01/09/2013 06:49 GMT+7

Bóng rớ trên sông

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Chảy qua trung tâm TP Đồng Hới (Quảng Bình), bao năm qua sông Nhật Lệ đã tạo nên nét riêng khó phai mờ trong tâm thức nhiều người về mảnh đất này.

Biết bao du khách đã bấm máy và có được những tấm ảnh đẹp về sông Nhật Lệ với bóng chiếc chòi rớ kéo cá lung linh in trên mặt sóng chiều hoàng hôn hay vào lúc bình minh yên ả... Ít ai biết rằng có một người đàn ông 58 tuổi nhưng gần 50 năm sống và gắn bó với chiếc chòi rớ trên dòng sông này.

4Nox43MY.jpgPhóng to
Ông Hồ Bồng trên chòi rớ ở sông Nhật Lệ - Ảnh: LAM GIANG

Ông là Hồ Bồng, trú ở phường Phú Hải, TP Đồng Hới. Ông Bồng vốn gốc người xóm Câu của thị xã Đồng Hới ngày xưa. Từ năm 8, 9 tuổi ông đã theo cha làm nghề kéo rớ trên sông. Những năm chiến tranh, Đồng Hới nằm dưới tầm bom đánh phá của không lực Hoa Kỳ nên ông phải tản cư lên huyện Quảng Ninh. Ở nơi tản cư, ông cùng cha vẫn theo nghề rớ cá trên vùng thượng nguồn sông Nhật Lệ. Chiến tranh đánh phá miền Bắc kết thúc, ông Bồng và cha về lại vùng cửa sông Nhật Lệ dựng lên chòi rớ mới.

Mỗi ngày vài chục lần kéo rớ lên từ sáng đến tối. Dưới đáy rớ có lúc có cá có lúc không. Nhưng chưa bao giờ ông Bồng thấy buồn lòng. Ông bảo: “Nghề mà chú. Mà đã là nghề thì như vậy là thường tình”. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tuyết, cũng theo chồng làm nghề rớ. Ngày ngày ông kéo rớ lấy cá, còn bà đem cá vào chợ bán. “Mỗi ngày được khoảng 70.000-80.000 đồng, đủ chi tiêu cho hai vợ chồng già tui. Nhưng vui với nghề rớ ni lắm chú ạ, vì lắm lúc vợ chồng tui được làm... diễn viên cho khách du lịch. Họ thích chòi rớ lắm nên cứ nhờ vợ chồng tui kéo rớ lên rồi ngồi trên chòi cho họ chụp ảnh...”.

Say nghề nên ông Bồng chưa bao giờ có ý định bỏ chòi rớ. Nhiều người quen từng rủ ông đổi sang các nghề dễ làm ăn hơn nhưng ông không chịu. “Bây chừ nó gắn bó với tui như máu thịt mất rồi. Chỉ cần vắng lên chòi rớ vài ngày là trong tui nôn nao không chịu nổi. Nhớ tiếng nước đập ì oạp vô chân chòi, nhớ tiếng sóng vỗ mỗi khi tàu cá chạy ngang, thậm chí nhớ cả mùi tanh của cá và dầu thải của tàu nữa mới lạ chớ...” - ông Bồng bộc bạch.

Ông Bồng thấy buồn nhất là về mùa mưa bão. Khi ấy nước sông Nhật Lệ dâng rất cao, dòng chảy hung dữ cuốn theo đầy rác rưởi, cây cối. Ông đành cuốn lưới về nhà. Không kéo rớ được, ông bần thần ra bờ sông đứng nhìn dòng nước đục ngầu, mong cho cơn lũ mau qua.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên