12/02/2023 08:23 GMT+7

Ca sĩ bán cổ điển Phạm Thu Hà hát Trịnh Công Sơn, Châu Đăng Khoa quyên góp xây chùa ở TP.HCM

Một đêm nhạc thú vị đã diễn ra tối 11-2 tại sân Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam với mục đích đặc biệt: gây quỹ xây chùa Từ Khánh ở TP.HCM.

Ca sĩ bán cổ điển Phạm Thu Hà hát Trịnh Công Sơn, Châu Đăng Khoa quyên góp xây chùa ở TP.HCM - Ảnh 1.

Họa mi bán cổ điển Phạm Thu Hà gây ngạc nhiên khi hát Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên - Ảnh: T.ĐIỂU


Dự án táo bạo của "họa mi bán cổ điển' Phạm Thu Hà

Nữ ca sĩ được ví 'họa mi bán cổ điển' Phạm Thu Hà đang có một bước đi táo bạo khi cố gắng thoát khỏi cái bóng ca sĩ chuyên hát cổ điển giao thoa (classic crossover) bằng dự án mạo hiểm và thú vị.

Đó là dự án âm nhạc Live studio session với ý đồ pop hóa cách hát bán cổ điển của Phạm Thu Hà bằng cách chọn hát các ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Văn Tý, Thanh Tùng, Bảo Chấn, Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Đức Trí, Trường Sa, Việt Anh, Châu Đăng Khoa, Hồ Tiến Đạt… hát với dàn nhạc bán cổ điển.

Dự án bao gồm việc tổ chức mini show, sản xuất MV, ra mắt đĩa than và phát sóng các chương trình âm nhạc trên các nền tảng nhạc số.

Đêm nhạc 11-2 tại sân Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chính là sự kiện ra mắt cho dự án âm nhạc này của Phạm Thu Hà. Cô hát từ đầu đến cuối chương trình, vài bài hát song ca cùng hai nam ca sĩ trẻ Nguyễn Đình Tuấn Dũng và Phạm Duy Anh.

Mini show phát vé mời cho những khán giả, bạn bè thân quý của ca sĩ, gói gọn trong khoảng 300 người, trong đó có hai ni sư đến từ chùa Từ Khánh, quận 4, TP.HCM.

Theo chia sẻ của Phạm Thu Hà, Từ Khánh là một ngôi chùa nghèo nhưng các ni sư ở đây vẫn làm nhiều công việc thiện nguyện giúp người nghèo. Từ một nhân duyên tình cờ trong một lần đi chợ Bến Thành, cô đã gắn bó với ngôi chùa nghèo này trong các hoạt động thiện nguyện suốt 13 năm qua.

Đặc biệt, trong một năm qua, cô đã phát tâm kêu gọi được 5 tỉ đồng để xây dựng lại ngôi chùa xuống cấp. Dự án đã cất nóc tầng 2 nhưng còn thiếu kinh phí.

Vì vậy cô đã dành đêm nhạc mở màn cho dự án âm nhạc tham vọng của mình, một đêm nhạc sang trọng, đẹp để kêu gọi sự ủng hộ từ người hâm mộ hoàn thành ngôi chùa đang dang dở.

Ca sĩ bán cổ điển Phạm Thu Hà hát Trịnh Công Sơn, Châu Đăng Khoa quyên góp xây chùa ở TP.HCM - Ảnh 3.

Sân khấu trong khuôn viên đẹp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho cả ca sĩ và khán giả - Ảnh: T.ĐIỂU

Bước qua sở trường kỹ thuật thanh nhạc

Khán giả đã xúc động được nghe nữ ca sĩ xinh đẹp hát những khúc tình ca da diết và cả một chút "thiền ca" (bài Tiến thoái lưỡng nan của Trịnh Công Sơn). Sân khấu giản dị mà sang trọng chỉ hai tông màu đen và trắng dựa lưng vào công trình nhà bảo tàng với kiến trúc Đông Dương thanh nhã có từ trăm năm trước.

Người yêu nhạc được nghe 16 ca khúc trong đêm nhạc với những tình ca quen thuộc, đủ màu sắc trữ tình của nhiều thế hệ nhạc sĩ, nhưng thật mới lạ qua giọng hát trong cao vút của "họa mi bán cổ điển".

Tưởng tượng những bài hát quen thuộc chẳng cần gì ngoài một giọng hát mộc mạc như Phố mùa đông (Bảo Chấn), Biết mãi là bao lâu (Đỗ Bảo), Đời có bao nhiêu ngày vui (Châu Đăng Khoa), Xin lỗi (Hồ Tiến Đạt), Như chưa bắt đầu (Đức Trí), Không còn mùa thu (Việt Anh), Ru tình, Tiến thoái lưỡng nan (Trịnh Công Sơn), Dư âm (Nguyễn Văn Tý)… nhưng lại được Phạm Thu Hà hát bằng giọng hát bán cổ điển được pop hóa cùng với dàn nhạc sẽ gây ngạc nhiên thú vị thế nào với người nghe.

Phạm Thu Hà đã thành công trong việc bước qua sở trường kỹ thuật thanh nhạc tốt của một ca sĩ bán cổ điển để đạt tới cái dạt dào cảm xúc trong các bản tình ca mộc mạc này.

Với riêng Phạm Thu Hà, cô đã chọn hát những khúc tình ca này bởi chúng chính là những bài hát cô thường nghe suốt bao năm qua, là chốn an trú của cô trong mỗi bước gập ghềnh của đời nghệ sĩ nhiều thăng trầm.

Còn khán giả được trải nghiệm một cảm giác đặc biệt khi nghe một hòa âm của tiếng gió vi vu lẫn trong tiếng nhạc, cảm nhận cái se lạnh của một đêm xuân vừa kịp khô ráo cho đêm nhạc ngoài trời.

Sân khấu nhỏ không màn che và khá thấp, sát cạnh với hàng ghế khán giả đã tạo cảm giác gần gũi đặc biệt giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.

Hiếm có đêm nhạc nào ở Hà Nội mà khán giả lại lắng nghe chú tâm như đêm nhạc này, còn ca sĩ thì liên tục khóc vì cảm động trước tình cảm của khán già và vì quá "nhập tâm" với bài hát.

Phạm Thu Hà - cô ca sĩ đến muộnPhạm Thu Hà - cô ca sĩ đến muộn

TT - Không còn quá trẻ và tiếp cận với thị trường âm nhạc bằng một sản phẩm kén người nghe - nhạc thính phòng - video âm nhạc (MV) đầu tiên của Phạm Thu Hà được coi là “tấm hộ chiếu” đưa cô đến với làng nhạc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên