23/02/2019 10:55 GMT+7

Cách đối ngoại của lãnh đạo dân túy

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Nhìn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đến liên minh cầm quyền dân túy ở Ý, có thể thấy các lãnh đạo dân túy đang tạo ra dấu ấn về chính sách đối ngoại trên thế giới.

Cách đối ngoại của lãnh đạo dân túy - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phất cờ khai trương tàu cao tốc Vande Bharat Express tại buổi lễ ở thủ đô New Delhi, ngày 15-2 - Ảnh: Reuters

Cách tiếp cận mang tính dân túy đối với chính sách ngoại giao của họ phản ánh sự chuyển dịch của thế giới đa cực và hậu phương Tây.

Ảnh hưởng chính sách đối ngoại

Có thể thấy không ai trong số đó ủng hộ toàn cầu hóa. Những người theo chủ nghĩa dân túy bày tỏ sự ngờ vực, thậm chí phản đối các tổ chức trung gian quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức, hiệp ước khu vực. 

Như Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Về hệ tư tưởng, chủ nghĩa dân túy sẽ hạn chế tinh thần sẵn sàng đóng góp của người dân cho các thách thức toàn cầu, như vấn đề biến đổi khí hậu. Các chính sách đối ngoại dân túy gần đây dường như đi theo mô hình này. 

Mặc dù được 200 nước nhất trí, Mỹ vẫn rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ở châu Âu thì Chính phủ Pháp muốn tăng thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường rồi sau đó vấp phải biểu tình của người dân từ cuối năm 2018 đến nay vẫn chưa kết thúc. 

Ở Ý thì Phó thủ tướng Matteo Salvini thể hiện quan điểm thiếu hòa đồng với các quan chức châu Âu.

Cách mà chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến quyết sách đối ngoại của một đất nước xoay quanh vị thế của nước đó trên chính trường quốc tế. 

Như tại Mỹ, nước có ảnh hưởng hàng đầu và có nhiều đóng góp cho các thể chế quốc tế, ông Trump có đủ khả năng "khuấy đảo" chính trường quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ ở trong nước. 

Nhưng với các nước có vị thế nhỏ hơn, đóng góp ít hơn như hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu, bao gồm cả Ấn Độ, thì rất khó để làm như vậy.

Sự khác biệt của Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng được xem là một nhà lãnh đạo dân túy, người có nhiều chính sách đối ngoại khác với đời thủ tướng trước là Manmohan Singh, nhưng cũng đồng thời khác biệt với phong cách dân túy của các lãnh đạo khác.

Ấn Độ dưới thời ông Modi cũng chú trọng nỗ lực ngoại giao và cộng đồng người Ấn ở nước ngoài. Ông chăm chỉ đi thăm các nước láng giềng, ông dành thời gian nói chuyện với kiều bào, tạo điều kiện thắt chặt quan hệ giữa cộng đồng với sứ quán Ấn Độ. 

Những hoạt động như vậy giúp ông Modi kết nối với kiều bào và thuyết phục họ bỏ vốn vào quê hương.

Chính phủ của ông Modi cũng tích cực sử dụng truyền thông, mạng xã hội, thể hiện sự thiếu tin tưởng với các phương tiện truyền thông trong nước. Sử dụng Twitter như một công cụ giao tiếp, Chính phủ Ấn thắt chặt quan hệ với Mỹ và các nước khác.

Chính sách đối ngoại của ông Modi có phần giống như các chính phủ dân túy khác trên thế giới, thể hiện nhiều xu hướng thường thấy trong chính trị ngày nay. Đứng đầu là sự suy giảm ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị của phương Tây.

Và thay vì thay đổi toàn bộ cách tiếp cận ngoại giao, sự vươn lên của chủ nghĩa dân túy toàn cầu hướng đến củng cố xu hướng hiện có, đó là đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, như những gì ông Modi đang làm ở Ấn Độ.

Ủy ban châu Âu phải lùi lịch công tác do sợ phong trào dân túy

Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ lùi thời gian công bố báo cáo về ngân sách và chính sách kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên do lo ngại sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến vào ngày 26-5 tới.

Cụ thể, báo cáo sẽ được công bố vào ngày 29-5, tức 3 ngày sau bầu cử. Theo các chuyên gia, EC muốn tránh các đảng dân túy tại Ý, Pháp và Bỉ, vì lo ngại các đảng này sẽ sử dụng báo cáo cho chiến dịch tuyên truyền chống châu Âu.

Từ nhiều tháng qua, Ý là nỗi lo lắng lớn nhất của châu Âu khi liên minh giữa đảng cực hữu Lega và phong trào dân túy cánh tả "5 sao" từ chối xem xét lại dự thảo ngân sách.

Trước sức ép rất lớn từ các tập đoàn tài chính và giới chủ, Chính phủ Ý cuối cùng cũng phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2019 từ 2,4% xuống 2% GDP.

Tuy nhiên, Ý rất khó có khả năng đạt được mục tiêu này vì đang trong tình trạng suy thoái kinh tế.

TƯỜNG NGUYỄN

Dân túy lại trỗi dậy ở châu Âu Dân túy lại trỗi dậy ở châu Âu

TTO - Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5-2019 sẽ có nhiều thay đổi khi phe cực hữu, dân túy trên khắp châu lục đang hợp tác “xuyên quốc gia” với kế hoạch chống Liên minh châu Âu (EU).

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên