26/09/2021 11:19 GMT+7

Cả tỉnh tìm cách cứu 'Ngài Đa'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Cuối giờ chiều qua, rất nhiều người ở Quảng Ngãi đã như trút được một sự nặng lòng khó diễn tả khi "Ngài Đa" đã được đưa về đến núi Thiên Bút cùng hy vọng "ngài" sẽ hồi sinh.

Cả tỉnh tìm cách cứu Ngài Đa - Ảnh 1.

Hình ảnh "Ngài Đa" ngày chưa ngã đổ trên Facebook một người dân - Ảnh: Dương Thành Danh

"Ngài Đa" là cách gọi của nhiều người Quảng Ngãi khi nói về cây đa cổ thụ ước tính trên 200 tuổi vừa ngã xuống vào sáng 21-9 trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi. 

Cây đa qua mấy trăm tuổi được xem như linh hồn của làng xã, gắn với bao nhiêu ký ức của người dân khiến chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phải tổ chức một cuộc giải cứu chưa từng có với mục tiêu "bằng mọi giá phải cứu được".

Từ "Ngài Đa" làng Phú Nhơn đến cây đa Bà Bút

Từ hôm cây đa ngã xuống, bà cụ Dương Thị Ngọc Anh (74 tuổi, nhà ngay dưới gốc đa) cứ bần thần đi ra đi vào. Cụ Anh gọi cây đa này là "Ngài Đa" và các vị cao niên ở đây cũng gọi như thế. 

"Với tín ngưỡng làng xã, "Ngài Đa" luôn che chở cho người dân. Chúng tôi tin cây sống qua bao đời cũng có linh hồn như con người" - cụ Anh tâm tình. Có lẽ với niềm tin ấy, người dân lập một am thờ ngay dưới gốc đa để mỗi khi gặp sự bất trắc lại tìm đến khấn bái, tìm kiếm sự nương náu của tâm hồn.

Rồi bất chợt cụ Anh nhắc đến cái tên làng Phú Nhơn - đó là tên xưa của vùng đất này, nay đã đổi tên thành tổ dân phố Trường Thọ Tây C. Cụ Anh nhớ lại lúc cụ chỉ là một đứa bé, bóng cây đa đã phủ kín một góc trời. 

Những đứa trẻ làng Phú Nhơn lớn lên dưới gốc đa cổ thụ ấy. Cây đa che người làng qua những trận bom, cũng là nơi người làng Phú Nhơn tụ tập lại bàn chuyện đánh Tây hay thắp nén hương chung cho người làng chẳng may trúng hòn tên mũi đạn những ngày kháng chiến.

Chính cụ Anh cũng không biết cây đa bao nhiêu tuổi, cụ chỉ dựa trên lời nói của ông nội mình để ước rằng ít gì cũng 200 năm. "Thời xưa Ngài Đa nằm trong vùng đất do dòng họ tôi quản, nên có lần tôi hỏi ông nội ngài có từ bao giờ. Ông nội tôi cũng không biết và chỉ nói từ thời ông cố của ông nội tôi ngài đã to lớn và tỏa bóng ở đó rồi" - cụ Anh kể.

Thời gian qua đi với bao đổi thay, chính cái tên làng xưa kia cũng chẳng còn mấy người nhớ đến nhưng nhắc đến cây đa Bà Bút thì ai cũng biết. Cái tên ấy được khai sinh từ ngày quốc lộ 1 được người Pháp xây dựng đi ngang cây đa. 

Ông Sáu Rị (86 tuổi) kể rằng từ thời Pháp đến giờ người đi Bắc đi Nam chỉ cần nói "cho xuống cây đa Bà Bút" thì cánh tài xế đều biết. Đến khi có đường tránh qua thành phố thì khu vực này mới ít người qua lại hơn. 

Về sau này, nhiều người trẻ lớn lên, đi ngang qua và gọi theo cách dễ hiểu nhất - có người gọi cây đa Mũi Tàu (gần cửa ngõ TP Quảng Ngãi), người thì bảo cây đa chợ Hàng Rượu (gần chợ Hàng Rượu), người thì nói cây đa Sơn Tịnh (huyện lỵ Sơn Tịnh trước đây ở vị trí gần đó).

Cả tỉnh tìm cách cứu Ngài Đa - Ảnh 2.

Nhiều lực lượng cùng chung tay để đưa "Ngài Đa" về nơi ở mới - Ảnh: TRẦN MAI

Cuộc giải cứu chưa từng có

Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi đánh giá "Ngài Đa" là cây to nhất tỉnh nên có hẳn một cuộc họp cứu cây chưa từng có tiền lệ diễn ra do ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì. 

Sau đó, Công ty Môi trường đô thị tỉnh Quảng Ngãi và Hội Sinh vật cảnh tỉnh được giao nhiệm vụ chính cùng sự tính toán của rất nhiều đơn vị liên quan khác. 

Ông Hà Hoàng Việt Phương, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết đường kính bộ rễ cây đến 7m, việc cắt tỉa, giữ cành và di chuyển sẽ cực kỳ khó khăn. TP được giao nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ quá trình cứu cụ đa nên phải phối hợp từng khâu, dù là nhỏ nhất".

Cả ngày 24-9, mọi ánh mắt của người dân đổ dồn xem cấp cứu "Ngài Đa". Ông Huỳnh Hải Thuận, thành viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng quá trình xử lý vết thương của cụ đa, cẩn thận đến cả việc bọc bao bố cho cây để tránh cáp cẩu gây thương tích. 

Dù có nhiều năm kinh nghiệm phục hồi cây đại thụ nhưng ông Thuận thừa nhận: "Cây to nhất tôi chăm cũng chỉ 30 tấn, cụ đa này chắc phải 120 tấn vì hai xe cẩu tổng 80 tấn cũng không nhấc nổi cây". 

Sáng 25-9, ba xe cẩu siêu trọng được chuyển đến. Dù phương án chuẩn bị từ trước nhưng loay hoay từ 7h mãi đến 10h30 thân hình đồ sộ của cây đa mới được nhấc lên và đặt lên xe kéo siêu trường siêu trọng.

Để "dọn đường" đưa "Ngài Đa" về núi Thiên Bút, rất nhiều xe nâng và nhân viên của công ty môi trường, điện lực, nhà mạng phải cùng tham gia di chuyển những đường dây bắt ngang đường khi độ cao an toàn trong quy chuẩn chung không đáp ứng chở cụ đa đến "ngôi nhà mới". Hàng chục cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phải chặn đường.

Do chiếc xe đầu kéo không thể di chuyển thẳng vào trung tâm TP Quảng Ngãi nên phải đi lùi hơn 1km ra đường tránh quốc lộ 1. Chiếc xe nhích chậm rãi, "Ngài Đa" đi đến đâu người dân lại túa ra "tiễn biệt" đến đó. 

Ông Bốn Tuân (65 tuổi) nói nhìn cách mọi người nâng niu "Ngài Đa" cũng thấy ấm lòng nhưng vẫn xót xa khi đây là lần cuối cùng ông nhìn thấy "Ngài Đa" hiện diện ở làng Phú Nhơn.

Vị trí tỉnh Quảng Ngãi quyết định "làm nhà mới" cho cụ đa nằm ở phía đông nam núi Thiên Bút. Người dân địa phương rất hài lòng. Anh Nguyễn Minh Hoàng (39 tuổi, con trai cụ Anh) trong lúc chuẩn bị hoa quả cho mẹ bày mâm cúng tiễn "Ngài Đa" nói: 

"Ngài đứng trước nhà nên nhà tôi chỉ còn lối đi rất nhỏ, nay chuyển đi nơi khác nhà tôi ra mặt tiền đường lớn thoáng đãng hơn nhưng thật tình cả nhà thấy không vui vẻ gì. Dẫu sao cả nhà tôi đã gắn bó với ngài mấy đời rồi".

Có lẽ cuộc giải cứu này sẽ còn được nhắc mãi, bởi ai cũng thấy con người biết quý trọng màu xanh, quý trọng chứng nhân lặng thầm của một vùng đất.

Khoảng 70% cứu được cây

Với kinh nghiệm của mình, ông Trần Bảo Phát, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng cây đa rất lớn, không chăm sóc cẩn thận sẽ rất dễ chết. "Đây là cây đa có giá trị tinh thần to lớn đối với người dân cả tỉnh. Cây cũng được làm hồ sơ cây di sản", ông Phát nói. 

Đồng thời ông Phát nhận định với hiện trạng tiếp nhận, xử lý vết thương và chăm sóc mấy ngày qua, có thể đánh giá khoảng 70% cụ đa sẽ sống ổn định khi đến núi Thiên Bút.

Chiều muộn ngày 25-9, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết việc di chuyển "Ngài Đa" vào núi Thiên Bút đã hoàn thành nhưng trước mắt chưa thể trồng lại cây được dù đã chuẩn bị bầu cây, giá đỡ. 

"Chúng tôi phải tính toán phương án tạo mặt bằng, điều xe cẩu loại lớn để đưa cây xuống. Việc trồng và chăm sóc cây sẽ được giao cho công ty môi trường và Hội Sinh vật cảnh của tỉnh" - ông Phương thông tin.

Có nỗi buồn khác khi "Ngài Đa" ngã xuống

cay da

Cụ Anh ngồi thẩn thờ trước hiên nhà nhìn "Ngài Đa" của làng Phú Nhơn không còn tỏa bóng mát - Ảnh: TRẦN MAI

Cụ đa trăm tuổi khi ngã xuống đã không may khiến bà Phan Thị Diện (54 tuổi, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tử vong khi bà đang đi xe máy ngang qua. Người dân làng Phú Nhơn đã góp tiền và ra tận nhà phúng điếu, tiễn đưa bà Diện, những người trước đây chưa từng biết mặt bỗng chia nhau nỗi niềm.

Người nhà bà Diện xem đây là sự cố không may mắn và cảm ơn tình cảm của bà con nơi cụ đa sinh sống. Chính quyền TP Quảng Ngãi cũng cử người ra tận nơi phúng điếu, thăm hỏi, động viên gia đình bà Diện.

Cụ Dương Thị Ngọc Anh chia sẻ: "Tôi có 4 người con đang ở TP.HCM, khi nghe "Ngài Đa" ngã xuống khiến một người không qua khỏi cũng gửi tiền về nhờ tôi ra thắp hương.

Tôi già rồi không đi được nên nhờ con cháu đi thay. Chúng tôi cũng rất buồn khi "Ngài Đa" ngã xuống cả làng đều bình an, nhưng lại khiến một gia đình ở nơi khác mất đi người thân.

Cây đa 200 tuổi ở Quảng Ngãi bật gốc, ngã đổ đè chết người đi đường Cây đa 200 tuổi ở Quảng Ngãi bật gốc, ngã đổ đè chết người đi đường

TTO - Cây đa có tuổi đời hơn 200 năm tuổi ở phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi mà nói ra ‘ai cũng biết’ đã bật gốc, ngã đổ và đè chết một người đi đường.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên