Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt?Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2
Phóng to |
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN khảo sát nơi bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Ảnh: Tấn Vũ |
Trước đó, sáng 20-3, hàng loạt chuyên gia đầu ngành về thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do ông Trần Văn Được, phó tổng giám đốc EVN, dẫn đầu đã tức tốc từ Hà Nội vào Quảng Nam để thị sát công trình thủy điện Sông Tranh 2 và họp khẩn cấp tại ban điều hành nhà máy gần bờ đập nhằm tìm phương án khắc phục.
Sau khi kiểm tra hàng loạt vết rò rỉ nước và nhìn lượng nước chảy từ nhiều vị trí khác nhau trên thân đập, đoàn chuyên gia đã đi thẳng vào trong thân đập theo một đường hầm để kiểm tra các kết cấu bêtông bên trong. Buổi kiểm tra kéo dài khoảng 30 phút trước khi cuộc họp bắt đầu.
Theo ông Trần Văn Được, hiện chủ đầu tư đang cho xử lý bằng cách khoan thu gom nước về hành lang thu nước. Trong khi đó bên ngoài bờ đập vẫn tìm cách giảm tối đa lượng nước rò rỉ.
“Chúng tôi đang cho kiểm tra tất cả hố thu nước xuống hành lang có bị tắc nghẽn hay không. Nếu tắc thì phải thông, nếu không tắc chúng tôi phải xử lý bổ sung. Chúng tôi khẳng định lượng nước tràn qua vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng dù sao đơn vị thi công vẫn cho xử lý khoan, phụt để giảm thiểu tối đa lượng nước rò rỉ” - ông Được nói.
Khi được hỏi “theo các chuyên gia thì đường hành lang thu nước phải nằm ở vị trí 1/3 phía trên bờ đập, còn 2/3 thân đập phía dưới phải đảm bảo khô ráo, nhưng thủy điện Sông Tranh 2 thì đang bị tuôn nước, liệu có vấn đề gì ở đây không?”, ông Được trả lời: “Cái đó chúng tôi sẽ nghiên cứu sau! Cái đó chưa rõ trong thiết kế, cần phải xem rõ trong sơ đồ”.
Khi được hỏi các khe nhiệt đều được lắp các van omega để ngăn nước nhưng tại sao nước vẫn tràn trong trường hợp này, ông Được cho hay trong con đập này vẫn có những van Omega như vậy: “Đấy là vấn đề thi công. Sau này thi công sẽ áp dụng các vấn đề cần thiết để xử lý”.
Về thông tin phản ánh trên báo chí, ông Được cho rằng: “Vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về kỹ thuật nên nếu báo chí đưa lên hết thì phản tác dụng! Chúng tôi sẽ bàn kỹ các phương án và trao đổi với báo chí sau. Chúng tôi khẳng định không có vấn đề nhưng vẫn tìm phương án xử lý... Bước 1, chúng tôi vẫn phải khoan xử lý nước thấm gom về hành lang, nhưng nếu không được thì tiếp theo bước 2 là phun phụt bêtông áp lực chống thấm thêm”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, khẳng định việc rò rỉ nước là chuyện bình thường. Ông Hải không tiết lộ nội dung cuộc họp về cách xử lý đập của các chuyên gia. Khi được hỏi tại sao các khe nhiệt lại có dạng nứt kiểu chân chim với dấu vết rất mới, mà không thẳng theo ý đồ nhà thiết kế, ông Hải cho rằng: “Chúng tôi chưa biết nó là cái gì cả, bây giờ chúng tôi chỉ biết nó như thế. Công trình vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chúng tôi làm để công trình tốt hơn lên. Hàng loạt công trình cũng thấm lưu lượng cỡ như thế này là bình thường”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết đã trao đổi với lãnh đạo EVN về các vấn đề kỹ thuật liên quan và EVN hứa sẽ kiểm tra lại vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận