Việt Nam đã và đang kiên trì chọn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã và đang kiên trì chọn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế.
Bốn người trẻ sau đây không chỉ góp phần giữ biển bằng tình yêu Tổ quốc, mà còn bằng tính chính nghĩa và "vũ khí sắc bén": kiến thức luật pháp và an ninh quốc tế chuyên sâu.
Thấy vi phạm của HD-981, quyết tâm học luật biển
* Trở về từ Anh với bằng thạc sĩ luật quốc tế, cơ duyên nào đưa Minh Trang đến Tòa luật biển quốc tế, một trong những tòa được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)?
- Thạc sĩ PHẠM NGỌC MINH TRANG (31 tuổi, nghiên cứu Luật biển quốc tế - giảng viên Khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM): Năm 2014, khi cả nước sục sôi vì sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi quyết định tìm hiểu những vấn đề liên quan, chẳng hạn như có những cơ chế nào trong UNCLOS 1982 hay thông qua Liên Hiệp Quốc có thể giúp Việt Nam chấm dứt các hành vi hung hăng, bắt nạt của phía Trung Quốc hay không.
Trong lúc tìm kiếm thông tin, tôi vô tình thấy thông báo của Tòa luật biển quốc tế (ITLOS) đang tuyển người tham gia khóa tập huấn chủ đề giải quyết tranh chấp trên biển dài 9 tháng tại Đức. Đây là cơ hội lớn vì tôi sẽ được tiếp xúc và học việc trực tiếp với 21 vị thẩm phán của tòa luật biển.
Mỗi năm, ITLOS chỉ tuyển 8 người trên toàn thế giới, chia đều cho 4 châu lục. Ứng viên phải trong độ tuổi từ 25 đến 35. Lúc đó tôi vừa bước qua sinh nhật thứ 25 không lâu.
Trong đơn ứng tuyển, tôi đã trình bày về tình hình Biển Đông và trăn trở về việc có khoảng trống thế hệ trong giới nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam.
Bẵng đi một thời gian, tôi nhận được thông báo đã được chọn. Tôi nhớ lúc đó đã phải kiềm chế bản thân mình như thế nào, phải kìm nén lại cảm xúc vì đang... trong phòng gác thi (cười).
* 9 tháng tại Tòa luật biển quốc tế cho Trang những kỷ niệm nào sâu sắc nhất?
- Kết thúc khóa học, mỗi học viên được yêu cầu viết một báo cáo khoảng 30 trang về vấn đề mình quan tâm và trình bày, trả lời các câu hỏi phản biện của 21 thẩm phán của tòa luật biển, giống như đại diện của một quốc gia trong một vụ kiện quốc tế.
Tôi chọn chủ đề nếu một quốc gia không xuất hiện tại tòa án quốc tế trong một vụ kiện thì tòa án có thể tiếp tục hay không, và quốc gia còn lại nên làm gì. Chủ đề này lúc đó lại vô tình trùng với vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc.
Có một việc làm tôi nhớ đến bây giờ. Ông Cao Chí Quốc, thẩm phán người Trung Quốc của tòa ITLOS, khuyên tôi không nên làm về vấn đề tranh chấp Biển Đông nữa. Ông Cao nói tôi nên chuyển sang hướng vận tải hàng hải, và đưa cho tôi một lời đề nghị hấp dẫn rằng nếu tôi đồng ý ngừng làm về tranh chấp Biển Đông, ông ấy sẽ giới thiệu tôi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa - đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc. Dĩ nhiên tôi từ chối khéo vì đó không phải là hướng đi của tôi.
Minh Trang (giữa) thảo luận với những người bạn quốc tế
Tôi hi vọng lớp trẻ ngày nay khi nhìn về Biển Đông không chỉ bằng cảm xúc mà còn cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của đất nước.
PHẠM NGỌC MINH TRANG
Công cụ phản bác thông tin xuyên tạc của Trung Quốc
* Vì sao Thế Phương quyết định trở thành một trong những người trẻ ở Việt Nam nghiên cứu chiến lược quân sự, cụ thể là an ninh biển?
- Thạc sĩ NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (29 tuổi, nghiên cứu quân sự và quốc phòng ở Đức, Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH&NV TP.HCM): Trong lĩnh vực quân sự đối ngoại, những bài viết liên quan đến Việt Nam hầu hết do các học giả nước ngoài viết. Tôi nghĩ người Việt mới là người hiểu rõ vấn đề đó hơn người nước ngoài.
Tôi quyết định bước vào lĩnh vực này, không chỉ vì đó là sở thích, mà còn bởi tôi muốn sau này khi nhắc đến lĩnh vực an ninh biển hoặc quân sự của chúng ta, thế giới sẽ biết có chuyên gia Việt Nam có thể trao đổi cởi mở với họ.
Nhu cầu trao đổi trong học thuật là điều cơ bản. Các học giả nước ngoài cần thông tin từ chúng ta, và đó là cơ hội chúng ta có thể phổ biến các quan điểm của mình theo một cách gần gũi hơn với họ. Những trao đổi thường xuyên như vậy cho phép vẽ ra bức tranh toàn cảnh về một vấn đề, quan điểm của từng nước như thế nào và cả điểm mạnh, điểm yếu trong cách tiếp cận của Việt Nam.
Phần lớn các học giả nước ngoài đều có cảm tình với Việt Nam. Tôi có thể cảm nhận họ có sự hứng thú đối với vấn đề Biển Đông của chúng ta và muốn tìm hiểu thêm ở nhiều khía cạnh khác để có sự hiểu biết đầy đặn.
Trung Quốc rất cởi mở trong việc sử dụng các công cụ của phương Tây để phát tán quan điểm của họ, chẳng hạn như Twitter để liên tục phát các thông tin sai lệch về Việt Nam, vu cáo Việt Nam đang bí mật sử dụng lực lượng dân quân biển giả danh tàu cá để quấy rối các nước láng giềng, và là mối đe dọa của khu vực.
Tôi cùng tham gia với cộng đồng học giả Việt Nam để phản bác những thông tin xuyên tạc này, trong đó có một bài viết trên trang Sáng kiến minh bạch hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế.
Có học giả nước ngoài sau khi đọc bài đã nói với tôi rằng có khá ít bài phản biện chuyên sâu như vậy từ phía Việt Nam, và Trung Quốc đã luôn tận dụng điều này để xuyên tạc chúng ta.
Nếu Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia về quân sự, an ninh biển đông đảo hơn, tôi tin chúng ta sẽ có thêm công cụ mạnh mẽ hơn để phản bác lại Trung Quốc.
Thế Phương (phải) đoạt giải nhì cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2015 bằng bài viết thể hiện khát khao Việt Nam sẽ có một lực lượng học giả mạnh về Biển Đông
Giữ biển là một nhiệm vụ lớn, nhưng chúng ta có thể góp phần vào đó bằng những việc làm nhỏ, bằng các nhận thức đúng đắn về những gì Việt Nam đang làm.
NGUYỄN THẾ PHƯƠNG
Việt Nam cần tăng sức mạnh quốc gia
* Trong quá trình nghiên cứu ở nước ngoài, Di Lân đã rút ra được những gì có thể giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền Biển Đông?
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ NGÔ DI LÂN (26 tuổi, nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Mỹ, Đại học BRANDEIS, Mỹ): Tôi nghĩ sức mạnh quốc gia và luật pháp quốc tế đều quan trọng, đặc biệt đối với các nước nhỏ mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Do đó, mặc dù trong bối cảnh hiện tại Mỹ đang tập hợp các nước trên mặt trận pháp lý chung để chống lại hành vi bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam cần củng cố sức mạnh quốc gia, tăng cường tiếng nói và điều chỉnh một số chỗ để cho thấy sự chính nghĩa trong vấn đề Biển Đông.
* Lân có thể tiết lộ những điểm chính luận án tiến sĩ về Biển Đông đang thực hiện?
- Luận án tôi đang làm về phản ứng của các nước khi bị mất lãnh thổ ở mức độ hạn chế. Trung Quốc đã ngang ngược sử dụng vũ lực chiếm một số lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông và khả năng họ sẽ không ngần ngại lặp lại điều này trong tương lai. Tuy nhiên, thay vì phát động chiến tranh, họ sẽ sử dụng chiến thuật “sự đã rồi”.
Luật pháp đóng vai trò bổ trợ, trong trường hợp một quốc gia có được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, chứng minh được sự chính nghĩa và đúng đắn thì sẽ phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn âm mưu thiết lập “sự đã rồi” ở Biển Đông của Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh liên tục bắt nạt các nước khác, chúng ta là nước luôn kêu gọi thượng tôn luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đó cũng là căn cứ để chúng ta giải thích và bảo vệ những thứ thuộc về mình.
* Qua quá trình nghiên cứu, Kim Nguyên nghĩ Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn các yêu sách vô lý của Trung Quốc?
- Thạc sĩ TRẦN THỊ KIM NGUYÊN (26 tuổi, thạc sĩ Luật biển quốc tế - nhân viên Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam): Tôi tin luật pháp là chìa khóa để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc phớt lờ và hung hăng với các nước khác là do họ tìm được kẽ hở trong luật quốc tế để lách. Tuy nhiên, luật quốc tế hiện tại quá cứng nhắc và chưa cập nhật, nên không xem chiến thuật vùng xám của Trung Quốc là đe dọa sử dụng vũ lực.
Tôi nghĩ Việt Nam có thể thay đổi được điều này khi chủ động tham gia vào các tòa án, tòa trọng tài quốc tế. Ví dụ chúng ta có thể đề cử thẩm phán cho tòa ITLOS. Trung Quốc đã có ba thẩm phán tại tòa này và họ đang muốn tiếp tục duy trì sự hiện diện liên tục khi vận động các nước bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc.
Di Lân
Kỳ vọng mạng lưới học giả Việt Nam mạnh
* Những trăn trở và kỳ vọng khi theo đuổi con đường nghiên cứu Biển Đông của các bạn là gì?
- MINH TRANG: Lớp trẻ của Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Ví dụ như môn Luật biển do tôi phụ trách ở trường, dù là môn tự chọn nhưng có trên 80% sinh viên đăng ký theo học.
Tôi thường chọn ra một nhóm nhỏ những sinh viên có đam mê nhất, hướng dẫn các em tìm hiểu và nghiên cứu sâu thêm. Tôi hi vọng chúng ta sẽ có những cơ chế khuyến khích người trẻ theo đuổi nghiên cứu Biển Đông và giúp các em vững tâm lâu dài.
- THẾ PHƯƠNG: Chúng ta không nhiều nguồn lực bằng Trung Quốc, nhưng tôi tin chúng ta vẫn “đấu” được với họ về mặt học thuật trong vấn đề Biển Đông nếu đầu tư thông minh. Cá nhân tôi thấy nhóm học giả cho vấn đề này vẫn còn mỏng, rải rác và có phần tự phát, thiếu sự liên kết, nên tôi thực sự hi vọng chúng ta sẽ có một mạng lưới các học giả mạnh về Biển Đông từ Bắc vào Nam.
- DI LÂN: Những người trẻ Việt Nam đều biết chúng ta đang đấu tranh với Trung Quốc, nhưng đa số hiểu biết vẫn còn hạn chế. Điều này tôi nghĩ là do chưa được thông tin đầy đủ. Người Việt Nam chúng ta đều thấm nhuần câu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, nhưng đây chỉ là khẩu hiệu và tôi nghĩ chúng ta đừng nên để nó chỉ mãi là khẩu hiệu.
Chúng ta nên trang bị cho các bạn trẻ “vũ khí” là những kiến thức ngắn gọn nhưng đầy đủ để chứng minh khẩu hiệu này, chẳng hạn in các tờ rơi trình bày các luận điểm vì sao nói hai quần đảo này là của chúng ta. Các bạn trẻ khi ra nước ngoài với những tờ rơi “bỏ túi” này dư sức phản bác trực tiếp lại các luận điệu xuyên tạc về chủ quyền Biển Đông ở nước ngoài.
Thạc sĩ Trần Thị Kim Nguyên
* Các bạn kỳ vọng gì?
- MINH TRANG: Tôi vẫn tiếp tục công việc giảng viên và tập hợp những người trẻ thực sự đam mê với Biển Đông làm nghiên cứu chuyên sâu về luật biển, đủ sức “đem chiêng đi đánh xứ người” trong các hội thảo quốc tế. Tôi hi vọng điều đó có thể giúp nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam trong tương lai có sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bị gián đoạn như hiện tại.
- THẾ PHƯƠNG: Hi vọng trong 5 năm nữa sau khi làm xong nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài, tôi có thể về nước xây dựng một trung tâm nghiên cứu chiến lược Biển Đông ở miền Nam để liên kết những học giả trẻ, nhiệt huyết với Biển Đông. Các bạn trẻ cần một môi trường để phát triển và tôi hi vọng từ trung tâm này có thể cho ra các ấn phẩm quốc tế cố định về Biển Đông.
- DI LÂN: Tôi vẫn để ngỏ mọi khả năng cho tương lai và xác định nghiên cứu quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, là đam mê. Việc nghiên cứu đòi hỏi một quá trình dài mới ra được kết quả thực chất vì có vài yếu tố có thể chi phối như mức độ tài liệu tiếp cận được. Trong thời gian đó, có thể tôi sẽ đi dạy và tiếp tục viết bài tương tự như các bài viết của tôi trên tạp chí The Diplomat hay Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ.
- KIM NGUYÊN: Tôi đang ấp ủ giấc mơ làm luận văn tiến sĩ ở Hà Lan - ngôi nhà của công lý quốc tế. Tôi dự định sau khi học xong sẽ xin vào làm tại ban thư ký của các tòa quốc tế ở The Hague, vừa để học hỏi kinh nghiệm vừa thử thách bản thân trước khi về nước tiếp tục việc nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận