19/11/2018 06:00 GMT+7

Bưởi da xanh khoác áo Thái vẫn phải vào Trung Quốc bằng... đường rừng

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Sầu riêng mất giá một nửa, bưởi da xanh rớt 2/3 và đang chịu nỗi sầu chung của việc bí đường vào thị trường chính là Trung Quốc.

Bưởi da xanh khoác áo Thái vẫn phải vào Trung Quốc bằng... đường rừng - Ảnh 1.

Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì sầu riêng đã chín tới nhưng thương lái vẫn “mất dạng” - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Diện tích trồng các loại cây ăn trái có múi đang tăng lên nhanh chóng, đáng báo động trong khi đầu ra vẫn còn khá mịt mù.

Thương lái hững hờ

Nhìn 5 công bưởi da xanh sai trĩu trái đang ngả dần sang màu vàng báo hiệu đến thời điểm thu hoạch, ông Nguyễn Văn Mười - 62 tuổi, ngụ xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - rầu rĩ cho biết năm trước một trái bưởi "cho cả trăm ngàn", năm nay chỉ còn 1/3. Đã vậy, thương lái đến "chê ỏng chê eo đủ kiểu để hạ giá".

Vài năm trước, bưởi da xanh có giá đến nỗi ông phải thức cả đêm để canh trộm, vì chỉ cần một cây bị hái trộm là có thể mất bạc triệu. Khoảng vài tháng gần đây, giá bưởi da xanh mỗi ký từ 70.000 đồng rớt xuống còn chưa đầy 30.000 đồng.

Không chỉ ông Mười mà những người trồng bưởi ở Bến Tre cũng đang lo ngay ngáy. Diện tích trồng bưởi đang tăng nhanh chóng, nhưng đầu ra mịt mù. Theo ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở Hương Miền Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, một trong bốn vựa mua bưởi da xanh lớn tại Bến Tre, cơ sở của ông mỗi tháng xuất vào Trung Quốc khoảng 100 tấn, nhưng đã ba tháng nay đành nằm yên.

Lý do, theo ông Hưng, từ trước đến nay bưởi da xanh bán vào Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, "khoác áo" bưởi Thái Lan, nhưng nay bị kiểm soát chặt chẽ nên các đối tác không dám nhận hàng số lượng lớn, mà "chỉ nhận ít rồi vận chuyển vào thị trường Trung Quốc bằng đường rừng".

Không chỉ bưởi, những người trồng sầu riêng cũng đang sầu chung khi vừa vào đầu vụ nhưng tìm mãi chẳng thấy thương lái nào hỏi mua.

Ông Trình Văn S. - ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - có 1ha trồng sầu riêng, dự định sẽ cho chừng 20 tấn. Một nhà vườn khác cũng ở Cai Lậy nói rằng chỉ có thương lái nào đặt cọc tiền từ trước mới vào mua, bán ở trong nước. Tất cả trông vào Trung Quốc, thị trường "ăn" tới 70% loại trái cây này của Việt Nam.

Tiền Giang hiện có hơn 11.500ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng 8.500ha sầu riêng đang cho trái, ước tính sản lượng chừng 200.000 tấn. Trong khi đó, diện tích bưởi da xanh ở Bến Tre cũng liên tục tăng lên với 7.200ha, chiếm 25% diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh.

Không chỉ bưởi và sầu riêng, các loại trái cây có múi trong thời gian qua nhận được nhiều cảnh báo về nguy cơ "vỡ trận" do cung vượt cầu. Đắk Lắk có hơn 4.000ha trồng sầu riêng, bằng với Đồng Nai, còn Đắk Nông cũng đã hơn 1.000ha. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2017, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã lên đến 36.145ha, trong đó khoảng 27.390ha cho thu hoạch trái, năng suất bình quân 14,6 tấn/ha, sản lượng 402.000 tấn.

Bưởi da xanh khoác áo Thái vẫn phải vào Trung Quốc bằng... đường rừng - Ảnh 2.

Hiện bưởi da xanh xuất khẩu đang bị chậm, dù giá xuống thấp, còn khoảng 30.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn mua với số lượng rất ít - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trung Quốc siết kiểm soát

Giá sầu riêng tăng cao trong mấy năm qua được cho là nguyên nhân của diện tích tăng vùn vụt nói trên. Thế nhưng dân trồng loại trái cây này cũng đang khốn khổ vì giá. Nếu hồi tháng 1 một ký sầu riêng khoảng 100.000 đồng thì nay đã mất hơn nửa giá, còn 40.000 đồng, và đang nhích lên 55.000 - 58.000 đồng. Mức giá này cũng giảm chừng 20% so với khoảng một tháng trước. Trong khi thị trường chính là Trung Quốc lại vẫn chưa cho phép nhập loại trái cây đặc sản này.

Các chuyên gia cho rằng trong những năm qua, giá các sản phẩm từ cây công nghiệp như cao su, điều, hạt tiêu, cà phê đều có xu hướng giảm càng thúc đẩy nông dân chuyển đổi từ những cây trồng này sang các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, sầu riêng...

Cục Trồng trọt thừa nhận diện tích cây ăn quả có múi đang tăng chóng mặt, lên đến 22.000ha tính đến năm 2017, trong đó cam chiếm 90.000ha, tăng 10.000ha, diện tích bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.

Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào tiêu thụ nội địa và thị trường chính là Trung Quốc đang dẫn đến nhiều rủi ro cho nông dân vì hơn một tháng qua, Trung Quốc đã siết chặt việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc, đã làm nhiều loại trái cây giảm giá, khó tiêu thụ. Nhiều công ty cho rằng nếu Trung Quốc cấm nhập khẩu thì ngành trái cây của Việt Nam sẽ "vỡ trận" vì không biết bán đi đâu cho hết.

Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina T&T, chuyên về xuất nhập khẩu nông sản, hải sản - cho biết nếu không kịp thời cảnh báo người dân thì sẽ cực kỳ rủi ro vì thị trường chính của sầu riêng vẫn là Trung Quốc. Với các loại trái cây Trung Quốc chưa cho nhập từ Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chỉ xuất "chui", hoặc đổi xuất xứ thành hàng Thái Lan.

"Trung Quốc biết những chuyện đó, và đến lúc nào đó họ siết lại sẽ là một thảm họa cho ngành trái cây của Việt Nam khi diện tích tăng lên quá nóng trong thời gian qua. Các cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa các loại trái cây này", ông Tùng nói.

Bưởi da xanh khoác áo Thái vẫn phải vào Trung Quốc bằng... đường rừng - Ảnh 3.

Hiện bưởi da xanh xuất khẩu đang bị chậm, dù giá xuống thấp, còn khoảng 30.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn mua với số lượng rất ít - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vì sao phải đội lốt hàng Thái?

Trung Quốc mới chỉ chính thức cho nhập khẩu 8 loại trái cây từ Việt Nam gồm xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và thanh long. Trong khi đó, Thái Lan có đến 23 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Đáng chú ý có ba loại trái cây Việt Nam đang có tốc độ phát triển diện tích rất nhanh trong vài năm trở lại đây là bưởi da xanh, sầu riêng và bơ. Thái Lan có hai loại là bưởi và sầu riêng được xuất khẩu vào Trung Quốc, còn Việt Nam thì vẫn chưa, vì thế để xuất khẩu sầu riêng và bưởi sang Trung Quốc, trái cây Việt đã phải gắn mác "trái cây Thái".

Bưởi da xanh khoác áo Thái vẫn phải vào Trung Quốc bằng... đường rừng - Ảnh 5.

Nhiều nhà vườn tại Bến Tre đang lo lắng vì đầu ra của trái bưởi da xanh đang gặp khó khăn dịp cuối năm - Ảnh: MẬU TRƯỜNG


MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên