13/04/2017 10:01 GMT+7

Ca khúc nào không cấm thì hát thôi!

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Câu chuyện vất vả xin phép hát Nối vòng tay lớn như một giọt nước làm tràn ly bức xúc của công chúng xung quanh cách quản lý còn quá nhiều điều bất hợp lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Bản nhạc Nối vòng tay lớn in trong tuyển tập Tiếng hát những người đi tới do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên xuất bản năm 1993 - Ảnh: LÊ VĂN NUÔI
Bản nhạc Nối vòng tay lớn in trong tuyển tập Tiếng hát những người đi tới do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên xuất bản năm 1993 - Ảnh: LÊ VĂN NUÔI

Đến nay, trong danh sách ca khúc được phép biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn đăng công khai trên trang web có 75 tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (tính luôn cả ca khúc Nối vòng tay lớn vừa được cấp phép sáng 12-4). 

Trong khi đó, theo ủy thác của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam, hiện tại có 289 ca khúc của nhạc sĩ được kê khai tại thời điểm ủy thác.

Phép chưa có, người vẫn hát, tác quyền vẫn thu

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều năm qua luôn đứng đầu danh sách nhạc sĩ nhận tiền tác quyền cao nhất (với 289 ca khúc) tại trung tâm này.

Như vậy, nếu trừ 75 ca khúc đã được cấp phép thì có đến 214 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dẫu chưa được cục cấp phép vẫn đang lưu hành rộng rãi, hát khắp các chương trình, được thu tác quyền hẳn hoi suốt nhiều năm qua.

Việc này một lần nữa cho thấy có quá nhiều bất cập, không đồng bộ trong khâu cấp phép của cục.

Cũng theo gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họ ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu hộ tác quyền toàn bộ tác phẩm của ông.

Phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì cho biết gia tài ca khúc của Trịnh Công Sơn vào khoảng 600 bài và 289 ca khúc mà lâu nay trung tâm thu hộ tác quyền cho gia đình là dựa trên danh sách ca khúc được cấp phép của cục và của sở Văn hóa các địa phương.

Thực tế, trước khi nghị định 79 ra đời có rất nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được sở Văn hóa các địa phương cấp phép lưu hành. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, những giấy phép này vẫn có giá trị bởi nghị định 79 không đề cập đến việc phải xin phép lại cho các ca khúc đã được các sở Văn hóa cấp trước đó.

Nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cứ dựa theo danh sách của cả hai cơ quan quản lý là cục và sở Văn hóa mà thu tác quyền khi các cá nhân, đơn vị tổ chức có yêu cầu sử dụng ca khúc để kinh doanh.

Vấn đề đáng nói là khi nghị định 79 ra đời, ngoài danh sách những ca khúc xin cấp phép mới, lẽ ra Cục Nghệ thuật biểu diễn phải chủ động cập nhật danh sách các ca khúc đã được các sở Văn hóa địa phương cấp trước đó để tránh chồng chéo và dẫn đến những tình huống “éo le” như ngày hôm nay.

Nhiều tình huống dở khóc dở cười

Tuổi Trẻ đã từng có rất nhiều bài viết về việc cấp phép cũng như cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến từ hơn 10 năm qua. Vào đầu năm 2008, Cục Nghệ thuật cũng đã hứa sẽ có một trang mạng phổ biến danh mục này vào giữa quý 2-2008 nhưng mãi đến đầu năm 2011 trang này mới chính thức được đưa vào hoạt động.

Và con số ca khúc “có phép” được cập nhật cho đến thời điểm này là 2.587 bài. Một số đơn vị tổ chức sản xuất biểu diễn, băng đĩa nhạc cho hay danh mục các ca khúc được cấp phép thực tế phải nhiều hơn số đó, bởi có nhiều ca khúc họ đã có giấy phép trong tay nhưng vẫn không thấy được cập nhật trên mạng.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp đơn vị A xin cấp phép cho ca khúc “m” và cục đã đồng ý nhưng họ chưa tung sản phẩm có ca khúc “m” ra thị trường (cục cũng chẳng cập nhật vào danh sách đã được cấp phép) nên các đơn vị khác không biết là ca khúc “m” đã được cấp phép.

Đến khi cần sử dụng ca khúc “m”, đơn vị B lại nộp đơn xin cấp phép, cục lại tiếp nhận hồ sơ và cũng... “nhiệt tình” cấp giấy phép (sau đó vẫn không cập nhật ca khúc vừa cấp phép). Theo các đơn vị sản xuất và nhiều nghệ sĩ, tình trạng này xảy ra không ít khiến họ phải rơi vào nhiều tình huống dở khóc dở cười, bối rối và cả bức xúc mà không biết phải làm sao!

Trong 75 ca khúc được cấp phép của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai ca khúc được cấp phép hai lần, không biết có phải trường hợp "éo le" này!?

Tại sao phải xin cho những điều tốt đẹp được phép hiện diện?

Đến nay, chính thức và chính xác đã có bao nhiêu ca khúc hải ngoại, trước năm 1975 đã được cấp phép chắc chỉ có Cục Nghệ thuật biểu diễn mới rõ. Nhưng có khi cục cũng không muốn biết hay không buồn cập nhật. Điều cục quan tâm có lẽ chỉ là “mọi người xin (kèm phí) thì tôi mới cho”.

Những tác phẩm hay, có giá trị luôn có đời sống riêng trong lòng công chúng. Cho hay không thì nó vẫn hiện diện ở đó, trường tồn. Tại sao phải xin cho những điều tốt đẹp được phép hiện diện? Có chăng chỉ là cấm những điều không hay. 

Vậy cớ gì Bộ Văn hóa và Cục Nghệ thuật biểu diễn không đưa ra những ca khúc cấm và cập nhật khi cần thay vì bắt người dân phải qua cửa xin - cho? Hơn 10 năm trước nhạc sĩ Ca Lê Thuần thời còn là giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM đã đề nghị điều này. 

Và mới đây, đồng thuận với việc đơn giản hóa thủ tục, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cũng cho rằng cần có danh mục bài hát cấm được đăng tải công khai và "những bài hát nào không cấm thì nhân dân được quyền hát". Lý lẽ chỉ đơn giản có vậy!

 

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên