
Ảnh chụp màn hình các bài đăng sai sự thật trên Facebook ngày 22 và 23-7 - Ảnh: AFP
Ngày 18-7, một video ghi lại cảnh nước lũ chứa đầy rác ngập lên mái nhà đã thu hút hơn 56.000 lượt xem trên mạng xã hội Facebook.
Bài đăng chú thích bằng tiếng Tagalog có nội dung: "Bão khủng khiếp. Tầng một của những căn nhà này đã bị ngập", đồng thời đề cập đến tên địa phương của bão Wipha đã quét qua Philippines trong cùng ngày.
Ngày 22-7, một video thứ hai cho thấy cảnh nước lũ tràn lên mái nhà kèm nội dung "Cầu nguyện cho Philippines. Bốn ngày mưa liên tiếp" đã thu hút hơn 51.000 lượt chia sẻ trên Facebook.
Theo cơ quan ứng phó thảm họa Philippines, ít nhất sáu người thiệt mạng và sáu người khác mất tích sau khi bão Wipha quét qua nước này ngày 18-7, cùng một cơn bão mới đang hình thành ngoài khơi dự kiến sẽ tiếp tục gây mưa lớn.
Ngày 23-7, AFP xác minh hai video này thực chất là cảnh lũ lụt từ các cơn bão đã hoành hành tại Philippines vào năm 2024: video thứ nhất quay tại tỉnh Bulacan trong bão Gaemi (bão Carina) và video thứ hai ghi lại mưa lũ do bão Trami gây ra.
Kết quả chạy tìm kiếm ảnh ngược trên Google về các khung hình chính từ video đầu tiên đang lan truyền trên mạng đã dẫn các chuyên gia AFP đến một video gần như giống hệt được chia sẻ vào ngày 24-7-2024 trên trang Facebook của Đài phát thanh Philippines SMNI DZRD 981.
Một phần chú thích của video trên Đài SMNI DZRD 981 có nội dung: "XEM: Nước lũ dâng lên tận mái nhà dọc Barangay Lambakin, Marilao, Bulacan". Các bài đăng sai sự thật trên Facebook đã sử dụng bản sao chép của video đăng ngày 24-7-2024 của Đài SMNI DZRD 981.
AFP đã gặp bà Karen Alvarez, người đã quay video này vào tháng 7-2024. "Tôi là người đã quay video. Nó xảy ra cách đây một năm hồi bão Carina. Các bài đăng (đang lan truyền) chỉ đang đăng lại video của tôi", bà Alvarez cho biết.

Ảnh chụp màn hình so sánh bài đăng sai sự thật ngày 18-7 và bài gốc của Đài SMNI DZRD 981 đăng ngày 24-7-2024 - Ảnh: AFP
Hãng thông tấn nhà nước Philippine News Agency cũng chia sẻ các cảnh quay trong video của bà Alvarez khi đưa tin về hơn 52 ngôi làng tại Bulacan - một tỉnh phía bắc thủ đô Manila - đã bị ngập do nước lũ từ bão Gaemi (bão Carina).
Bão Gaemi gây lũ lụt và lở đất khiến ít nhất 40 người thiệt mạng tại Philippines trước khi đổ bộ vào Đài Loan và Trung Quốc.
Kết quả tìm kiếm ảnh ngược cho video thứ hai dẫn các chuyên gia AFP đến một video đăng vào cuối tháng 10-2024 của Newsflare - một nền tảng chuyên cung cấp video. Newsflare mô tả video được quay tại tỉnh Camarines Sur ở đông nam đảo Luzon trong bão Trami.
Hãng truyền thông GMA News của Philippines cũng chia sẻ những cảnh quay tương tự về cơn bão đã giết ít nhất 150 người và buộc gần 500.000 người rời bỏ nhà cửa do gây ra mưa lớn và lở đất trên diện rộng.
Tóm lại, hai video đang được chia sẻ rộng rãi trên Facebook không ghi lại thiệt hại do bão Wipha gây ra tại Philippines. Đó là những cảnh quay cũ từ những cơn bão năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận