06/07/2021 11:54 GMT+7

Các nhà ngoại giao Nga, Mỹ, Anh, Pháp khẩu chiến tại hội thảo hòa bình ở Trung Quốc

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - "Ai đó làm ơn chỉ cho tôi một ví dụ về việc Trung Quốc muốn áp đặt hệ tư tưởng của mình lên nước khác đi. Tôi vô cùng biết ơn", đại sứ Nga Andrey Denisov nêu quan điểm. Ông lập tức bị thách thức, đầu tiên là bởi đại sứ Pháp.

Các nhà ngoại giao Nga, Mỹ, Anh, Pháp khẩu chiến tại hội thảo hòa bình ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc, ông Andrey Denisov, bén duyên với Trung Quốc từ năm 1973 thông qua vai trò phiên dịch viên và đại diện thương mại Liên Xô (cũ) tại Bắc Kinh - Ảnh chụp màn hình SCMP

Theo báo South China Morning Post (SCMP), cuộc khẩu chiến giữa các quan chức ngoại giao Nga - Trung Quốc và Mỹ, Anh, Pháp diễn ra hôm 4-7, trong một hội thảo về hòa bình do Đại học Thanh Hoa và Viện Đối ngoại nhân dân Trung Quốc tổ chức.

Các nhà ngoại giao đã không ngần ngại thể hiện quan điểm về sự phát triển của Trung Quốc và tranh luận gay gắt trước sự chứng kiến của hàng trăm sinh viên, quan chức Trung Quốc.

"Ai đó làm ơn chỉ cho tôi một ví dụ về việc Trung Quốc muốn áp đặt hệ tư tưởng của mình lên nước khác đi. Tôi vô cùng biết ơn", đại sứ Nga Denisov nêu quan điểm tại hội thảo.

Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Laurent Bili là người đầu tiên lên tiếng thách thức, theo SCMP. Ông nhấn mạnh không ai nghĩ Bắc Kinh muốn áp đặt mô hình phát triển lên các nước khác, cho đến khi xảy ra các vụ mà ông Bili mô tả là "đe dọa tự do ngôn luận".

Theo SCMP, ông Bili muốn nhắc đến việc đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye sỉ vả các nhà nghiên cứu, ngoại giao sở tại khi họ nghi ngờ nguồn gốc COVID-19 và Đài Loan. Tháng 3-2021, Paris triệu tập ông Lu để phản đối "các bình luận không thể chấp nhận được".

"Từ 1 năm trước, chúng tôi đã thấy các cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự do ngôn luận ở nước Pháp, vào xã hội và các nhà báo Pháp. Điều đó làm dấy lên nhiều câu hỏi", ông Bili dẫn chứng.

Đại sứ Nga Denisov lập tức cắt ngang: "Tôi xin lỗi, nhưng mấy cái này không liên quan gì đến hệ tư tưởng". Đại sứ Pháp lập tức đáp trả rằng tự do ngôn luận cũng là một phần liên quan đến hệ tư tưởng.

"Tốt, tốt, tự do à" - ông Denisov đáp, theo SCMP. Nhà ngoại giao Nga sau đó dẫn ra bài phát biểu của cố tổng thống Mỹ George H. W. Bush khi ông "thuyết giáo" Nga về tự do và dân chủ.

"Chúng tôi biết (tự do và dân chủ) kiểu đó hoạt động như thế nào ở Libya, Syria, Iraq và Afghanistan. Tôi thấy thật vô nghĩa khi tiếp tục thảo luận vấn đề này", ông Denisov lập luận. Libya, Syria, Iraq và Afghanistan là những nơi Mỹ đã can thiệp hoặc đổ quân chiếm đóng, điều mà Nga và một số nước đồng minh cho rằng là nguyên nhân khiến mọi thứ tồi tệ hơn trước.

Các nhà ngoại giao Nga, Mỹ, Anh, Pháp khẩu chiến tại hội thảo hòa bình ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Laurent Bili - Ảnh chụp màn hình

Đại biện lâm thời của Mỹ tại Trung Quốc, ông William Klein, cũng xuất hiện tại hội thảo ngày 4-7. Ông đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ, trực tiếp thách thức cả Nga và Trung Quốc, khi nhấn mạnh: "Các nền dân chủ của thế giới đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán và một nước Nga gây rối".

Nhà ngoại giao Mỹ sau đó đưa ra một thông điệp quen thuộc: “Washington không bắt các nước chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Đại sứ Anh tại Trung Quốc Caroline Wilson, người cũng có mặt tại hội thảo, cũng trực tiếp và mạnh mẽ không kém. Bà Wilson nhấn mạnh Anh là một trong những nước đầu tiên công nhận Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có ý định áp đặt mô hình và tư tưởng của mình, cả ngày xưa lẫn hiện tại.

"Do đó chúng tôi cũng hy vọng Trung Quốc sẽ không áp đặt mô hình của mình lên nước khác", đại sứ Anh thẳng thắn kêu gọi.

Theo SCMP, cuộc khẩu chiến tiếp tục leo thang khi ông Yu Hongjun, một cựu quan chức đối ngoại cấp cao của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện "sự ủng hộ rõ ràng" với đại sứ Nga.

Ông Yu khẳng định Trung Quốc đã không cố gắng xuất khẩu mô hình quản trị của riêng mình, không giống như "một số người". Theo SCMP, mặc dù không nêu trực tiếp tên nước nào, các dẫn chứng của ông Yu đều dính líu đến Mỹ.

"Vài người cảm thấy nền văn minh của họ vượt trội hơn những người khác nên muốn mở rộng nền văn minh và hệ tư tưởng của riêng mình sang các nước khác, gây ra bất ổn, gián đoạn và xung đột.

Afghanistan là một ví dụ điển hình nơi cải cách dân chủ đã thất bại và bây giờ ai đó đang muốn rời đi. Một thảm họa lớn hơn đang chực chờ", ông Yu ám chỉ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm can thiệp.

SCMP nhận định cuộc khẩu chiến giữa các đại sứ cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng tăng. Nga và Trung Quốc đang tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh cả hai nước này đều có vấn đề với phương Tây do Mỹ dẫn dắt.

Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ông Tập muốn Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ông Tập muốn 'trẻ hóa' Trung Quốc

TTO - Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi nhiều thông điệp rõ ràng tới thế giới qua bài diễn văn kéo dài một giờ tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1-7.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên