14/08/2021 06:00 GMT+7

Cả nước vượt 255.000 ca COVID-19, xếp thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ

L.ANH - H.LỘC - M.TRÂN - X.MAI
L.ANH - H.LỘC - M.TRÂN - X.MAI

TTO - Tính đến tối 13-8, số ca mắc COVID-19 kể từ đầu vụ dịch đã vượt 255.000 ca, đứng thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca bệnh. Về số ca tử vong, đến tối 13-8 là 5.088 ca, ở vị trí 69/222 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cả nước vượt 255.000 ca COVID-19, xếp thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hôm qua 13-8, Bộ Y tế đã tập huấn trực tuyến toàn quốc về quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19 và an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. 

Phân tầng điều trị trong bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân tại nhà

Báo cáo trong tập huấn cho hay, trong số hơn 255.000 ca mắc COVID-19 ghi nhận từ đầu vụ dịch, đã có trên 92.700 người khỏi bệnh, hiện có 511 bệnh nhân đang được điều trị trong tình trạng nặng, 20 bệnh nhân nguy kịch, phải sử dụng ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể).

Về số ca mắc xếp theo tỉnh thành, các tỉnh thành ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (trên 140.500 ca), Bình Dương (gần 39.600), Long An (trên 13.200), Đồng Nai (trên 12.000)...

Về số mắc toàn quốc, hiện Việt Nam ở vị trí 80/222 quốc gia/vùng lãnh thổ có ghi nhận ca bệnh (trước đợt dịch này, Việt Nam ở vị trí 174). Về số ca tử vong, Việt Nam ở vị trí 69.

Tổ chức phân tầng điều trị và phân loại bệnh nhân để bố trí theo tầng phù hợp, giảm tối đa số ca tử vong là mục tiêu ngành y tế đặt ra hiện nay. Ngành y tế đã bổ sung một số chính sách: tất cả bệnh viện đều phải chuẩn bị ít nhất 40% giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện đều phải tách đôi dành một phần điều trị COVID-19.

Qua theo dõi kinh nghiệm quốc tế, bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng có thể "điều trị" tại nhà, mỗi gia đình có thể trở thành một "phòng y tế", bên cạnh các tư vấn của y bác sĩ cả trực tiếp và thông qua các biện pháp công nghệ, để hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, cách ly tại nhà, khi có sốt, ho, khó thở liên hệ với ai, hướng dẫn túi thuốc để gia đình biết cách chăm sóc người bệnh tại nhà...

Cả nước vượt 255.000 ca COVID-19, xếp thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm vào chiều 13-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bạc Liêu xem xét nới lỏng giãn cách, Tiền Giang có thể kiểm soát dịch trước 25-8

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Bộ Y tế ngày 13-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân cho biết đang xem xét có hay không tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 sau ngày 15-8. Tính đến ngày 12-8, toàn tỉnh Bạc Liêu có 74 ca F0, trong đó có 25 ca phát hiện tại cộng đồng, số còn lại phát hiện tại khu cách ly.

Tỉnh Tiền Giang, địa phương có số ca mắc khá cao, cho biết tỉnh ghi nhận 5.429 ca bệnh, các điểm nóng là TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công... Hiện Tiền Giang cũng đang giãn cách theo chỉ thị 16. Thời gian đầu mới giãn cách, tỉnh Tiền Giang tự nhận xét còn lúng túng, chạy theo dịch.

Với tình hình hiện nay, Tiền Giang cũng tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 sau ngày 15-8, tiếp tục tăng cường các biện pháp để có thể kiểm soát dịch sau ngày 25-8.

Tại Ninh Thuận, từ 0h ngày 14-8 tỉnh nới lỏng một số biện pháp giãn cách sau khi đã kiểm soát được các ổ dịch trong cộng đồng. Theo đó các hàng quán, dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại nhưng phải đóng cửa từ 21h tối cho đến 4h sáng hôm sau, chỉ được bán mang về; các cảng cá hoạt động trở lại, riêng chợ đầu mối nông sản chỉ hoạt động công suất 30% gian hàng, chỉ trung chuyển, không bán tại chỗ...

Tỉnh cũng cho phép tập trung không quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (trước đây chỉ 2 người), các huyện khác không quá 10 người...

Các địa phương tăng cường biện pháp chống dịch

TP Cần Thơ thành lập 320 đội lấy mẫu và xét nghiệm nhanh COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó 314 đội chính thức và 6 đội dự phòng để lấy mẫu và xét nghiệm nhanh ở các xã, phường, thị trấn của 9 quận, huyện trong 9 ngày.

Mỗi đội có tối thiểu 6 thành viên, trong đó 4 người là nhân lực của Trường đại học Y dược Cần Thơ, Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, 2 thành viên là cán bộ xã, phường, thị trấn nơi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

TP.HCM xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch trong giai đoạn từ ngày 15-8 đến 15-9, trong đó phân ra hai giai đoạn từ 15-8 đến cuối tháng 8 và 1-9 đến 15-9, mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến ngày 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Tỉnh Bình Dương thiết lập Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu với 437 giường ICU, cùng các trang thiết bị liên quan tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (TP Thuận An), áp dụng theo mô hình tháp 3 tầng điều trị COVID-19 của Bộ Y tế.

Tỉnh Khánh Hòa triển khai lấy mẫu xét nghiệm, với khu vực phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân từ 3-5 ngày/lần tại nhà ở, hộ gia đình (lấy mẫu gộp để xét nghiệm RT-PCR hoặc gộp mẫu 3 đối với xét nghiệm test kháng nguyên nhanh). Với khu vực nguy cơ rất cao, thực hiện tương tự như khu vực phong tỏa, khác biệt là có thể thí điểm gộp mẫu 5 đối với xét nghiệm RT-PCR.

25 tỉnh thành công bố kế hoạch cho học sinh tựu trường

Đến cuối ngày 13-8, đã có 25 tỉnh thành công bố kế hoạch niên học 2021-2022. Theo đó, nhiều nơi cho học sinh tựu trường đầu tháng 9.

Cả nước vượt 255.000 ca COVID-19, xếp thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 3.

Lịch tựu trường của 25 tỉnh thành cập nhật đến cuối ngày 13-8

Cả nước vượt 255.000 ca COVID-19, xếp thứ 80/222 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh 6.

Khuyến cáo của ThS Nguyễn Thị Hồng Minh, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, về giá trị của "liều thuốc tinh thần" với người bệnh COVID-19 và cộng đồng - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đầu tư tầng điều trị thứ 2, giảm mức chuyển nặng của bệnh nhân COVID-19 Đầu tư tầng điều trị thứ 2, giảm mức chuyển nặng của bệnh nhân COVID-19

TTO - Chiều 13-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng COVID-19, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để bàn về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg tại nhiều tỉnh, thành phố.

L.ANH - H.LỘC - M.TRÂN - X.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên