Theo tư liệu thu thập và xác minh của Tuổi Trẻ Online, Hợp tác xã xe du lịch và vận tải Thiên Phúc (TP.HCM) có 52.000 lần vượt tốc độ quá quy định (không tính các trường hợp vi phạm dưới 5km/h) được dữ liệu giám sát hành trình (GPS) ghi nhận trong các tháng 3, 5, 6, 7-2023.
Xe của Hợp tác xã Thiên Phúc - 'vô địch' vượt tốc độ 52.000 lần chạy thế nào?
Tổng hợp số liệu 4 tháng, hợp tác xã này có số lần vi phạm vượt tốc độ đứng đầu TP.HCM và bị tước 109 phù hiệu. Đáng chú ý, hợp tác xã này có những xe có số lần vi phạm tốc độ rất lớn.
Điển hình trong tháng 5 xe biển số 51B285... vượt tốc độ 2.087 lần, xe biển số 51B283... vượt tốc độ 2.308 lần.
Xe vượt tốc độ, một phần do cạnh tranh nguồn khách
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Đông - giám đốc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải Thiên Phúc - để lý giải vì sao xe của đơn vị này lại có số lần vượt tốc độ "khủng" đến như vậy.
* Thưa ông, hiện nay hợp tác xã của ông có bao nhiêu xe?
- Hợp tác xã có khoảng 50 xe giường nằm nhưng hoạt động thường xuyên khoảng 40 xe. Các xe chạy theo tuyến cố định, bán vé các bến xe ở TP.HCM.
* Với số lượng xe không nhiều nhưng số lần vi phạm tốc độ của hợp tác xã đứng số 1 trên bảng xếp hạng các nhà xe vi phạm ở TP.HCM, ông có thể cho biết nguyên nhân?
- Về số lần vượt tốc độ được ghi nhận tại hệ thống GPS, chúng tôi sai nên sẽ nhận lỗi.
Về nguyên nhân, thứ nhất cái nết chạy của tài xế chưa sửa đổi.
Thứ hai, các xe cố tình chạy nhanh để cạnh tranh nguồn khách với nhau. Chạy nhanh rước được thêm vài ba khách, chậm một chút xe khác "vớt" luôn.
Còn một nguyên nhân khác được các tài xế phản ánh là cần rà soát lại một số vị trí báo hiệu, biển báo khoảng cách cho phù hợp, tránh xuất hiện quá đột ngột.
* Đơn vị vận tải đều có dữ liệu GPS truyền về để quản lý, giám sát tài xế hằng ngày. Để đạt số lần vi phạm lớn như vậy là do đơn vị buông lỏng quản lý?
- Chúng tôi đã nhắc nhở, la rầy và chấn chỉnh tài xế, chủ xe rất nhiều lần. Thực sự mỗi lần vi phạm, hợp tác xã không sướng gì cả, phải làm đi làm lại biên bản giải trình.
Hơn nữa, xe chạy quá tốc độ bị "treo giò" thì chủ xe rất khổ. Xe giường nằm bên hợp tác xã hầu như các chủ xe đều phải đi vay tiền ngân hàng. Xe bị "treo giò" thì không có tiền nộp lãi ngân hàng.
* Có khi nào xe của hợp tác xã bị tước phù hiệu mà vẫn rước khách?
- Chúng tôi khẳng định những xe của hợp tác xã bị tước phù hiệu đều phải "treo giò" nằm ở nhà. Sau khi nộp lại phù hiệu, làm biên bản nhận lỗi và chấn chỉnh là có thể nộp đơn xin cấp lại phù hiệu.
Thông thường từ lúc bị thu hồi phù hiệu và xin cấp lại chỉ trong vòng một tuần.
* Căn cứ theo dữ liệu GPS, mỗi tháng xe vượt tốc độ quá 5 lần/1.000km sẽ bị tước phù hiệu. Tuy nhiên, dữ liệu xe vi phạm được Cục Đường bộ gửi địa phương có độ trễ từ 1-2 tháng và phải chờ địa phương rà soát, ra quyết định thu hồi.
Sự chậm trễ này làm cho một số xe hợp tác xã chồng chất vi phạm, có xe đến vài ngàn lần/tháng. Việc này có gây khó khăn gì cho hợp tác xã không?
- Thôi, càng chậm càng tốt, càng quên càng hay. Chứ mình đòi "treo giò" xe của mình sớm làm chi. Tháng 7 mình vi phạm mà tới tháng 9, cơ quan chức năng mới bắt lỗi mình, cấm chạy thì đỡ.
Trong thời gian chờ ra quyết định tước phù hiệu, xe vẫn chạy được, có tiền trả nợ ngân hàng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận