12/07/2021 19:09 GMT+7

Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay

LÊ THANH - A.HỒNG
LÊ THANH - A.HỒNG

TTO - Chiều 12-7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với lãnh đạo 16 ngân hàng để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại cuộc họp, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Ông Nguyễn Viết Mạnh - thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank - cho biết Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. 

"HĐTV của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%/năm, có khoản sẽ giảm 2 - 2,5%/năm. Tính trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%/năm", ông Mạnh cho biết thêm.

Ông Phạm Quang Thắng - phó tổng giám đốc Techcombank - cũng cho biết Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hành nhưng trong hỗ trợ không nên cào bằng, mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… 

"Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất", ông Thắng nói.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà - phó tổng giám đốc MB, trước mắt MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (chẳng hạn doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1%/năm hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

Trong khi đó, một số ngân hàng cho biết phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. 

Theo đại diện LienvietPostBank, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỉ đồng, nếu  giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì ngân hàng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng.

Ông Phan Đình Tuệ - phó tổng giám đốc Sacombank - cũng cho rằng với tổng dư nợ đang vào khoảng 350.000 tỉ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỉ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch. 

Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Tuệ cho biết Sacombank sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn. 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - thừa nhận hiện nay việc giảm lãi suất rất khó, tuy nhiên lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng với những khó khăn của doanh nghiệp.


Ông Hùng cũng lưu ý hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất, bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn. 


"Hiện tại ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch COVID-19 gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống", ông Hùng nhấn mạnh.

Ngân hàng muốn nới room tín dụng

Tại cuộc họp, các ngân hàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vietcombank - cho biết ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong những tháng cuối năm.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các ngân hàng tham dự cuộc họp như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị. Theo các ngân hàng, việc được Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hằng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Khó giảm lãi suất cho vay? Khó giảm lãi suất cho vay?

TTO - Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khi dịch COVID-19 tái bùng phát, nhiều doanh nghiệp càng khốn đốn hơn khi trước đó vừa nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay từ ngân hàng sau khi hết thời gian ưu đãi.

LÊ THANH - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên