Ngày 20-2, báo cáo kết quả khảo sát tình hình nuôi cá lồng, cá bè bị thiệt hại ở Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Sỹ Minh - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh - cho biết đã ghi nhận có trường hợp hàu, cá mú nuôi lồng của người dân nuôi biển Hòn Tre bị chết trong những ngày qua.
Đặc biệt, sau 15-40 ngày thả, cá mú nuôi lồng của bà Võ Thị Thắm ở Hòn Tre có biểu hiện trương bóng hơi, ghẻ lở, bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước và chết, ước hao hụt 80-90%.
Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết nguyên nhân cá mú tại hộ bà Thắm có tỉ lệ sống thấp có thể do chất lượng cá giống chưa đảm bảo. Đồng thời, lồng, bè nuôi cá của bà con nằm trong khu vực trú bão (không thuộc quy hoạch nuôi cá lồng của xã).
Ở khu vực này, nguồn nước dễ bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt của các khu dân cư và bị tác động trực tiếp bởi nước ngọt đổ ra từ đất liền.
Để giảm thiểu rủi ro, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người nuôi biển ở Hòn Tre thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của cá nuôi; phân công người canh trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước ở vùng nuôi và đưa ra giải pháp xử lý thích hợp.
Định kỳ 7-10 ngày, người nuôi cần tiến hành vệ sinh lồng lưới loại bỏ rác, chất bẩn, bảo vệ đàn cá nuôi, giảm thiểu rủi ro...
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, 30.000 con cá mú (giá cá giống 40.000 đồng/con) của bà Thắm thả nuôi trong thời gian qua đã chết, còn lại khoảng 2.000 nhưng không rõ nguyên nhân. Bà Thắm chi nhiều tiền để xử lý nước nhưng số cá mú còn lại vẫn có biểu hiện ghẻ lở, nổi lờ đờ trên mặt nước, chờ chết.
Đồng thời, khoảng 10 tấn hàu của bà Thắm cũng chết khi chưa kịp xuất bán với giá 40.000 đồng/kg.
Huyện Kiên Hải có khoảng 228 hộ nuôi (với 1.128 lồng, bè) và chủ yếu nuôi cá mú, cá bóp, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, hàu và vẹm xanh; sản lượng xuất bán ước đạt hơn 1.000 tấn/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận