17/04/2017 13:08 GMT+7

Cà Ná thở phào

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nhìn “thép Cà Ná” qua “lăng kính Formosa”, khi dư luận chưa yên tâm, những hoài nghi chưa được giải đáp thì tốt nhất chưa nên làm. Yên lòng dân, chắc hẳn là việc quan trọng hơn ký duyệt một dự án.

Nước ta có trữ lượng quặng sắt khá dồi dào, trong đó mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) lớn nhất Đông Nam Á. Việc lựa chọn phát triển công nghiệp luyện kim để tận dụng lợi thế của quốc gia là đúng, nhưng điều đó không có nghĩa VN làm thép bằng mọi giá.

“Sự cố Formosa” là một bài học cay đắng.

Sự hồ hởi tiếp nhận, cấp phép một siêu dự án trong khi chưa đủ năng lực để đánh giá, thẩm định nhiều chiều, chưa tính toán đầy đủ lợi ích tổng hợp, cộng với những “vi phạm nghiêm trọng” của một số cán bộ, công chức giữ vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền có liên quan đến dự án đã đẩy một dải biển Bắc Trung Bộ vào thảm họa.

Hàng triệu ngư dân bỗng chốc lao đao, phải thay đổi kế mưu sinh, còn ngành du lịch thì rơi vào giai đoạn gieo neo, èo uột.

VN không chỉ có quặng sắt, chúng ta còn có bờ biển dài trên 3.200km với những bãi, những vịnh, những đảo tươi xanh, tài nguyên quý giá để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Dọc bờ biển cũng là nơi tập trung đông dân cư, nhiều đô thị (rất dễ bị tổn thương lớn khi gặp hậu quả xấu về môi trường).

Hàng triệu ngư dân ven biển đời nọ kế tiếp đời kia hàm ơn biển đã mang lại cuộc sống ấm no cho họ... Chính vì vậy, phát triển thép nếu có thì phải đặt trong bài toán lợi ích tổng hợp.

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đặt nhiều nghi vấn về dự án thép Cà Ná, ngay cả khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cam kết là “không có lợi ích nhóm nào ở đây, không phải là đánh đổi môi trường, đây là quan điểm phát triển bền vững”, còn ông chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nói với cổ đông...“ngu gì không làm”.

Nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể không nhìn “thép Cà Ná” qua “lăng kính Formosa”. Khi dư luận chưa yên tâm, khi những hoài nghi chưa được giải đáp thuyết phục thì tốt nhất là chưa nên làm.

Yên lòng dân, chắc hẳn là việc quan trọng hơn ký duyệt một dự án. Có lẽ, người dân dải biển Nam Trung Bộ, từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Phú Yên, Khánh Hòa... đều thở phào với quyết định “tạm dừng” của Thủ tướng.

Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã phải dùng đến từ “tội ác” khi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về dự án này. Bà Hiền cảnh báo rằng nếu bỏ ngoài tai những băn khoăn, hoài nghi, góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, quyết làm dự án bằng được, nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thì đó là tội ác. Trong khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề về sinh mạng chính trị của ông bộ trưởng: “Nếu như sau này dự án này có để xảy ra hệ lụy, bộ trưởng có hứa trước Quốc hội là sẽ từ chức hay không?”.

Xin thưa rằng, sinh mạng chính trị của một ông bộ trưởng, trong nhiều trường hợp, không thể bù đắp được những mất mát nảy sinh từ “chữ ký” của ông ta mà Formosa là một ví dụ. Các ông Nguyễn Minh Quang (cựu bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường), Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai (cựu thứ trưởng), Võ Kim Cự (cựu bí thư, cựu chủ tịch Hà Tĩnh)... sẽ phải nhận các hình thức kỷ luật của tổ chức Đảng, Nhà nước. Nhưng những gì đã xảy ra với biển và nhân dân 4 tỉnh miền Trung thì hẳn là các vị rất khó nguôi ngoai trước “tòa án lương tâm”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên