Sau khi hấp xong, bê nguyên con cua ngon lành ra, vợ chồng hí hửng với cu cậu: “Bữa nay Nghé ăn thịt cua nghe!”. Mới đưa tay định “làm thịt” con cua thì cu cậu hét lên: “Không, không! Con không ăn thịt bạn cua đâu!” rồi kéo cái tô vào lòng, kiên quyết không cho đụng tới. Tôi giật mình “đốn ngộ”, bảo bà xã: “Thôi để cho nó chơi”. Tối, cu cậu bê luôn cả bạn cua vô mùng ngủ.
Hôm sau, nhân cu cậu đi học, tôi lén mần thịt bạn cua. Cu cậu đi học về, vừa vào trong nhà đã chạy tìm bạn cua ngay, rồi mếu máo. Tôi phịa: “Hay là hồi hôm Nghé ngủ, chuột đã ăn cắp bạn cua rồi? Để ba tìm thử coi...”. Tôi hì hục lục sọt rác lấy ra cái mai. Cu con thút thít: “Càng đâu mất rồi?”. Thế là phải hì hụi nhặt lại hết càng, rửa sạch, dùng cục đất sét nặn đồ chơi làm thân cua, gắn lại mai, chân cẳng. “Cua sống lại rồi,” tôi dụ. Cu cậu sáng mắt lên, nhưng vẫn lộ vẻ hoài nghi.
Tôi băn khoăn liệu mình nói dối con trẻ như vậy có đúng không? Nhớ tết năm rồi, cu cậu cũng đã khóc sướt mướt khi người lớn mần thịt hai “bạn” cá lóc. Tôi nhận thấy hình như trước giờ mình chưa quan tâm mấy đến cái “tâm vốn thiện” của con trẻ.
Mấy tháng trước, anh bạn là Việt kiều Mỹ kể câu chuyện đang làm việc thì thấy có ba, bốn đứa nhỏ hớt hải chạy đến báo có một con chim bị gãy cánh, nhờ anh trợ giúp. Anh hướng dẫn bọn trẻ băng bó cánh con chim lại và đưa điện thoại để báo với nhân viên cứu hộ động vật hoang dã. Anh cười: “Nếu như gặp tụi mình trước đây thì đã nhổ lông nó nướng rồi!”.
Ở VN chúng ta, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và chương trình giáo dục chỉ quan tâm làm sao nhồi vào đầu con trẻ thật nhiều kiến thức, còn chuyện nuôi dưỡng những mầm yêu thương, nhân ái với đồng loại, với động vật, có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên... thì bỏ mặc, không quan tâm trái tim trong sáng của bọn nhỏ cần vun đắp, bồi bổ gì. Vậy thì tại sao lại kinh ngạc trước những hành động nhẫn tâm, những vụ án “máu lạnh” được đăng tải thường xuyên trên báo chí?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận