24/02/2024 10:42 GMT+7

Bộ Văn hóa phản hồi việc địa phương xây cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời ý kiến cử tri tỉnh Đồng Nai, trong đó nêu tại một số địa phương kinh phí xây dựng cổng chào, tượng đài, các bức phù điêu rất lớn.

Một cổng chào có sai phạm, từng bị yêu cầu tháo dỡ ở TP Kon Tum mà báo Tuổi Trẻ phản ánh năm 2022 - Ảnh: TRẦN VẤN

Một cổng chào có sai phạm, từng bị yêu cầu tháo dỡ ở TP Kon Tum mà báo Tuổi Trẻ phản ánh năm 2022 - Ảnh: TRẦN VẤN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai gửi đến trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Có tình trạng xây dựng tượng đài không có quy hoạch, đặt không đúng vị trí

Theo đó, cử tri kiến nghị xem lại phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Hiện nay kinh phí vẫn chi cho phong trào này rất nhiều.

Trong khi đó, các trận lũ lụt, cơ sở vật chất trường học nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa xuống cấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tại một số địa phương kinh phí xây dựng các công trình cổng chào, tượng đài, các bức phù điêu rất lớn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay việc thi đua, xây dựng gia đình văn hóa trên cả nước nhằm mục tiêu động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước.

Cùng với đó là đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng.

Theo lãnh đạo bộ, kinh phí cho hoạt động thi đua đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và do UBND tỉnh, thành phố cân đối, bảo đảm theo tình hình thực tế tại địa phương.

Với việc xây dựng các công trình mỹ thuật (tượng đài, tranh hoành tráng) để ghi dấu ấn lịch sử, các sự kiện chính trị, văn hóa, bộ cho rằng góp phần tích cực vào việc giáo dục văn hóa truyền thống và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân là có cơ sở.

Đồng thời, nhu cầu làm đẹp không gian kiến trúc đô thị bằng công trình mỹ thuật trong quá trình đô thị hóa là nhu cầu tự thân của một xã hội phát triển.

Theo lãnh đạo bộ, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành nghị định 113/2013 về hoạt động mỹ thuật, trong đó có quy định rõ về cơ quan quản lý mỹ thuật, kinh phí mỹ thuật trong các công trình văn hóa, thể thao và du lịch... thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Sau khi nghị định được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-12-2013, bộ thông tin, rất ít tỉnh/thành phố triển khai nhiệm vụ quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng tại địa bàn cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng xây dựng tượng đài không có quy hoạch, đặt không đúng vị trí, không phù hợp với cảnh quan môi trường... diễn ra ở một số địa phương.

Căn cứ các quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn, báo cáo của các địa phương về kết quả 10 năm triển khai thực hiện nghị định 113 và tổng hợp, rà soát các nội dung hướng dẫn quy định chi tiết về công trình mỹ thuật ngoài trời, bộ đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất, sửa đổi nghị định này.

Hiện tại đang gửi xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan và nhân dân, dự kiến trình Chính phủ vào quý 3-2024.

Xử lý linh vật ngoại lai, hiện vật lạ ở di tích

Cử tri tỉnh Lâm Đồng nêu việc tổ chức lễ hội truyền thống, hiện chưa có quy định, hướng dẫn về hoạt động giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.

Cũng như quy định, hướng dẫn không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam vào các khu di tích, thờ tự... Do đó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, cử tri đề xuất bộ xem xét, ban hành các quy định cụ thể với hoạt động trên.

Trả lời việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã quy định cụ thể về hoạt động tổ chức, giới thiệu lễ hội, trách nhiệm các đơn vị.

Trong đó, quy định UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển.

Với các lễ hội tổ chức tại các di tích lịch sử - văn hóa phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh theo quy định.

Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan phối hợp quản lý, tổ chức, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Cử tri nói kinh tế đêm Đồ Sơn yếu, Bộ Văn hóa: Hải Phòng cần chủ động nghiên cứuCử tri nói kinh tế đêm Đồ Sơn yếu, Bộ Văn hóa: Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời ý kiến của cử tri TP Hải Phòng phản ánh kinh tế đêm ở các khu du lịch, trong đó có Đồ Sơn, còn yếu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên