21/08/2021 06:15 GMT+7

Các ngân hàng thương mại dù lợi nhuận khủng vẫn không chịu giảm lãi cho vay

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Dòng tiền bị mắc kẹt, không có nguồn để chi trả, thế nhưng khoản vay của công ty ông Đ.X.P. tại ngân hàng A. vẫn không hề được giảm lãi suất, vẫn giữ mức rất cao là 8,5%/năm...

Các ngân hàng thương mại dù lợi nhuận khủng vẫn không chịu giảm lãi cho vay - Ảnh 1.

Mặt bằng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 (TP.HCM) đóng cửa vì dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các ngân hàng thương mại dù có lợi nhuận khủng vẫn không chịu giảm lãi cho vay để chia sẻ khó khăn với khách vay.

Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đều điêu đứng, không có nguồn thu do phải tuân thủ giãn cách để phòng chống dịch.

Theo các chuyên gia, dù ngân sách đang khó khăn nhưng Chính phủ vẫn có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều DN cũng hỗ trợ người lao động, các chủ nhà cũng giảm mạnh tiền cho thuê nhà, mặt bằng để chia khó với người thuê. Thế nhưng các ngân hàng (NH) vẫn không giảm lãi suất để chia khó với khách vay, dù đạt lợi nhuận khủng.

Không giảm, không chia sẻ khó khăn với khách hàng

Ông Đ.X.P. - giám đốc một DN xây dựng (Q.Hà Đông, Hà Nội) - kể dự án bị tạm ngừng thi công gần 1 tháng nay do Hà Nội siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Dòng tiền bị mắc kẹt, không có nguồn để chi trả. Thế nhưng khoản vay của công ty tại A. vẫn không hề được giảm lãi suất mà vẫn giữ mức rất cao là 8,5%/năm. 

"Đợt dịch lần này đã quật DN tơi tả. Vì tài chính quá khó khăn nên tôi rất mong NH chia sẻ, giảm lãi suất cho vay" - ông P. băn khoăn.

Không chỉ DN, nhiều người dân vay vốn làm ăn cũng ăn không ngon ngủ không yên với khoản vay gốc và lãi trả cho NH hằng tháng trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài. 

Theo chị L.T.G., dù qua 4 đợt dịch COVID-19 nhưng khoản vay của gia đình chị tại ngân hàng S. vẫn giữ ở mức lãi suất 9,3%/năm từ năm 2019 đến nay chứ chẳng được giảm được đồng lãi nào. 

Trong khi đó, chị G. cho biết gia đình chị đã giảm đến 70% tiền cho thuê nhà, thậm chí không thu tiền nhà trong hai tháng nay, để chia sẻ với người đi thuê nhà trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hầu hết các mặt bằng kinh doanh đều đóng cửa thời gian qua. "Tôi có hỏi nhân viên tín dụng nhưng nhận được trả lời là NH chưa có thông báo gì", chị G. bức xúc.

Anh Danh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vay mua căn hộ hơn 4 năm nay, nợ gốc còn khoảng 2,3 tỉ đồng. Do công việc kinh doanh khó khăn trong mùa dịch, thu nhập của hai vợ chồng giảm sút, anh điện thoại cho nhân viên tín dụng phụ trách hợp đồng để hỏi thăm về chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng gọi nhiều lần không được nghe máy. 

Gọi lên tổng đài NH lại được hướng dẫn gọi cho chi nhánh, nhưng gọi đến chi nhánh cũng chuyển điện thoại vòng vòng rồi tắt máy. "Từ đó đến nay, hằng tháng NH vẫn thu đều 30 triệu cả gốc lẫn lãi", anh Danh nói.

Anh Thanh Tuấn, một khách hàng vay mua nhà, cho biết đã rất kỳ vọng khi nghe tin các NH đồng thuận giảm lãi suất vay nhưng rồi thất vọng bởi NH nêu quan điểm rằng chỉ hỗ trợ các DN sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn. 

"Các NH không thể không chia khó với khách hàng cá nhân bởi dịch kéo dài, chúng tôi làm được gì ra tiền đâu. Trong khi nhiều chủ nhà giảm 40 - 70% tiền thuê nhà, mặt bằng để chia khó với người thuê, ngành thuế cũng chia khó với người nộp thuế. Chỉ riêng NH vẫn thu nợ gốc và lãi đều như vắt chanh theo kiểu "sống chết mặc bay" mà không giảm lãi suất cho vay là điều rất khó chấp nhận", anh Tuấn bức xúc.

Các ngân hàng thương mại dù lợi nhuận khủng vẫn không chịu giảm lãi cho vay - Ảnh 2.

(trích báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ vừa được các NH công bố)

Lãi khủng nhờ chênh lệch lãi suất

Trong khi cả nền kinh tế, từ các DN sản xuất kinh doanh cho đến các hộ kinh doanh và người dân làm ăn nhỏ lẻ, đều gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhiều NH thương mại vẫn đạt lợi nhuận khủng nhờ giảm mạnh lãi suất huy động nhưng vẫn neo lãi suất cho vay. Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết trong 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của các NH thương mại tăng mạnh, trong đó chỉ riêng lợi nhuận nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đã giúp các NH tăng nộp cho ngân sách thêm khoảng 6.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH, cho biết từ giữa tháng 7, các NH cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5 - 2%/năm và phổ biến là 1%/năm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới. Tổng số tiền giảm lãi suất được các NH cam kết chia sẻ với khách vay khoảng 20.300 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các NH đều án binh bất động với lý do "chờ NH Nhà nước có chủ trương". Thậm chí, Hiệp hội Nhựa VN vừa có văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng, đề xuất NH giảm 2 - 3%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ những DN bị thiệt hại nặng nề bởi dịch.

NH Nhà nước vừa có công văn yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội NH nhằm giữ uy tín của mỗi NH và toàn ngành trước người dân, DN và xã hội. Đặc biệt, NH Nhà nước khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, làm cơ sở xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của NH vào năm 2022.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng dù ngân sách đang vô cùng khó khăn, vẫn phải đi vay nợ và phải trả nợ hằng tháng, nhưng từ năm 2020 Chính phủ vẫn quyết liệt đưa ra các gói hỗ trợ DN và người dân như gia hạn, giảm thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất... nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và DN cũng như nuôi dưỡng nguồn thu. Thế nhưng các NH vẫn không giảm lãi suất cho vay dù hầu hết khách hàng, từ DN đến cá nhân, đều gặp khó khăn là điều rất vô cảm.

"Từ năm 2020 đến nay, các NH thương mại công bố lãi khủng, trong khi người vay kiệt quệ vì bị dịch hoành hành, lẽ ra các NH phải chủ động giảm lãi suất cho vay một cách thực chất thay vì chỉ có trên giấy. Theo tôi, với những NH đã cam kết giảm lãi suất cho vay, NH Nhà nước cần yêu cầu công khai mức giảm lãi suất trên website của mình để người dân và cơ quan quản lý giám sát, tránh tình trạng nói mà không làm hoặc làm kiểu đánh trống bỏ dùi", vị này đề xuất.

Khoanh nợ, giảm lãi để cứu doanh nghiệp

Ngày 20-8, NH Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 01 năm 2020 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dự kiến các tổ chức tín dụng được cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021, mở rộng hơn so với mốc quy định hiện nay là đến ngày 10-6-2020. Thời gian khoản nợ được cơ cấu, miễn, giảm lãi vay và phí cũng sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, đến hết quý 2 năm sau thay vì hết năm nay như quy định hiện hành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng để hỗ trợ DN và cá nhân vay vốn, tất cả khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần được khoanh lại, với số dư nợ cần được khoanh khoảng 600.000 tỉ đồng.

NH Nhà nước nên sớm báo cáo Chính phủ về thiệt hại của DN, người vay vốn để có quy định cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khoản nợ sẽ không phải tính lãi trong một thời hạn hợp lý là giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ người vay vốn" - ông Hùng đề xuất.

L.THANH

Ngân hàng Nhà nước dự kiến giãn nợ, miễn, giảm lãi vay thêm 6 tháng cho doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước dự kiến giãn nợ, miễn, giảm lãi vay thêm 6 tháng cho doanh nghiệp

TTO - Ngân hàng Nhà nước đang xem xét cho các tổ chức tín dụng được cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi vay và miễn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết ngày 30-6 năm sau thay vì quy định là hết năm nay.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên