Ông Trương Sỹ Bá - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long - nhận định như trên tại sự kiện "Công bố liên doanh Việt Nam - Nhật Bản: Dự án phát triển suất ăn công nghiệp tại Việt Nam" vừa diễn ra.
Ông Bá cho biết sẽ tính toán nguyên liệu, giá bán, nguồn khách để đưa ra chiến lược phù hợp. Trong đó, việc dùng nguồn gạo, thịt... chất lượng tại đơn vị và áp dụng công thức suất ăn của Tập đoàn Nikkokutrust (đối tác đến từ Nhật) trong sự hài hòa với mức sống người Việt Nam sẽ là trọng tâm.
Tuy nhiên, sẽ không có giá dưới 20.000 đồng/suất. Ông cho hay giá 28.000 đồng hiện đã rất khó làm, nếu dưới 20.000 đồng sẽ không thể nào nhập được nguyên liệu đạt chất lượng đề ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26-10, ông Đặng Hồng Thạch - giám đốc Công ty Khải Thành (Q.Tân Phú), xác nhận vẫn đang có đơn vị đặt suất cơm cho công nhân với giá 20.000 đồng/suất, thậm chí 15.000 đồng/suất, và với giá này thì các đơn cung cấp suất ăn gần như không thể làm được, còn làm được thì cơm sẽ rất "khó nuốt".
"Hơn 3 năm qua, nhiều khách hàng chỉ chấp nhận tăng 2.000-3.000 đồng/suất ăn công nghiệp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Suất cơm ít tiền thì phải giảm chất lượng", ông Thạch nói.Theo ông Thạch, giờ suất cơm công nghiệp được gọi là ổn phải 27.000-30.000 đồng, còn lỡ ký hợp đồng với giá thấp thì đơn vị cung cấp suất ăn rất dễ thua lỗ do chịu nhiều chi phí phát sinh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam cũng chia sẻ "Buồn vì thấy một số doanh nghiệp khó khăn, chi quá thấp cho bữa ăn. Tôi mà là công nhân tôi cũng không thể gắn bó và nỗ lực hết sức vì doanh nghiệp được".
Ông Trương Sỹ Bá tính toán và cho rằng tùy vào yêu cầu của khách, mỗi suất ăn có giá từ 40.000 - 70.000 đồng sẽ phù hợp. Nhưng ông cũng thừa nhận với định hướng giá bán, sẽ "khó chơi" với khu công nghiệp và chế xuất, vì nhiều doanh nghiệp tại đây thường không chi trả nhiều tiền cho bữa ăn công nhân, thậm chí chỉ trả với mức thấp.
Trong khi đó, quản lý đơn vị có hơn 2.000 đầu bếp, 1.000 chuyên gia dinh dưỡng và hiện mỗi ngày cung cấp trên 500.000 suất ăn tại Nhật, ông Wako Kiharu - chủ tịch Tập đoàn Nikkokutrust - cho biết chọn đầu tư ở Việt Nam do nhận thấy nền kinh tế năng động, nhiều triển vọng phát triển ngành suất ăn công nghiệp.
Theo đại diện Nikkokutrust, ngành suất ăn công nghiệp tại Việt Nam hiện còn manh mún và có sự phân hóa lớn về chất lượng, giá. Trong khi đó, nếu tính cả yếu tố trợ giá của Nhà nước cho một vài phân khúc khách hàng, giá bán bình quân một suất ăn công nghiệp của đơn vị tại Nhật Bản khoảng hơn 500 yen Nhật (tương đương hơn 80.000 đồng).
Sau gạo ST25 sẽ đưa thêm nông sản Việt vào bếp ăn Nội các Nhật
Đại diện Nikkokutrust cho biết năm ngoái đã đưa gạo ST25 (thương hiệu AAN - Tân Long) của Việt Nam vào giới thiệu tại nhà ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Các món ăn được làm từ gạo này đã được chào đón nồng nhiệt. Đơn vị đang tính toán đưa thêm nhiều nông sản Việt Nam như gạo, thịt... vào nhà ăn Nội các và những kênh thị trường trung, cao cấp tại Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận