
Những người lính, người du kích Củ Chi giao lưu với đoàn phim Địa đạo tại Củ Chi tối 10-4, trong đó có anh hùng Tô Văn Đực - nguyên mẫu Tư Đạp và trung úy Võ Thị Mô - nguyên mẫu lớn nhất của Ba Hương (thứ hai từ phải sang) - Ảnh: T.T.D.
Tối 10-4, đoàn phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối có buổi giao lưu đầm ấm ở rạp phim tại Củ Chi - nơi "đất thép thành đồng" truyền cảm hứng cho bộ phim.
Buổi giao lưu có sự tham gia của những người lính, người du kích từng chiến đấu tại Củ Chi như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (nguyên mẫu của Tư Đạp trong phim); cô Võ Thị Mô, Cao Thị Hương, Trần Thị Neo... và đông đảo người dân, cán bộ ở Củ Chi.
Bùi Thạc Chuyên xin lỗi nguyên mẫu Tư Đạp
Anh hùng Tô Văn Đực cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người mới 57 tuổi vào năm nay, nhưng đã nghiên cứu và làm ra bộ phim này. Lời cảm ơn thứ hai ông gửi tới tất cả diễn viên đóng phim Địa đạo, thể hiện những tấm gương chiến đấu kiên cường.
Sau đó, khi được hỏi về những cảnh phim của Tư Đạp trong phim, ông nói ông đã 3 lần xem bản phim hoàn chỉnh cũng như nhiều lần xem các đoạn cắt khi phim chưa hoàn thành.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (nguyên mẫu của nhân vật Tư Đạp) vừa cười vừa yêu cầu đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói rõ đã hư cấu chuyện tình trong phim của nhân vật Tư Đạp - Ảnh: T.T.D.
"Chúng tôi hồi trước cũng 23, 24 tuổi như các cháu đóng phim. Phim thể hiện sự ác liệt như hồi xưa và thể hiện cho con cháu là ông cha hồi xưa dũng cảm, hy sinh như vậy mà không sờn ý chí" - anh hùng Tô Văn Đực nói.
Khi được hỏi ngoài đời "Tư Đạp" có lấy cô Ba Hương không, ông Đực nói đó là chuyện hư cấu. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giải thích thêm với ông Tô Văn Đực: "Từ ngày đầu cháu cũng nói chuyện với chú. Đây là một câu chuyện hư cấu, cháu muốn nhân vật trở nên sinh động hơn.
Chú đã kể cho cháu nhiều lần về nguy hiểm của việc làm bom mìn, gần như luôn đối mặt với cái chết.
Cháu cũng được nghe chú kể trong chiến tranh có rất nhiều trường hợp và bản thân chú Đực đã có lần bị tai nạn nổ lựu đạn, may là lựu đạn của ta nên nổ có một nửa thôi.
Cháu muốn nhân vật có câu chuyện éo le hơn nên trong phim anh Tư Đạp chế mìn làm chết mấy người bạn của mình, sợ quá bỏ chạy thôi chứ không có ý gì cả.
Chi tiết này làm chuyện éo le hơn và cùng góp phần chứng minh là người dân Củ Chi không cần vào địa đạo mà ở đâu cũng chiến đấu được. Cháu xin lỗi chú là cháu hơi hư cấu một chút".
Lý do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xin lỗi nguyên mẫu Tư Đạp - Video: MI LY
Ông Tô Văn Đực vui vẻ trước lời xin lỗi và kể thêm, trên đường đi ghe tới đây, các con của ông hỏi hồi trước ba có vậy không, ba có vợ chưa. Ông trả lời đó là kịch bản của chú Chuyên thôi, chắc chú Chuyên muốn ba nổi bật để người ta để ý hơn.
"Cảm ơn chú Chuyên" - ông nói.
"Ba Hương" ngoài đời là nữ du kích Củ Chi huyền thoại
Tối 10-4, buổi giao lưu cũng đón chào không chỉ một mà hai nguyên mẫu của cô Ba Hương. Đó là trung úy Võ Thị Mô (Bảy Mô) và thiếu úy Cao Thị Hương (Ba Hương).
Bà Võ Thị Mô (năm nay 78 tuổi) được coi là nguyên mẫu chính của nhân vật, còn tên nhân vật lấy từ bà Ba Hương.

Các diễn viên Hồ Thu Anh, Khánh Ly (phải) vui mừng gặp lại nhân vật thật là các cô du kích Võ Thị Mô (trái) và cô Trần Thị Neo tại buổi gặp mặt tri ân Củ Chi - Ảnh: T.T.D.

Diễn viên Hồ Thu Anh giữa hai nguyên mẫu của nhân vật Ba Hương do cô đóng: bà Bảy Mô (phải) - nguyên mẫu chính và bà Ba Hương (trái) - Ảnh: MI LY
Riêng bà Mô được coi là nữ du kích huyền thoại của Củ Chi, từng là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, tham gia trận càn Cedar Falls, từng là chỉ huy trưởng của Trung đội nữ du kích Củ Chi. Bà cũng là nguồn cảm hứng cho phim Nữ du kích Củ Chi và kịch Khát vọng hòa bình.
Bà Mô còn nổi tiếng với việc từng tha chết cho 4 lính Mỹ khi thấy họ khoe ảnh vợ con rồi ôm nhau khóc. Về sau, 1 trong 4 người cựu binh Mỹ đó hàm ơn và trở lại Việt Nam cảm tạ bà.
"Nhân vật nào tôi cũng thích hết nhưng nhất là các cô con gái, dũng cảm vô cùng. Dũng cảm lắm mới dám đánh như vậy" - bà Mô chia sẻ sau khi xem phim.
Riêng chuyện tình Ba Hương - Tư Đạp, bà Mô nói với Tuổi Trẻ Online: "Chúng tôi quen nhau trong chiến đấu, có thân nhưng chưa có thương".

Đoàn phim giao lưu với các cựu nữ du kích Củ Chi - Ảnh: T.T.D.

Người dân Củ Chi vào rạp xem phim Địa đạo - Ảnh: T.T.D.
Còn bà Cao Thị Hương - nữ du kích xã bắn rơi máy bay sau thành bộ đội huyện Củ Chi, sau về công tác quân y - nói: "Lần đầu tiên tôi được xem bộ phim có hình mẫu của chính bản thân mình trong đó. Sự ác liệt rất giống ngoài đời dù chưa bằng được ngoài đời: thả bom, chống càn, bơm nước... Trong trận Cedar Falls, tụi tôi phải ở dưới địa đạo một tháng".
Chủ nhân cái tên "Ba Hương" nói thêm: "Phim hay, nhưng có cái là bên ngoài không có chuyện nam nữ. Ba Hương ngoài đời hổng có. Phim người ta làm cho sinh động chút nên mình cũng chẳng có gì thắc mắc".
Ngoài đời, bà Ba Hương và ông Tô Văn Đực chỉ có tình đồng đội, đồng chí. Bà từng tham gia đánh địch bằng bom mìn do ông chế tạo ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận