03/06/2021 10:10 GMT+7

Các cựu tuyển thủ nói gì về đàn em ở tuyến đầu?

SĨ HUYÊN ghi
SĨ HUYÊN ghi

TTO - Thông tin các tuyển thủ Việt Nam phải "nhốt" mình trong khách sạn, hạn chế ra ngoài hay tiếp xúc với người ngoài để phòng dịch khiến nhiều người lo ngại về sự ức chế tâm lý cũng như khó đảm bảo thể lực. Có thật vậy không?

Các cựu tuyển thủ nói gì về đàn em ở tuyến đầu? - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam tập nhẹ trong khuôn viên khách sạn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Để giải đáp câu hỏi này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với các cựu tuyển thủ quốc gia.

Cựu tuyển thủ Minh Phương: Không có gì đâu!

Ăn, ngủ, tập luyện, di chuyển và thi đấu, mọi việc cứ lặp đi lặp lại đều đặn nên trở thành thói quen đối với các cầu thủ. Lên tập trung cùng đội tuyển quốc gia, họ vẫn gặp lại điệp khúc ấy. Điều đó gần như là quy luật, là thói quen, do vậy khó có sự nhàm chán hay ức chế tâm lý đối với họ.

Mặt khác, hai năm qua, cầu thủ Việt Nam đã quá quen với việc giãn cách xã hội trong mùa dịch bệnh. Họ biết phải làm gì để thoát ra khỏi sự nhàm chán khi tập trung với đội bóng.

Cựu tuyển thủ Nguyễn Đức Thắng: Nhiều trò vui khi tập trung

Tôi không nghĩ rằng việc "nhốt" mình trong khách sạn sau giờ tập dẫn tới sự nhàm chán, ức chế tâm lý hay suy giảm thể lực. Đối phó với nắng nóng ở UAE, HLV Park Hang Seo đã nâng tầm thể lực cho học trò với những thời gian tập luyện khác nhau trong ngày. 

Từ nền tảng thể lực vốn được tích lũy từ CLB, các buổi tập giữa trưa vừa rồi của ông Park càng giúp cầu thủ khỏe hơn, thích nghi dần với cái nóng ở UAE.

Từng là tuyển thủ, tập trung dài hạn với đội tuyển quốc gia và nay chuyển sang làm công tác huấn luyện nên tôi quá tường tận với những gì diễn ra trong khách sạn - nơi đóng quân của CLB hay đội tuyển Việt Nam. 

Cầu thủ tuy ở yên, nhưng không nhàm chán bởi họ có vô vàn kiểu vui đùa, các trò chơi giải trí ở phòng mình hay phòng đồng đội. Thậm chí có thể nói nơi tập trung của đội tuyển hay CLB chẳng khác nào cái... chợ bởi sự ồn ào diễn ra thường xuyên.

Cựu tuyển thủ Ngọc Thanh: Cơ hội để hiểu nhau hơn

Khoác trên người chiếc áo đội tuyển quốc gia, đó là mơ ước và cũng là trách nhiệm của các tuyển thủ. Vì vậy, họ luôn biết cách thích nghi với mọi hoàn cảnh để giữ gìn sức khỏe cho mình và cả tập thể trong mùa dịch. 

Mặt khác, sau giờ tập, thường là khoảng thời gian mà tuyển thủ ngồi với nhau để tâm sự, trao đổi về cuộc sống hiện tại, ước mơ cho tương lai hay phân tích về tình huống hoặc trận đấu đã qua. Những câu chuyện đại loại như thế khiến thời gian trôi đi rất nhanh và giúp họ hiểu nhau nhiều hơn.

Cựu tuyển thủ Thành Lương: Họ không có thời gian trống

Sự nhàm chán là điều không hề xảy ra sau giờ tập hoặc thi đấu của các tuyển thủ. Từng có ba lần đá vòng loại World Cup 2010, 2014 và 2018, tôi khẳng định điều đó.

Thường các tuyển thủ gần như không có giờ rảnh sau khi tập xong, bởi vô vàn những việc như: học ngoại ngữ, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, gọi điện thoại thăm gia đình, xem thông tin trên mạng... đã chiếm hết thời gian trống của họ.

Đội tuyển là ngôi nhà thứ hai

Quả bóng vàng 2005, cựu tuyển thủ Tài Em nhấn mạnh như vậy và phân tích thêm: "Có tên gọi tập trung vào đội tuyển, ai cũng náo nức chờ ngày lên đường. Sự náo nức ấy bởi lên đội tuyển quốc gia chẳng khác nào về với gia đình thứ hai của mình. Ở đó, tình thân hữu được gắn kết chặt chẽ và dẫn tới sự đoàn kết của đội tuyển Việt Nam.

Thêm một sự thoải mái khác khi chơi ở UAE, đó là việc các tuyển thủ không phải nhức đầu, lăn tăn với những cuộc gọi xin vé hay nhờ mua vé vào sân nếu Việt Nam đá tại Mỹ Đình. Đừng nghĩ rằng chuyện vé là chuyện nhỏ với các tuyển thủ. Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được sự 'đau đầu' về vé vào sân như thế nào khi từng tuyển thủ đều có mối quan hệ rộng rãi".

Chịu tốn kém để "tiếp lửa" cho đội tuyển

vo hoang quan

Anh Võ Hoàng Quân cùng kiều bào tại Dubai sẵn sàng "tiếp lửa" cho đội tuyển Việt Nam

Sau khi biết được thông tin sẽ được vào sân xem đội tuyển Việt Nam thi đấu tại vòng loại World Cup 2022, đa số người hâm mộ Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Dubai đều rất vui mừng. Họ cho biết sẽ đáp ứng đầy đủ điều kiện mà Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra để "tiếp lửa" cho tuyển Việt Nam.

Theo yêu cầu của AFC, CĐV muốn vào sân xem các trận đấu ở bảng G phải đáp ứng đủ hai điều kiện: Có kết quả kiểm tra PCR âm tính với COVID-19 không quá 48 giờ trước trận đấu và đã tiêm ngừa vắc xin COVID-19.

Võ Hoàng Quân - người từng kêu gọi kiều bào ở Dubai tới sân tiếp lửa cho tuyển Việt Nam ở VCK Asian Cup 2019 - cho biết: "Hiện tôi và một số bạn bè đã được tiêm ngừa mũi đầu tiên, mũi thứ hai sẽ được tiêm trong tuần này nên cũng yên tâm về việc được vào sân".

Về điều kiện phải có kết quả kiểm tra PCR, mỗi lần làm xét nghiệm này sẽ mất khoảng 1 triệu đồng. Như vậy, ngoài tiền vé, phải trải qua 3 lần xét nghiệm như thế trước 3 trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Dù vậy, với Quân và bạn bè, khó khăn này không là gì cả.

Anh nói: "Điều quan trọng chúng tôi hướng đến là vào sân xem và ủng hộ cho đội tuyển. Thế nên dù có gặp khó khăn như thế nào, kiểm tra COVID-19 mệt mỏi và tốn kém như thế nào, tôi và mọi người vẫn chấp nhận để sẵn sàng tiếp lửa cho đội nhà".

Vẫn luôn có những CĐV nhiệt thành tiếp lửa cho đội nhà, giờ sẽ là lúc các "chiến binh sao vàng" đáp lại tình cảm của người hâm mộ. HẢI NGUYỄN (từ Dubai, UAE)

Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và UAE cần bao nhiêu điểm để đi tiếp ở vòng loại World Cup 2022? Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và UAE cần bao nhiêu điểm để đi tiếp ở vòng loại World Cup 2022?

TTO - Tại bảng G vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam đang dẫn đầu với 11 điểm. Kế đến là Malaysia (9 điểm), Thái Lan (8 điểm), UAE (6 điểm), Indonesia (0 điểm). Các đội cần thêm bao nhiêu điểm để đi tiếp ở các trận đấu sắp tới trên đất UAE?

SĨ HUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên