28/04/2022 21:34 GMT+7

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Không chỉ chiến trường khốc liệt, bộ ký họa kháng chiến miền Nam còn có nhiều khoảnh khắc đời thường rất con người như những người lính quây quần đọc thư nhà, cắt tóc cho trẻ em trên đường vào Nam.

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội - Ảnh 1.

Khách tham quan triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022), bộ sưu tập Ký họa kháng chiến miền Nam thuộc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được mang ra triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.

Khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt, triển lãm giới thiệu công chúng 70 ký họa được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975.

Điểm ấn tượng, bộ ký họa còn có nhiều hình ảnh rất bình dị, cái bình dị lấp lánh giữa chiến tranh khốc liệt làm lay động người xem.

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội - Ảnh 2.

Ký họa bút sắt Những đôi vai của Nhất Tâm

Đó là hình ảnh một du kích có gương mặt thơ trẻ trong ký họa Du kích xã Lộc Điền của Trịnh Dũng, hay khu phố giải phóng thanh bình trong ký họa Phạm Quyết Chiến, một nếp nhà tranh trong rừng yên ả, nét mềm mại đầy nữ tính của những thanh niên xung phong đang khiêng võng thương binh trong ký họa của Nhất Tâm.

Là khoảnh khắc ngồi bên nhau đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ bên ấm trà trong ký họa của Nguyễn Tấn Lực, hay bà mẹ trẻ chải chuốt cho con nhỏ đợi đón ba về phép…

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội - Ảnh 3.

Ký họa màu nước Đón ba về phép của Thái Hà

Các họa sĩ đã sử dụng chất liệu màu nước, bột màu, bút sắt, chì… ghi lại "trang nhật ký chiến trường" về con người, cuộc sống, vùng đất của quân và dân Nam Bộ trong cuộc chiến cam go.

Theo đánh giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ký họa Kháng chiến miền Nam là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8-5.

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội - Ảnh 4.

Ký họa màu nước Dũng sĩ diệt Mỹ Võ Thị Mô của Lê Văn Chương

Ký họa kháng chiến miền Nam từ TP.HCM ra Hà Nội - Ảnh 5.

Ký họa bút sắt và màu nước Đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ của Nguyễn Tấn Lực

Xem ký họa Xem ký họa 'Ký ức chiến trường' của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong

TTO - Ký họa của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong là những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường Khu V, tái hiện những năm tháng lịch sử hào hùng một thời chiến tranh máu lửa.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên