06/12/2023 16:56 GMT+7

Các tỉ phú Việt tăng tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài

Kinh tế khó khăn, không nhiều doanh nghiệp Việt đủ khả năng huy động vốn ngoại. Lúc này các tỉ phú Việt tăng tìm kiếm nguồn vốn quốc tế.

Ông Trần Bá Dương, Phạm Nhật Vượng (giữa) và Nguyễn Đăng Quang (bìa phải) đang điều hành các doanh nghiệp đủ khả năng gọi vốn trong nước lẫn quốc tế.

Ông Trần Bá Dương, Phạm Nhật Vượng (giữa) và Nguyễn Đăng Quang (bìa phải) đang điều hành các doanh nghiệp đủ khả năng gọi vốn trong nước lẫn quốc tế.

Quỹ đầu tư Mỹ rót thêm vốn vào doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang

Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố thông tin vào hôm nay 6-12, về việc Quỹ Bain Capital (Mỹ) đồng ý gia tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Masan, nâng tổng mức lên 250 triệu USD.

Giao dịch được thực hiện với hình thức "cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi", có đặc điểm: giá 85.000 đồng/cổ phần, được nhận cổ tức bằng mức chia của cổ phần phổ thông (nếu có), cộng thêm cổ tức cố định lên đến 10%/năm tính từ năm thứ sáu trở đi - không cần phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vào năm thứ 10 bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan.

Ông Michael H. Nguyen - phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan - giải thích thêm về khoản vốn từ quỹ Mỹ: "Thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của tập đoàn". Giao dịch được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vài tháng tới.

Về tình hình kinh doanh, ba quý đầu năm 2023, Masan gặt hái 57.470 tỉ đồng doanh thu thuần (+3,5%). Sau khi trừ giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp chỉ còn lại lãi sau thuế hơn 1.350 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Phía tập đoàn do tỉ phú Nguyễn Đăng Quang điều hành cho biết đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn chiến lược khác, cũng như nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính, tính toán bán bớt một số tài sản chưa hoặc không phải cốt lõi, cân nhắc ngừng "đốt tiền" vào mảng kinh doanh chưa thành công...

Các hoạt động trên nhằm tăng thanh khoản và đạt được tỉ lệ nợ ròng trên EBITDA (đo lường khả năng thanh toán nợ phát sinh) dưới 3,5x, giúp bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn.

VinFast, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng được quỹ ngoại chú ý

Đầu tháng này, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC, trực thuộc Chính phủ Mỹ) cũng vừa ký ý định thư, tài trợ 500 triệu USD cho Hãng xe điện VinFast (mã chứng khoán VFS, niêm yết trên sàn Nasdaq).

Số tiền trên nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa, trở thành dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Dòng vốn ngoại sẽ được rót tùy thuộc vào kết quả đánh giá các dự án thiết lập cơ sở sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại Việt Nam, cùng nhiều tiêu chí khác.

"Khoản tài trợ của DFC sẽ là bước đà vững chắc cho VinFast tiến nhanh trên hành trình mở rộng toàn cầu và hướng đến tương lai xanh cho mọi người", bà Lê Thị Thu Thủy - tổng giám đốc toàn cầu VinFast - chia sẻ.

Mới đây Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa hoàn tất thương vụ chào bán trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 300 triệu USD, lô trái phiếu hoán đổi đầu tiên trên thị trường quốc tế trong năm nay do một doanh nghiệp Việt chào bán.

Các trái phiếu này có lãi suất 9,5-10%/năm, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu của Vinhomes với giá 51.600-53.900 đồng/cổ phiếu, đáo hạn vào năm 2028.

Theo báo cáo tài chính, ba quỹ đầu năm nay Vingroup mang về tổng doanh thu thuần hơn 134.200 tỉ đồng, tăng hơn 122% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, lãi ròng sau thuế giảm không đáng kể (-0,9%), đạt gần 1.560 tỉ đồng.

Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương gom 8.680 tỉ đồng từ "gã khổng lồ" có trụ sở Hong Kong

Gần đây, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) do tỉ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch cũng huy động tới 8.680 tỉ đồng, trở thành lô trái phiếu riêng lẻ có giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm đến nay, lãi suất 6%/năm.

Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (trụ sở Hong Kong) đã mua vào, nâng tổng tỉ lệ sở hữu vốn tại Thaco lên 26,6%. Nhà đầu tư được quyền yêu cầu Thaco mua lại trái phiếu này, kể từ ngày có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2027 được kiểm toán, cho tới ngày đáo hạn của trái phiếu vào gần cuối năm 2028.

Chỉ trong vòng nửa năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tục làm việc với đại diện các quỹ đầu tư lớn tại Mỹ, Đại sứ quán Anh, Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russel, Tổ chức Lưu ký chứng khoán quốc tế, Hiệp hội Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg, Bộ Tài chính - Vương quốc Bỉ...

Các hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trong nước lẫn quốc tế.

Doanh nghiệp FDI muốn đầu tư, địa phương nghe Doanh nghiệp FDI muốn đầu tư, địa phương nghe 'có vẻ bị ô nhiễm' đã bỏ qua

Đó là tình trạng tại một số địa phương hiện nay được tổng biên tập báo Thanh Niên chia sẻ tại hội thảo về vấn đề xanh hóa ngày 5-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên