24/08/2012 04:32 GMT+7

Cá nhiễm xạ ngoài khơi Fukushima

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Sau bướm đột biến, nay lại đến hải sản tại Fukushima bị nhiễm xạ với nồng độ vượt hơn hàng trăm lần mức cho phép.

Nhật Bản: người dân biểu tình chống điện hạt nhânBướm đột biến do thảm họa hạt nhân FukushimaTEPCO nhận gói giải cứu 1.000 tỉ yen

F1ZCN3GP.jpgPhóng to
Cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm và dược phẩm Thái Lan lấy mẫu xét nghiệm phóng xạ ở số cá được nhập khẩu từ Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Một câu hỏi được đặt ra: mức độ ảnh hưởng của phóng xạ thật sự là như thế nào dù đã gần một năm rưỡi kể từ sau thảm họa hạt nhân?

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thừa nhận đã đo được nồng độ phóng xạ cesium kỷ lục trên một cặp cá ainame vào đầu tháng tại khu vực cách Nhà máy điện hạt nhân Daiichi khoảng 20km. Nồng độ phóng xạ vào khoảng 25.800 becquerel/kg và là mức cao nhất trong các cuộc khảo sát đã được tiến hành kể từ sau thảm họa hạt nhân ngày 11-3-2011.

Con số này gấp 258 lần mức phóng xạ cho phép trên thực phẩm của Chính phủ Nhật. Như vậy, nếu hấp thụ 1kg cá có nồng độ cesium ở mức này thì cơ thể người sẽ bị nhiễm xạ ở mức 0,4 millisievert (mSv), tức gần bằng nửa định mức an toàn được khuyến cáo cho một năm.

“Con số vượt xa những mức kỷ lục trước đó. Điều này thật đáng lo ngại” - Tetsu Nozaki, lãnh đạo Liên hiệp hợp tác ngư nghiệp tỉnh Fukushima, lo lắng thừa nhận. Vụ việc này lại nổ ra chỉ hai tháng sau khi một số hải sản đánh bắt được tại vùng Fukushima như bạch tuộc và ốc biển được phép xuất hiện trở lại lần đầu tiên trên thị trường.

“Điểm nóng nhiễm xạ”

Kỷ lục nhiễm xạ mới nhất này đang gây hoang mang cho người dân và gây bất ngờ cho các quan chức Nhật Bản vốn cho rằng mức độ nhiễm xạ ở hải sản đang giảm. Thực tế ghi nhận mới này lại cho thấy tình hình ngày càng tồi tệ. Tháng 3-2012, nồng độ phóng xạ cesium đo được trên cá hồi gần Iitate, một ngôi làng phía tây bắc Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, là 18.700 becquerel/kg. Trong khi đó, kết quả đo được tại khu vực này hồi tháng 4-2011 là 14.400 becquerel/kg lươn. Nồng độ phóng xạ cao chủ yếu được phát hiện trên các loài sống sát đáy biển như cá ainame.

Báo Japan Times từng cảnh báo cần điều tra sự tồn tại của những điểm nóng tập trung phóng xạ dưới vùng biển tại Fukushima. Ông Tetsu Nozaki cho biết Liên hiệp ngư nghiệp của ông sẽ chính thức yêu cầu TEPCO làm rõ tại sao các mức phóng xạ trên hải sản ngày càng cao. “Chúng tôi đã hoạt động với niềm tin rằng không còn nước nhiễm xạ rò rỉ từ nhà máy ra biển” - ông nói.

TEPCO cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra nhiễm xạ ở các loài cá sống dưới đáy biển tại khu vực này và cả những sinh vật nằm trong chuỗi thức ăn của cá như tôm, cua, và cũng sẽ xét nghiệm mẫu đất tại các thềm biển xung quanh để xác định nguyên nhân của sự tập trung phóng xạ này. “Có thể có một số điểm nóng trên thềm biển và cá bị nhiễm xạ cao do ăn các loại tôm và cua ở đây” - người phát ngôn Unichi Matsumoto của TEPCO nhận định.

k2fomrIj.jpgPhóng to
Mẫu cá ainame có mức nhiễm xạ kỷ lục do TEPCO ghi nhận được - Ảnh: Japan Times

Đe dọa nhiều loài

Dù chính phủ tuyên bố đã nhanh chóng khống chế được tình trạng rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhưng đến nay vẫn không rõ có bao nhiêu phóng xạ thoát ra ngoài cũng như mức độ ảnh hưởng của nó lên người, cây cối và động vật ra sao.

Mới đây, cá ngừ nhiễm xạ từ vùng biển ngoài khơi Fukushima đã lại được đánh bắt ở tận phía bên kia Thái Bình Dương tại bờ biển California của Mỹ. Đáng báo động là không chỉ các loài hải sản mới chịu ảnh hưởng của phóng xạ. Các chuyên gia Nhật Bản mới đây đã phát hiện một số loài bướm sống gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng bị “tổn thương về gen và sinh lý” do bụi phóng xạ khi cánh, chân, râu và mắt phát triển bất thường. Nghiên cứu của họ trên ba thế hệ bướm cho thấy tỉ lệ biến dạng tăng từ 12% ở thế hệ đầu lên 18% ở thế hệ thứ hai và 34% ở thế hệ thứ ba. Một số bướm khác được bắt ở Fukushima hồi tháng 9-2011 có tỉ lệ biến dạng ở thế hệ con cái lên đến 52%.

“Các loại côn trùng được cho là có khả năng đề kháng cao với phóng xạ. Do đó, kết quả của chúng tôi là rất bất ngờ... Nó cho thấy những chất gây ô nhiễm đang tàn phá sinh thái” - nhà nghiên cứu Joji Otaki thuộc Đại học Ryukyus ở Okinawa nói về kết luận được nêu ra trong nghiên cứu trên. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy phóng xạ đã gây nên những thay đổi về gen ở sinh vật.

Những ghi nhận trên loài vật đang làm lung lay niềm tin cho rằng phóng xạ ảnh hưởng rất ít đến con người.

Một báo cáo hồi tháng 7-2012 đã gây sốc khi cảnh báo hơn 1/3 trẻ em tại khu vực Fukushima có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Khảo sát trên 38.000 trẻ, các chuyên gia phát hiện có 13.000 trẻ có u nang hoặc hạch to đến 5mm xuất hiện trên tuyến giáp. Naomi Takagi, một chuyên gia thuộc Bệnh viện khoa y Đại học Fukushima có tham gia cuộc khảo sát này, cho biết đây chỉ là kết quả kiểm tra ban đầu, còn hậu quả của việc nhiễm xạ chỉ thấy rõ sau bốn hoặc năm năm nữa. Các nhà khoa học khuyến cáo cần đưa kết quả này ra tham khảo với các chuyên gia quốc tế để được giúp đỡ. Tổ chức Y tế thế giới cho biết tuyến giáp ở trẻ dễ bị nhiễm độc phóng xạ, trong đó trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất do tốc độ phân chia tế bào rất cao.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên