý kiến cha mẹ trước khi tải hay cài đặt một phần mềm nào đó.

9. Cam kết trở thành một công dân mạng tốt.

10. Giúp hướng dẫn cha mẹ sử dụng Internet, công nghệ khác.

H.T.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên