06/04/2014 08:44 GMT+7

"Các cháu vui thì mình cũng vui"

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Mỗi lần dự án “Bóng đá cộng đồng tại VN” (FFAV) tổ chức hoạt động bóng đá cho trẻ em ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, bất kể giá rét, đường sá xa xôi, luôn có một ông lão 69 tuổi hăng hái đi đầu.

Ông luôn tay xách tay đeo máy ảnh đủ loại, bấm tách tách liên tục hình ảnh các em nhỏ chơi đá bóng.

hdgd4qSu.jpg
Ông Phan Cử cùng các em nhỏ tham gia dự án đá bóng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là ông Phan Cử, “nhiếp ảnh gia” quen thuộc của hơn 15.000 em nhỏ tham gia dự án FFAV suốt 10 năm qua.

Ngồi lật lại hàng chục cuốn album hình ảnh của FFAV, chị Châu Hồng Tịnh (cán bộ dự án) cho biết: “Đặc thù của dự án là mang hoạt động bóng đá vui đến cho trẻ em ở tất cả địa phương tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bất kể lên rừng xuống biển rất vất vả. Mặt khác, chụp ảnh động khi các em đang chơi lại đòi hỏi người chụp phải có kỹ thuật nên tìm người không dễ chút nào. May nhờ có bác Cử mà bao nhiêu khoảnh khắc đẹp của các em mới lưu giữ lại được như thế này”.

Cuộc chơi 10 năm

Suốt mười năm qua, từ chỗ chỉ đến xem bóng cho vui rồi mang máy ra chụp thử, giờ thì không có chương trình nào của dự án mà ông Cử vắng mặt.

Sẵn sàng đến bốn cái máy ảnh, cứ tới nơi là ông chụp, chụp từ cảnh các em nhỏ miền núi đá bóng bằng hai đôi vớ khác màu nhau đến chạy chân không đá bóng, rồi cảnh những em nhỏ thiểu năng trí tuệ cười tươi tắn khi lần đầu chạm bóng...

Dù chỉ là một sở thích ngoài công việc nhưng ông làm rất nghiêm túc, chưa bao giờ đến trễ hay về sớm. Không chỉ lưu trữ hình ảnh cho FFAV, điều thú vị là cứ sau mỗi chương trình ông đều cẩn thận rửa ảnh ra khổ lớn, lựa chọn, phân loại và sau đó mang đến nơi tặng lại cho từng em, đến nay đã tặng bao nhiêu tấm ảnh ông cũng không đếm hết.

Có chương trình cả ngàn em tham gia, chụp xong ông cũng không nhớ em nào để tặng tận nơi, vậy là phải kiếm cái bục đứng lên, giơ từng tấm ảnh đến mỏi tay để các em đến lấy.

Em nhỏ nào nhận được ảnh cũng hớn hở khoe với nhau rồi gói cẩn thận mang về nhà, nơi mà ảnh to khổ 25x35 như vậy là một thứ quà vô cùng xa xỉ.

Bên cạnh đối tượng là các em học sinh cấp I, cấp II, dự án FFAV còn tổ chức hoạt động bóng đá cho trẻ em khiếm thính và các em thiểu năng trí tuệ.

Khác với hình dung về sự rụt rè, nhút nhát thường có, các em lại rất tự tin trên sân cỏ và cười rất tươi, rất tự nhiên trước ống kính máy chụp ảnh. Huấn luyện viên Võ Quốc Thịnh, người trực tiếp dạy các em suốt mười năm qua, vui vẻ cho biết: “Các em đã quen với ống kính của bác Cử rồi nên không sợ gì nữa đâu. Ở đây em nào cũng có vài tấm ảnh kỷ niệm bác Cử chụp cho”.

Phòng triển lãm FFAV

Ông Cử vốn là chủ quán Mandarin Cafe trên đường Trần Cao Vân (Huế), một địa chỉ rất quen thuộc với khách du lịch nước ngoài vì được nhiều sách du lịch thế giới đề cập.

Điều đặc biệt nhất của quán là ông chủ có thể kể chuyện về Huế cổ kim bằng tiếng Anh lưu loát cùng những hình ảnh “rất Huế” ông sắp đặt một cách tinh tế trong quán.

Một năm trở lại đây, khách đến quán còn được thưởng thức phòng triển lãm dự án FFAV ở tầng lửng, tầng “đắt giá” nhất trong quán với hàng trăm hình ảnh, cờ phướn, áo thi đấu của các em nhỏ. Để có được phòng triển lãm này, ông Cử lụi cụi rửa ảnh, lên văn phòng FFAV xin huy hiệu, poster dự án, trang thiết bị bóng đá rồi tự tay trang trí.

Chị Châu Hồng Tịnh xúc động kể lại: “Lúc đó (năm 2013) cứ thấy bác Cử lên văn phòng hỏi cái này cái kia, ai cũng thắc mắc tò mò. Chừng lên quán nhìn thấy cả gian phòng dành riêng cho FFAV mà ai nấy đều cảm động vì tấm lòng bác dành cho FFAV”.

Cứ có khách đến và tò mò về các hình ảnh ở đây, ông lại giới thiệu đầy hào hứng về từng hình ảnh, từng nơi chốn hiểm trở xa xôi và đặc biệt là ý nghĩa của dự án cho mọi người.

Kết quả, nhiều khách nước ngoài sau đó đã liên hệ lại với FFAV để hỗ trợ từ kinh phí đến cả nguồn nhân lực. Tháng 6 năm ngoái, một đoàn sinh viên Úc sang Huế du lịch đã kết hợp thực hiện một trận bóng giao hữu với các em trẻ khiếm thính ngay tại Huế.

Kể lại cảm xúc lần đầu tiên đá bóng với các bạn nước ngoài, em Hoàng Trọng Tú (13 tuổi) cho biết: “Con thích lắm, các anh đó cao lớn nhưng con vẫn có thể luồn lách đá được và đội con là đội chiến thắng đó!”.

Khi được hỏi tại sao lại dành hẳn một phần lớn của quán cà phê nổi tiếng cho FFAV miễn phí như thế, ông Cử cười hiền từ: “FFAV là dự án cộng đồng, tôi nghĩ xã hội càng nhiều người biết đến thì càng giúp được nhiều hơn cho các cháu.

Các cháu vui thì mình cũng vui, có gì đâu”.

Những tình nguyện viên âm thầm

Dự án “Bóng đá cộng đồng tại VN” được Liên đoàn Bóng đá Na Uy (NFF) khởi xướng và bắt đầu hoạt động chủ yếu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế từ năm 2003.

Với mục tiêu phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh dành cho trẻ em, đến nay dự án đã phát triển lên đến 148 câu lạc bộ bóng đá và tổ chức nhiều chương trình bóng đá với sự tham gia của hàng ngàn em nhỏ. Trong mười năm qua, dự án đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tình nguyện viên yêu bóng đá và trẻ em từ cộng đồng.

Bên cạnh ông Phan Cử, còn có thể kể đến ông Hà Văn Vợt (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã 78 tuổi nhưng chưa vắng mặt trong trận bóng nào của các em ở Hương Thủy, từ vai trò huấn luyện viên đến bình luận viên, hay các thầy cô giáo tại các câu lạc bộ bóng đá cũng đã không ngại dành thêm thời gian sau giờ công tác của mình tại trường để mang lại những phút giây vui vẻ bên quả bóng tròn cho các em.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên