Cà thẻ có bị thu phí? Chủ thẻ chưa quen “cà thẻ trả tiền”
Phóng to |
Dù có quy định nhưng nhiều điểm chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng vẫn thu phí của người mua hàng - Ảnh: T.Đạm |
Tình trạng thu phí phổ biến ở các cửa hàng điện tử, đại lý bán vé máy bay, nhà hàng...
Đẩy phí cho khách hàng
Ở nhà hàng Đạt (16 Trương Định, Q.3, TP.HCM), nơi Vietcombank gắn máy POS, sau bữa tối trị giá gần 800.000 đồng cho cả nhà, anh N.T.A. yêu cầu tính tiền và cho biết sẽ thanh toán bằng thẻ tín dụng, gần như ngay lập tức nhân viên nhà hàng thông báo sẽ tính thêm phí 2% theo quy định của nhà hàng. “Ngân hàng (NH) sẽ thu của tụi em và em thay mặt NH thu lại giúp” - nhân viên nhà hàng nói. Cuối cùng gia đình anh N.T.A. đành phải thanh toán bằng tiền mặt vì không muốn trả thêm phí vô lý.
Cắt hợp đồng những điểm thu phí sai quy định Sau khi nhận được phản ảnh một số đại lý vé máy bay lắp đặt máy POS của ACB có thu phí khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, ACB cho biết đã kiểm tra và cắt hợp đồng với các đại lý này. Đại diện Vietcombank cũng cho biết sẽ có hình thức xử lý những địa chỉ vi phạm như nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ rút máy về. |
Rất nhiều cửa hàng bán máy ảnh, máy quay kỹ thuật số đang thuê diện tích trong khu thương xá Tax (Q.1) có gắn máy POS cũng thu phí của khách hàng. Tại cửa hàng Vĩnh Hùng, sử dụng máy POS của Vietcombank, cũng thông báo thu phí 2% nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng. Khi mua hai món hàng trị giá 8,4 triệu đồng, chúng tôi bị tính phí thẻ tín dụng là 168.000 đồng. Thấy chúng tôi từ chối, cô nhân viên cho biết cửa hàng sẽ tự bớt lời bằng cách trừ phần phí cà thẻ này với lý do “tụi em tự bớt, còn NH vẫn tính phí của cửa hàng”. Cửa hàng Tấn Long bên cạnh được Agribank gắn máy POS cũng cho biết sẽ thu của chúng tôi 2% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Cửa hàng Khánh Long cũng khẳng định mức thu là 2% nhưng từ chối cho biết NH nào gắn máy POS tại đây.
Tỉ lệ thu phí thanh toán bằng thẻ tín dụng ở các đại lý vé máy bay cả chính thức và không chính thức của các hãng hàng không đều là 3%. “Lợi nhuận thu được từ việc bán vé máy bay chỉ vài chục đến trăm nghìn đồng, trong khi tiền phí phải trả cho NH lên đến 3%, vượt nhiều lần số tiền lãi từ việc bán vé” - giám đốc một phòng vé lớn tại Q.1 nói. Chính vì vậy nếu giá trị giao dịch lớn mà khách hàng đề nghị thanh toán bằng thẻ, đại lý này sẽ từ chối khéo bằng cách thông báo “máy cà thẻ vừa hư” hoặc nếu khách quen sẽ đề nghị chuyển khoản để khỏi mất phí.
Giám đốc một công ty du lịch kiêm đại lý vé máy bay (Q.Tân Bình) - nơi gắn máy POS của NH ACB - cho biết bán một vé máy bay chỉ lời 50.000 đồng mà NH thu phí 2,75% nếu khách thanh toán bằng thẻ tín dụng. “Một vé máy bay trị giá 3 triệu đồng chúng tôi phải trả 82.500 đồng nếu khách cà thẻ, lỗ ngay 32.500 đồng. Nếu là các anh, các anh có bán không? Khách cứ phàn nàn hoài, tôi sẽ trả lại máy POS cho xong” - vị này bức xúc.
Nên khuyến khích thanh toán bằng thẻ nội địa
Một lãnh đạo Vietcombank cho biết theo quy định, khi khách hàng thanh toán qua thẻ thì điểm chấp nhận thẻ (cửa hàng) phải trả cho NH một mức phí được hiểu là phí dịch vụ thanh toán, nghĩa là nhờ tiện ích của NH mà cửa hàng bán được hàng (trong trường hợp khách hàng không mang theo tiền mặt). Mức phí cũng bao gồm những rủi ro khác nếu thanh toán bằng tiền mặt như tiền giả, công kiểm đếm, chi phí quản lý tiền mặt... Tuy nhiên, các NH quy định rõ mức phí trên sẽ do cửa hàng trả và không được thu thêm của khách hàng.
Giải thích về việc thu phí các điểm chấp nhận thẻ, nhiều NH cho biết đã phải đầu tư trung bình 400 USD/máy POS, khấu hao trong ba năm, tính ra mỗi tháng hơn 10 USD, tương đương hơn 200.000 đồng. Trong khi hiện nay mức phí với thẻ nội địa trung bình 0,3-0,5%. Với thẻ quốc tế, mức phí khoảng 2%. Trong đó NH phải trả phí cho tổ chức thẻ quốc tế hơn 1%, ngoài ra NH còn phải trả phí cho NH phát hành và các loại phí khác... Hiện nay nhiều NH đang lỗ chứ không có lời từ hoạt động thanh toán.
Theo đại diện một NH, hạ phí để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt là rất nên, nhưng chỉ có thể hạ từ đầu các tổ chức thẻ quốc tế và phí trả cho NH phát hành. Hiện mức phí các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho thị trường VN còn khá cao do thanh toán bằng thẻ chưa phổ biến. “Các tổ chức thẻ quốc tế nên có chính sách khuyến khích hoặc có chiến dịch giảm phí từng đợt nhằm chia sẻ với thị trường mới. Ngoài ra Chính phủ nên có chính sách giảm thuế cho những đơn vị chấp nhận thẻ” - ông này đề nghị.
Đại diện Hội Thẻ VN nói có thể khắc phục tình trạng này bằng cách khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ nội địa. Hiện cả nước có 64 triệu thẻ, trong đó trên 90% là thẻ nội địa, thẻ tín dụng chỉ chiếm hơn 3%. Tuy nhiên, nghịch lý là cà thẻ tại các POS có đến hơn 80% là thẻ quốc tế, trong khi thẻ nội địa chủ yếu dùng để rút tiền. “Hội Thẻ đã có đề án trình Ngân hàng Nhà nước về việc khuyến khích thanh toán bằng thẻ nội địa. Tất nhiên thẻ quốc tế có cái lợi như xài trước trả sau, miễn lãi 45 ngày... Vì vậy cần khuyến khích thanh toán thẻ nội địa bằng hình thức khác như giảm thuế, phí... làm sao thanh toán thẻ nội địa trở nên hấp dẫn hơn” - vị đại diện này nói.
Nhà cung cấp thẻ không can thiệp Theo đại diện tổ chức thẻ quốc tế MasterCard khu vực Đông Dương, biểu phí được tổ chức này áp dụng toàn cầu, VN cũng như các nước khác, không phân biệt ngân hàng (NH) lớn nhỏ. Việc tính phí các doanh nghiệp, khách hàng là chính sách kinh doanh của từng NH, dựa trên mục tiêu lợi nhuận, chi phí đầu tư của mỗi NH, MasterCard không quy định cũng không can thiệp. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng việc kinh doanh thẻ yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, phải từ 3-5 năm mới lấy lại vốn, rồi mới có lãi. Hơn nữa, việc dùng tiền mặt của người tiêu dùng còn cao, doanh thu chưa nhiều nên kinh doanh thẻ của nhiều NH chưa có nhiều lợi nhuận. Việc này cần sự kiên trì nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng thẻ, từ đó mới tăng doanh thu và giảm chi phí, sinh lợi nhuận cho NH. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận