
Một buổi ra mắt sản phẩm của Hãng thời trang Burberry - Ảnh: Burberry.com
Những mặt hàng thời trang có giá hàng ngàn USD, những đồng hồ hàng hiệu giá cao gấp nhiều lần như thế nếu lỗi mốt, tồn kho sẽ bị đốt, hủy bỏ... Cách các thương hiệu lớn xử lý hàng tồn đang gây tranh cãi trên toàn thế giới.
Theo báo cáo thường niên của Hãng thời trang Burberry (Anh), hãng đã hủy nhiều quần áo thời trang, giỏ xách và mỹ phẩm (đa số là nước hoa) trị giá 28,6 triệu bảng Anh (khoảng 32,6 triệu USD) riêng trong năm 2017 để bảo vệ tính xa xỉ thương hiệu. Tổng cộng trong 5 năm qua, hãng đã hủy số hàng hóa trị giá 90 triệu bảng.
Đốt bỏ hàng tồn, không bán rẻ
Burberry khẳng định biện pháp này là cần thiết để bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn ngừa vấn nạn hàng nhái.
Người phát ngôn của công ty cho biết: "Burberry có các quy trình chặt chẽ để giảm thiểu lượng hàng tồn dư chúng tôi sản xuất. Trong trường hợp phải xử lý sản phẩm thừa, chúng tôi làm việc đó với một cách có trách nhiệm".
Theo BBC, Burberry thông báo chỉ hủy những sản phẩm mang thương hiệu Burberry và đã lựa chọn những công ty chuyên nghiệp có thể khai thác năng lượng từ quá trình này nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Không có chuyện miễn phí
Việc đốt hoặc cắt vụn quần áo qua mùa, lỗi mốt, bán không được không chỉ phổ biến ở các thương hiệu cao cấp mà còn xảy ra đối với các dòng thời trang bình dân.
Tờ HuffPost cho biết khoảng 12.000 tấn quần áo thành phẩm từ khách hàng và các tập đoàn bị vứt ra bãi rác mỗi năm riêng ở Mỹ.
Các cửa hàng bán lẻ có quy định nghiêm ngặt về việc thà cắt bỏ, đốt bỏ chứ không thể để ai mặc hàng tồn kho miễn phí.
Ở Thụy Điển, trong nỗ lực được gọi là giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy điện đã đốt quần áo của Hãng H&M thay vì dùng than - chuyện thật như đùa được tường thuật trên truyền hình quốc gia Thụy Điển năm 2017.
Mặc dù thế, những người yêu môi trường vẫn chỉ trích hành động này khi thông tin xuất hiện trên báo chí hôm 19-7.
Kirsten Brodde, lãnh đạo chiến dịch có tên Detox My Fashion (Thanh lọc thời trang của tôi) do Greenpeace khởi xướng, tố Burberry "không thể hiện sự tôn trọng với sản phẩm của mình, lao động vất vả của công nhân và những tài nguyên thiên nhiên được dùng để tạo ra sản phẩm".
Một nghi vấn khác nữa liên quan đến tài chính được tờ Retail Gazette đặt ra là các hãng có thể được hoàn tiền thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng bị đốt bỏ.
Ít nhất là tại Mỹ, việc hủy hàng hóa đã nhập khẩu - nếu thông báo đầy đủ cho hải quan - sẽ được hoàn 99% tiền thuế. Những sản phẩm xa xỉ của các thương hiệu trên thường bị đánh thuế 15-25%, số hoàn tiền thuế có thể không phải là nhỏ.
Chuyện thường...để giữ giá hàng hiệu
Burberry không phải là công ty duy nhất phải đau đầu tìm cách xử lý hàng tồn kho của mình. Richemont, sở hữu thương hiệu đồng hồ Cartier và Montblanc, đã mua lại nhiều đồng hồ do chính mình sản xuất trị giá 430 triệu bảng trong 2 năm qua.
Theo các nhà phân tích, một vài bộ phận của chiếc đồng hồ sẽ được tái sử dụng nhưng đa số bị hủy bỏ.
Những cái tên như Louis Vuitton, Chanel, Hermès... cũng đều đốt bỏ phụ kiện, quần áo không bán hết hằng năm chứ tuyệt đối không giảm giá.
Tim Jackson - trưởng khoa thời trang tại Trường đại học Glasgow Caledonian, cơ sở tại London - nhận định các thương hiệu hàng xa xỉ không có cách nào giải quyết vấn đề này vì họ phải dày công để định vị thương hiệu vào phân khúc cao cấp, việc giảm giá sẽ khiến giá trị của thương hiệu bị ảnh hưởng trầm trọng.
Theo thống kê của Tổ chức World Resources Institute, để tạo ra một chiếc áo thun bằng cotton - bông vải, quá trình sản xuất cần đến 2.700 lít nước, lượng nước đủ cho một người dùng trong 2,5 năm.
Nguyên liệu sợi tổng hợp như polyester có thể cần ít nước và đất đai hơn nhưng lại không tốt cho môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận