Cánh hữu và dân túy ở châu Âu

HẢI MINH 08/01/2017 18:01 GMT+7

TTCT - Khắp thế giới phương Tây, chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Những người cực hữu trẻ Identitarian ở Áo và lá cờ với logo của họ -vice.com
Những người cực hữu trẻ Identitarian ở Áo và lá cờ với logo của họ -vice.com

Đằng sau làn sóng đó là những nguyên nhân phức tạp, từ lịch sử lâu đời của chủ nghĩa dân túy tới những thách thức toàn cầu hóa đã gây ra, và cảm giác bị bỏ rơi của cả một thế hệ sống trong khủng hoảng tài chính và bất công xã hội ngày càng mở rộng.

Xung đột giá trị

Giống như cuộc mở rộng của đế quốc Ottoman vào thế kỷ 16, sự lan ra của chủ nghĩa dân túy bảo thủ và cực hữu ở châu Âu đã dừng lại ở cánh cổng Vienna hồi tháng trước.

Năm 1529, việc Suleiman đại đế không chiếm được thủ đô nước Áo trở thành bước ngoặt chấm dứt sự mở rộng của đế chế Ottoman ở châu Âu.

Tuy nhiên, lúc này chưa thể nói trước liệu hàng loạt cuộc khủng bố trong năm 2016 tại những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến lời kêu gọi “đóng cửa biên giới” - và đóng cả cánh cửa tự do nữa - của các chính trị gia và phong trào cực hữu trở thành hiện thực hay không.

Đúng một tháng trước, chiến thắng của ứng viên trung tả Alexander Van der Bellen trong cuộc bầu cử tổng thống Áo, đánh bại đối thủ cực hữu của Đảng Tự do Norbert Hofer, được xưng tụng là khoảnh khắc quyết định giống như việc Suleiman đại đế bị chặn lại ở Vienna, nhưng sau những gì đã và đang diễn ra, như vụ khủng bố tại Berlin, không ai còn chắc nữa.

Được Trump ban phúc lành

Sau hai cú sốc liên tiếp của giới chính trị chủ lưu: cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời EU (Brexit) và Donald Trump thắng cử ở Mỹ, cũng như hàng loạt các vụ tấn công khủng bố của những nhóm Hồi giáo cực đoan, phong trào dân túy và cực hữu ở châu Âu kêu gọi chủ nghĩa bảo hộ, chống nhập cư và cả dân tộc chủ nghĩa đã được tiếp thêm rất nhiều sức lực.

Các đảng cực hữu vẫn còn phải đối mặt nhiều trở ngại, nhưng họ đang hưởng lợi từ sự xa lánh chính trị chủ lưu của tầng lớp lao động không khác gì những gì diễn ra với Trump.

Việc lựa chọn tổng thống Áo - một vị trí chủ yếu chỉ mang tính nghi lễ - mới là cuộc đấu mở màn. Những cuộc tổng tuyển cử ở Pháp, Hà Lan và Đức trong năm 2017 mới thật sự là liều thuốc thử và thước đo cho quyền lực của các đảng dân túy mới tại châu Âu.

Những gì chúng ta đang chứng kiến là mối đe dọa về mặt chính trị với trật tự hậu Thế chiến thứ hai do Roosevelt, Truman, Churchill và Adenauer tạo dựng, để tìm một con đường hợp tác ở châu Âu, xuyên Đại Tây Dương” - Ivo Daalder, cựu đại diện thường trú tại NATO của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói.

Ở nhiều nước châu Âu, phong trào dân túy vẫn chưa tiến được bao xa. Cas Mudde, giáo sư Đại học Georgia về các vấn đề quốc tế chuyên nghiên cứu những phong trào cực hữu, lưu ý trên tạp chí Foreign Affairs rằng với các cuộc bầu cử ở châu Âu năm năm qua, các đảng cực hữu trung bình giành được 16,5% số phiếu, khá khiêm tốn.

Nhưng cũng đáng nhắc rằng phe dân túy bảo thủ đã kiểm soát được chính quyền ở Hungary và Ba Lan, cũng như tham gia các liên minh cầm quyền ở Phần Lan và Na Uy.

Đảng cực hữu Đức Alternative für Deutschland (AfD) đang ngày càng lớn mạnh, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc (FN) ở Pháp, có khả năng ít ra là vượt qua vòng sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống mùa xuân sang năm.

Ở Áo, dù Hofer thua cuộc, ông vẫn nhận được 46% số phiếu, nhiều hơn hẳn so với cách đây chưa lâu.

Chúng ta ăn mừng vì Hofer không thắng, nhưng 10 năm trước, chúng ta còn rất thất vọng nếu họ có 1/3 số phiếu - Mudde nói - Chúng ta đang ở trong một tình huống mà với ngày càng nhiều cuộc bầu cử, phe dân túy cực hữu sẽ là đảng hạng nhất hay hạng nhì, điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần”.

Cũng giống phong trào cánh tả, những người cực hữu đang liên kết lại. Le Pen đã nhắn tin chúc mừng phe dân túy ở Ý sau khi Thủ tướng Matteo Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân cũng ngày 4-12 mà trong nhiều lý do khác nhau, có một lý do quan trọng là sự đoàn kết của phe cực hữu chống lại ông.

Từ Mỹ, Stephen Bannon, cố vấn cấp cao của Trump, đã ca ngợi các đảng dân túy bảo thủ đang xây dựng phong trào “đảng Trà toàn cầu”. Bản thân Trump thì nhắn tin trên Twitter đề nghị Anh bổ nhiệm đại sứ tại Mỹ là Nigel Farage, cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Anh (UKIP), một trong những thủ lĩnh của phe Brexit.

Hiện giờ, Trump có trong tay một vũ khí cực mạnh: trao tính chính danh cho những đảng cực hữu này bằng cách tiếp đón các nhà lãnh đạo của họ, hay đơn giản là hà hơi tiếp sức cho những luận điệu của họ, vốn ít nhiều rất giống ông: chống toàn cầu hóa, chống nhập cư, dân tộc chủ nghĩa.

Ở châu Âu, một trong những lập luận mà giới chính trị chủ lưu dùng để chống lại những người cực hữu là nói với cử tri rằng nếu bạn bầu cho họ, bạn sẽ trở thành trò cười và bị cô lập trên trường quốc tế - Mudde phân tích - Điều đó không còn đúng nữa nếu chính quyền Trump tỏ dấu hiệu thân thiện với những chính trị gia cực hữu khác, như Le Pen”.

Cùng với sự “ban phúc lành” của Trump là một nguy cơ lớn về khả năng châu Âu tan rã. Bà Le Pen đã nói rõ một trong những luận điểm tranh cử then chốt của bà là rút hoàn toàn khỏi EU giống như Anh.

Nếu thêm nước Pháp làm chuyện đó, thì toàn bộ khối đồng tiền chung sẽ lung lay dữ dội. Những phong trào tương tự, chưa mạnh mẽ bằng nhưng cũng đã lục tục ngóc lên ở Đan Mạch, Hà Lan, Áo và Ý.

Các cử tri Pháp có thể vẫn còn hoài nghi Le Pen, nhưng có một điều họ đã nhất trí: họ sẽ không chịu đựng được tổng thống của Đảng Xã hội đang cầm quyền François Hollande nữa.

Tỉ lệ ủng hộ ông này xuống còn 4%, mức thấp kỷ lục ở Pháp, theo thăm dò dư luận tuần trước và khi xuất hiện khoảng trống về lòng tin trên chính trường, cần có ai đó nhảy vào lấp chỗ. Trump đã chiến thắng với chiến thuật đó tại Mỹ. Không có lý do gì để bác bỏ khả năng tương tự ở châu Âu.

Trẻ và ghét toàn cầu hóa

Các phong trào cực hữu, giống như mọi thứ khác, cũng đã thay đổi mạnh mẽ bởi công nghệ và toàn cầu hóa (thật trớ trêu, là điều họ chống đối quyết liệt) trong thời gian qua.

Khắp châu Âu, họ tự mô tả mình là những người hoài cổ với kênh YouTube riêng, hay là những người “quốc gia” cũ nhưng biết nhắn tin trên Twitter và đăng bài trên Facebook, và tự gọi mình là “Identitarian”, nghĩa là “những người đi tìm bản sắc”.

Trẻ tuổi, da trắng và quen thuộc với công nghệ mới, cương lĩnh của họ là chống nhập cư và người Hồi giáo. “Tôi là sản phẩm của thời đại sinh ra tôi - Pierre Larti, người phát ngôn của Génération identitaire (GI), nhánh ở Pháp của phong trào này, nói như một triết gia với Đài truyền hình Canada CBC - Nhưng tôi biết sự khác biệt giữa điều gì tốt và điều gì không”.

Mới 27 tuổi, Larti làm việc ở một nhà máy sản xuất sữa chua và là một người trẻ điển hình của GI. “Tôi phải sống trong xã hội đa sắc tộc này và chứng kiến những băng hoại của nó, những nguy hiểm mà nó đè nén lên chúng tôi, lên người Pháp. 

Chúng tôi trở nên quá thụ động, quá chấp nhận - Larti nói tiếp - Chúng tôi chấp nhận khăn che mặt ở nơi công cộng, chấp nhận burka, từng chút một, chúng tôi chấp nhận tất cả. Chúng tôi chấp nhận nước Pháp giờ có hơn 2.500 nhà thờ Hồi giáo. Chúng tôi chấp nhận mỗi năm lại có 1-2 cuộc tấn công khủng bố. Tôi không thể chấp nhận điều đó”.

Không ít những người trẻ ở châu Âu chia sẻ quan điểm với Larti. Được tổ chức tốt nhất và có khuynh hướng bạo lực nhất là những Identitarian ở Pháp, Đức và Áo, nhưng các nhánh tương tự còn có mặt ở Ý, Ba Lan, Lithuania, Slovenia và Đan Mạch.

Phong trào này bắt đầu ở Pháp vào năm 2002, nhưng GI chính thức ra mắt vào năm 2012. Tháng 10-2012, họ tung ra một video với tựa đề Declaration of War (Tuyên bố chiến tranh) như cương lĩnh chính trị nền tảng của họ.

Những chiến thuật của họ rất mới mẻ: kêu gọi qua Facebook, Twitter, phát tán tư tưởng trên YouTube, và tổ chức những hoạt động chính trị theo kiểu Greenpeace, bao gồm việc chiếm giữ và cản trở một nhà thờ Hồi giáo đang xây dựng ở thành phố miền tây nước Pháp Poitiers.

Larti đã có mặt ở đó, và có lẽ để làm dịu cơn giận của họ, các chính trị gia sẽ buộc phải lắng nghe. “Một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất châu Âu đang được xây lên ở đây - Larti nói - Trong lịch sử Pháp và lịch sử châu Âu, Poitiers là một biểu tượng. 

Đó là nơi Charles Martel đã cản bước cuộc xâm lăng của Ả Rập vào năm 732. 1.300 năm sau, giờ chúng tôi bị coi là những kẻ gây rối và quá khích”.

Dominique Albertini, nhà báo chuyên đưa tin về FN cho báo Libération, phân tích cách tổ chức mới: “Phe cực hữu giống như một chòm sao với FN ở trung tâm và hàng loạt các phong trào nhỏ vây quanh”.

Khắp châu Âu, phong trào GI sử dụng chung logo là chữ cái lamda của Hi Lạp, “biểu tượng cho những đội quân can đảm đẩy lùi những kẻ xâm lược” - Larti giải thích.

Đó trước hết là một cuộc chiến văn hóa, chứ không phải chính trị và bầu cử - Albertini nói về GI - Các giá trị và quan điểm của họ là điều họ muốn bảo vệ nhất. Ở cốt lõi của cuộc chiến là đòi hỏi về một xã hội đồng nhất về văn hóa và chủng tộc. Họ cũng không chỉ nói về nước Pháp, mà về một nền văn minh châu Âu và một thế giới da trắng”.

GI vì thế cũng chia sẻ nỗi sợ hãi chung của nhiều cử tri EU trước toàn cầu hóa. Một nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann danh tiếng tại Đức mới đây cho thấy điều đó là lý do khiến sự ủng hộ với các đảng cực hữu và dân túy ở EU tăng lên.

Nghiên cứu “Nỗi lo ngại toàn cầu hóa hay sự xung đột giá trị? Ai ở châu Âu bỏ phiếu cho các đảng dân túy và tại sao?” đã thu thập ý kiến của gần 11.000 người ở tất cả 28 nước EU.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chủ yếu bởi nỗi sợ toàn cầu hóa mà một số người rời bỏ giới chính trị chủ lưu” - nghiên cứu viết. Theo đó, 78% những người ủng hộ AfD coi toàn cầu hóa là tiêu cực. Được thành lập năm 2013, AfD giờ đã có đại diện ở 10/16 nghị viện bang tại Đức.

Vào tháng 9, phó chủ tịch đảng, Beatrix von Storch, đã công khai mục tiêu AfD sẽ trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba ở Đức trong cuộc bầu cử nghị viện năm tới. Ở Áo và Pháp, tỉ lệ người phản đối toàn cầu hóa là 55% và 54%, và tỉ lệ trung bình cho cả châu Âu là 45%.■

Khó khăn đời sống, tìm lối thoát nơi chính trị

Nhiều nước châu Âu hiện giờ vẫn chưa thoát khỏi suy thoái hoặc tăng trưởng kinh tế chậm chạp, trong khi làn sóng nhập cư bắt đầu gây ra gánh nặng trực tiếp lên hạ tầng và đời sống xã hội.

Ở Áo, cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào năm 2015 khi gần 1 triệu người nhập cư vượt qua Balkan vào châu Âu, ít nhất 700.000 người đã đi qua Áo, một quốc gia chỉ có hơn 8 triệu dân. Tới nay, Áo cũng đã nhận gần 100.000 người tị nạn.

Ở Pháp, tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 7,1% lên 10% trong giai đoạn 2008-2015, trong đó gần 1/4 những người trẻ không có công ăn việc làm. Tăng trưởng kinh tế trong những tháng gần đây ở nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro chỉ là 0,2%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận