24/09/2017 09:31 GMT+7

Cà phê chủ nhật: Kỷ luật quan chức về hưu, thực tiễn có đủ răn đe?

VIÊN SỰ
VIÊN SỰ

TTO - "Tôi về hưu rồi, giờ muốn xử sao thì xử!" - ông Phạm Thế Dũng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trả lời thẳng tuột sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị xử lý kỷ luật ông về những sai phạm khi còn đương chức.

Cà phê chủ nhật: Kỷ luật quan chức về hưu, thực tiễn có đủ răn đe? - Ảnh 1.

Đây là một phát biểu gây nhiều cảm xúc cho công chúng trong tuần qua. Cảm xúc của công chúng từ ngỡ ngàng đến bất bình, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông Dũng đang trả lời từ thực tế.

Ông Phạm Thế Dũng đã về hưu, điều ông nắm trong tay lúc này dĩ nhiên không phải là chức vụ. Thế nhưng tiền lệ xử lý về mặt Đảng và chính quyền với những quan chức có sai phạm trong thời kỳ đương chức cho thấy chỉ có chức vụ (đã không còn giữ) bị tước đi là cái giá lớn nhất họ phải trả. 

Phải chăng tiền lệ đó đã làm ông Phạm Thế Dũng trả lời "xử sao thì xử"? Dù khi đương chức ông đã cho phép hàng trăm ngàn mét khối gỗ đi qua 5 cửa khẩu phụ; đem đất công cho thuê khi có quy hoạch, chưa đấu giá, gây "thất thu cho ngân sách nhà nước"; bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình...

Để kết luận được một vụ việc sai phạm là hành trình gian nan, qua thời gian dài. Quan chức dù về hưu nhưng khi bị kỷ luật không phải hoàn toàn yên ổn, kèm theo kỷ luật là việc tước bỏ các chế độ được hưởng với nguyên chức vụ trước đây, thanh danh, sự nghiệp bị sứt mẻ. 

Đồng thời, hình thức kỷ luật đó có thể sẽ là bước chuẩn bị cho một hình thức xử lý cao hơn của pháp luật. Dẫu vậy, điều đó vẫn chưa như mong đợi của người dân.

Làm sao người dân không xót xa khi hàng loạt sai phạm chỉ được phanh phui khi chuyện đã rồi, khi tài sản đã thất thoát, khi quan chức đã không còn tại vị? 

Đề phòng, phát hiện và xử lý sớm sai phạm để giảm đi số tài sản bị thất thoát, để quan chức phải trả giá ngay khi còn tại vị, không ai dám thẳng tuột "xử sao thì xử" là điều người dân mong muốn nhất.

Còn nhớ ở phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vào tháng 12-2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: "Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luật pháp là tối thượng. Nhưng có những cái luật chưa đáp ứng đủ, chúng ta phải điều chỉnh". 

Và nay khi cựu chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói thẳng tuột: "Tôi về hưu rồi, muốn xử sao thì xử", ông không chỉ bật ra suy nghĩ của mình. Ông đang minh chứng sự cần thiết phải có sự điều chỉnh từ pháp luật mà Tổng bí thư đúc kết, cho điều mà người dân đang đòi hỏi hơn nữa sau những sự việc được xử lý vừa qua.

Cuối tuần, ngẫm lại câu "Tôi về hưu rồi, giờ muốn xử sao thì xử!", nhấp ngụm cà phê thấy đắng hơn.

'Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử'

TTO - Vi phạm của ông Phạm Thế Dũng - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật”.

VIÊN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên