Bụi cát từ Sahara phủ vàng bầu trời ở Lyon (Pháp) ngày 6-2-2021 - Ảnh: SIPA
Đài France Info ngày 27-2 dẫn lời ông Pierre Barbey - chuyên gia về ngăn phóng xạ ở ĐH Caen (Pháp) - khẳng định các phân tích bụi cát từ Sahara bay vào Pháp tại phòng thí nghiệm gần Rouen cho thấy có dấu vết của đồng vị phóng xạ Césium-137, dù thành phần này không còn gây hại cho sức khỏe con người.
Ông cho biết cách đây 30 năm từng phân tích bụi bay đến từ sa mạc Sahara (cách xa hơn 2.200km theo đường chim bay) cũng đã thấy Césium-137. Đến giờ này vẫn còn tồn tại thành phần đó trong bụi cát thì ông rất ngạc nhiên.
Nhà khoa học Pháp giải thích rằng Césium-137 có vòng đời 30 năm. Mỗi 30 năm, nó bị mất đi phân nửa độ phóng xạ. "Sau khoảng 7 vòng 30 năm thì chỉ còn khoảng 1% độ phóng xạ", chuyên gia Pierre Barbey giải thích.
Ông cho biết tại sa mạc Sahara ở phía nam của Algeria, người dân phải sống cùng với Césium-137 mỗi ngày, một số khu vực đất đai còn bị nhiễm phóng xạ nặng.
Césium-137 hay Xêsi phóng xạ là một đồng vị phóng xạ của Xêsi, được hình thành từ phản ứng phân hạch hạt nhân của urani-235 và các đồng vị có thể phân hạch khác trong các lò phản ứng hạt nhân.
Đây là một trong số các sản phẩm phân hạch có nhiều vấn đề nhất trong nhóm có chu kỳ bán rã ngắn - trung bình, do nó dễ dàng di chuyển và phát tán trong tự nhiên bởi tính tan cao trong nước các hợp chất hóa học tạo ra từ xêsi như các loại muối.
Khi Algeria còn là một tỉnh của Pháp, "quốc mẫu" từng thực hiện 17 cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới đất lẫn trên không trong khoảng năm 1960 - 1966.
Mãi đến ngày 29-1-1996, Tổng thống Pháp Jacques Chirac mới tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở khu vực đó.
Xe hơi ở Thụy Sĩ bị phủ lớp bụi cát bay đến từ Sahara cách hàng ngàn kilômet - Ảnh: 24HEURES
Cách đây một tuần, Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo bụi và cát từ sa mạc Sahara sẽ một lần nữa phủ kín các bầu trời của châu Âu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí.
Dự báo của CAMS cho thấy những đám mây cát và bụi của Sahara bay đến khu vực Nam Âu, rồi bao phủ tới tận những nước Bắc Âu như Na Uy.
Nhà khoa học cấp cao của CAMS Mark Parrington cho biết cũng như hiện tượng tương tự hồi đầu tháng 2 với đám mây bụi đã phủ kín bầu trời ở nhiều nước Tây Âu, gây ra mật độ hạt bụi cao "gấp hàng trăm lần" so với bình thường, lần này hạt bụi to đến mức có thể nhìn thấy được bằng mắt thường trên bầu trời khắp châu lục.
Bụi sẽ tạo ra những bầu trời màu đỏ, hạn chế tầm nhìn hoặc làm bẩn ôtô và cửa sổ. Giới chuyên gia hiện chưa thể dự đoán tác động của hiện tượng này lớn tới mức nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận