20/10/2023 14:11 GMT+7

Ca ngộ độc sau khi uống sữa: Bệnh viện Chợ Rẫy 'khoanh vùng' chất độc

Trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định trong sữa bệnh nhân uống có loại chất gây ngộ độc cực kỳ cao, không màu, không vị...

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ quá trình điều trị bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống sữa ở Tiền Giang - Ảnh: XUÂN MAI

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ quá trình điều trị bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống sữa ở Tiền Giang - Ảnh: XUÂN MAI

Sáng 20-10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông tin về quá trình điều trị bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị ngộ độc sau khi uống một loại sữa bột. Hôm nay bệnh nhân cũng được xuất viện về nhà sau 5 ngày điều trị.

Ngoài ông T., mẹ ông là cụ P.T.P. (83 tuổi) và em ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) cũng uống hộp sữa trên và đã tử vong.

Chất độc gì trong sữa?

Trả lời câu hỏi trong sữa có chất độc gì mà khiến các bệnh nhân ngộ độc rất nhanh sau khi uống, TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay chỉ khoảng 30 phút, tất cả các bệnh nhân có biểu hiện cận lâm sàng như choáng váng, nhức đầu, khó thở...

Do đó, TS Hùng nhận định trong sữa có loại chất gây ngộ độc cực kỳ cao. Đây là chất không màu, không vị nên người dùng không phát hiện, không cảm nhận được sự bất thường của sữa. Chất này có thể tìm thấy trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó trong sữa tạo ra.

Với suy luận này, các bác sĩ đã liệt kê một số độc chất có thể có trong sữa, xếp theo thứ tự nghi ngờ gồm: xyanua, các nhóm thuốc trừ sâu, Srsenic, Strychnine, Botulinum. Đây đều là những chất cực độc, gây tử vong rất nhanh sau khi tiếp xúc.

Các bác sĩ đã lấy tất cả mẫu bệnh phẩm bệnh nhân như dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu... để làm xét nghiệm tìm độc chất, song song theo dõi, điều trị kỹ lưỡng bệnh nhân.

TS Hùng cho biết thêm trên thế giới có rất nhiều chất độc nên bệnh viện không thể gửi bệnh phẩm để tìm đó là chất nào, thay vào đó bệnh viện định hướng đó là độc chất gì để xét nghiệm vì mỗi độc chất có phương pháp xét nghiệm khác nhau.

"Mỗi loại ngộ độc có loại đặc trưng riêng, chính điều này sẽ giúp bác sĩ "khu trú" được độc chất nào. Vấn đề tiên quyết trong điều trị là hướng đến chất độc nào, với mỗi chất độc thì có hướng điều trị khác nhau. Chúng tôi có rất nhiều phương pháp, phương tiện có thể giải quyết vấn đề này, vừa đảm bảo mạng sống cho bệnh nhân, vừa từng bước loại bỏ các chất độc trong cơ thể", TS Hùng chia sẻ.

Đến 16-10, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa gồm: tim mạch, nội tim hóa, hô hấp, huyết học, hồi sức tích cực, khoa sinh hóa, khoa vi sinh diễn ra. Trên bằng chứng có được, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc cấp, chưa xác định tác nhân ngộ độc, gây biến chứng suy hô hấp, tổn thương nội tạng...

Vừa đào thải độc chất, vừa điều trị biến chứng

Bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy vừa đào thải độc chất, vừa điều trị biến chứng cho bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị ngộ độc sau khi uống sữa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy vừa đào thải độc chất, vừa điều trị biến chứng cho bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị ngộ độc sau khi uống sữa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Chúng tôi thống nhất biện pháp vừa đào thải độc chất, vừa điều trị ổn định các biến chứng tim mạch, suy thận, tổn thương gan, viêm phổi... Rất nhiều vấn đề cần can thiệp trong thời gian ngắn nhưng với sự nỗ lực thì chúng tôi đã từng bước thành công", TS Hùng nói.

Sau 48 giờ nhập viện, bệnh nhân ngưng lọc máu, cai máy thở. Hai tiếng sau, bệnh nhân được rút nội khí quản, thở khí trời tự nhiên. Hiện bệnh nhân đã loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, tất cả các xét nghiệm chức năng của bệnh nhân trở về gần như bình thường, ngoài gan (vì bệnh nhân bị xơ gan).

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện ngày 20-10 và có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Là một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân T., bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Sang (khoa bệnh nhiệt đới) chia sẻ áp lực lớn nhất là thời gian và nhận định tình trạng bệnh nhân. Ca trực vừa phải đưa ra quyết định trong thời gian ngắn cho bệnh nhân, vừa hồi sức cấp cứu cho 25 bệnh nhân còn lại tại khoa.

Về viện phí của bệnh nhân ngộ độc sữa, bệnh viện cho biết chi phí điều trị của bệnh nhân là ngoài danh mục bảo hiểm y tế và sẽ được mạnh thường quân hỗ trợ 100%. Với số tiền tạm ứng mà gia đình đã đóng, bệnh viện sẽ hoàn trả lại toàn bộ.

Trước đó vào ngày 14-10, cụ bà P.T.P. (83 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) phát hiện con ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) nằm chết. Người nhà tưởng ông Y. tử vong do bệnh lý nên không trình báo chính quyền.

Đến 22h cùng ngày, con gái pha cho cụ P. 100ml sữa. Sau khi uống sữa, cụ P. có biểu hiện tức ngực, khó thở và nôn ói. Khoảng 5 phút sau, cụ tử vong tại nhà. Gia đình cũng nghĩ cụ P. mất do bệnh lý nên không trình báo công an.

Ngày hôm sau, ông P.M.T. (55 tuổi, con cụ P.) đến phụ đám tang. Tại đây, ông T. cũng pha 150ml sữa uống. Khi uống được khoảng 50ml sữa, ông bị nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu.

Sau đó ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng rất nặng: tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim; thở máy và phải lọc máu hấp phụ.

Thông tin từ gia đình, ca tử vong đầu tiên là ông Y. cũng đã uống hộp sữa trên.

Nghi ngộ độc sau uống sữa: Sức khỏe bệnh nhân cải thiện dù chưa xác định được độc chấtNghi ngộ độc sau uống sữa: Sức khỏe bệnh nhân cải thiện dù chưa xác định được độc chất

Bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi uống sữa tại Tiền Giang đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên