19/08/2020 10:03 GMT+7

Cách ly thu phí ở khách sạn: Sai một li, đi một dặm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Thông tin xác nhận hơn 90% các ca nhiễm virus corona từ cuối tháng 5 đến nay ở bang Victoria (Úc) có liên hệ với ổ dịch tại hai khách sạn làm dấy lên nhiều lo ngại về cách ly thu phí ở khách sạn.

Cách ly thu phí ở khách sạn: Sai một li, đi một dặm - Ảnh 1.

90% ca nhiễm COVID-19 ở bang Victoria là từ khách sạn Rydges (Úc), nơi cách ly người từ nước ngoài về - Ảnh: The Guardian

Cuộc điều trần về chương trình cách ly tại khách sạn ở bang Victoria ngày 17-8 cho thấy kế hoạch này đã được triển khai vội vã, nhiều sai sót và hậu quả là gây ra bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần 2 tại tiểu bang này.

Nguồn lây từ 2 khách sạn

Theo báo News của Úc, bác sĩ Charles Alpren - chuyên gia về dịch tễ học tại Sở Y tế và dịch vụ nhân sinh bang Victoria, xác nhận hơn 90% ca mắc COVID-19 ở Victoria từ cuối tháng 5-2020 đến nay liên quan đến một gia đình 4 người trở về Úc từ giữa tháng 5-2020 và cách ly tại khách sạn Rydges.

Gia đình trên về Úc ngày 9-5. Họ được xác định dương tính với bệnh COVID-19 ngày 15-5. Trong ngày này, họ được đưa tới khách sạn Rydges trên đường Swanston ở Melbourne để cách ly. Tính riêng trong tháng 7-2020, Sở Y tế bang Victoria cho thấy có 3.183 trong số 3.234 ca dương tính được xét nghiệm của bang liên quan đến khách sạn Rydges từ nguồn lây ban đầu là gia đình 4 người ở trên.

Gần 10% các ca còn lại liên quan đến khách sạn Stamford Plaza, nguồn lây là 3 người dương tính với virus trở về Úc ngày 1-6 và giữa tháng 6. Chỉ một số trường hợp nhỏ lẻ khác là không liên quan đến 2 khách sạn dùng làm cơ sở cách ly nói trên.

Theo kênh SBS, một kênh tin tức khác của Úc, chương trình cách ly tại khách sạn được giao cho Bộ Nhân dụng. Chính quyền địa phương sẽ tìm đối tác là các khách sạn, đồng thời thuê các công ty bảo vệ triển khai phương án cách ly.

Các nhân chứng được phỏng vấn tiết lộ nhân viên của các khách sạn được chọn làm điểm cách ly và cả lực lượng bảo vệ chỉ được tham gia một khóa huấn luyện qua mạng, khoảng 6 giờ, với nội dung chung chung và không tập trung vào những gì cần làm nếu tiếp xúc gần với người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm virus corona.

Điều tra cho thấy nhiều hướng dẫn sai được cung cấp cho các nhân viên bảo vệ, như không cần mặc quần áo bảo hộ khi hộ tống khách đi tập thể dục hoặc dạo mát, không cần mặc đồ bảo hộ khi mang đồ ăn đặt qua dịch vụ UberEats đến phòng riêng của khách.

Lời kể của những người bảo vệ cho thấy đội bảo vệ vẫn ăn chung, bắt tay, ôm nhau chào hỏi, dùng chung bật lửa với nhau hoặc đi chung thang máy với người nhiễm COVID-19. Có tình trạng bảo vệ ngủ quên và thậm chí có tin đồn chưa được kiểm chứng là bảo vệ quan hệ tình dục với người bị cách ly trong khách sạn.

Kết luận điều tra hôm 17-8 cho thấy chương trình cách ly tại khách sạn đã không có cơ quan chịu trách nhiệm rõ ràng, không có trang bị bảo hộ đầy đủ, việc huấn luyện và giám sát không được thực hiện nghiêm túc. Kết quả là dịch bùng phát trở lại ở Victoria, buộc giới chức phải áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt gây tổn hại lớn kinh tế xã hội.

Chưa rõ hiệu quả

Chương trình cách ly tại các khách sạn không quá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước đã huy động khách sạn ở các vùng miền hỗ trợ cách ly người Thái trở về từ nước ngoài, bên cạnh các cơ sở cách ly của ngành y tế và quân đội.

Theo báo Bangkok Post, Chính phủ Thái cam kết trả 1.000 baht (khoảng 755.000 đồng)/người/ngày cho các khách sạn tham gia. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đồng ý cho một số ít khách sạn 5 sao cung cấp dịch vụ cách ly cho những người có nhu cầu tự trả tiền với mong muốn dịch vụ tốt hơn.

Sự tham gia của các khách sạn có thể góp phần giảm tải cho cơ sở y tế và các cơ sở cách ly tập trung miễn phí của nhà nước, và giúp các khách sạn có một phần nhỏ thu nhập trong bối cảnh việc kinh doanh gần như bị đình trệ do đại dịch. Tuy nhiên, chưa có báo cáo cụ thể về kết quả của chương trình, chưa rõ cách ly tại khách sạn có thuận lợi và khó khăn gì cho công tác phòng chống dịch hay không.

Điều thực tế mà Thái Lan đã ghi nhận là không lâu sau khi chương trình cách ly tại khách sạn triển khai, nhà chức trách Thái Lan đã phải đau đầu đi điều tra về các tố cáo, mà họ cho là có cơ sở, từ chính các giám đốc, người điều hành khách sạn rằng nhiều "cò" đã tiếp cận, đòi được chia đến 40% doanh thu để giới thiệu khách hàng tham gia chương trình cách ly.

22 triệu

Tính đến 8h ngày 19-8 (giờ Việt Nam), theo trang thống kê Worldometer, toàn thế giới ghi nhận hơn 22 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 780.000 người chết và hơn 15 triệu người bình phục.

Ba vùng dịch lớn nhất thế giới lần lượt là Mỹ (hơn 5,6 triệu ca nhiễm), Brazil (hơn 3,4 triệu) và Ấn Độ (hơn 2,7 triệu).

Hướng dẫn chung chung

Trên thế giới, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn về việc cách ly phòng bệnh COVID-19 tại khách sạn. Các bang, các quốc gia đưa ra nhiều hướng dẫn khác nhau.

Theo hướng dẫn tháng 2-2020 của Tổ chức Y tế thế giới, cũng là một hướng dẫn còn chung chung, các điểm quan trọng cần lưu ý với việc cách ly bao gồm: cách ly đủ 14 ngày hoặc lâu hơn; cơ sở hạ tầng đảm bảo không có khả năng truyền bệnh; ghi nhật ký thông tin các ca cách ly để theo dõi về sau; cung cấp thực phẩm, nước, chỗ ngủ nghỉ, quần áo, thuốc men, phương tiện liên lạc khi cần thiết cho người được cách ly; đảm bảo vệ sinh và sự tôn trọng về văn hóa, giới tính, tín ngưỡng... của người được cách ly.

Nhiều tỉnh thành đang chờ hướng dẫn thu phí cách ly y tế Nhiều tỉnh thành đang chờ hướng dẫn thu phí cách ly y tế

TTO - Việc mở rộng cách ly có thu phí hiện các tỉnh thành vẫn chờ hướng dẫn, dù nhiều doanh nghiệp đã chi trả phí cho việc cách ly các chuyên gia, nhà đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên