20/06/2017 18:32 GMT+7

​Bộ Văn hoá kêu gọi cán bộ mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch khẳng định không ép buộc cán bộ, công chức trong bộ phải mua vé xem các chương trình “nghệ thuật đỉnh cao” tại Nhà hát lớn Hà Nội mà chỉ vận động trên tinh thần tự nguyện.

Tiết mục chùm sáo các dân tộc VN được biểu diễn chiều 10-5-2017 tại Nhà hát lớn Hà Nội để phục vụ tour du lịch thử nghiệm tham quan Nhà hát lớn - Ảnh: V.V.TUÂN
Tiết mục chùm sáo các dân tộc VN được biểu diễn chiều 10-5-2017 tại Nhà hát lớn Hà Nội để phục vụ tour du lịch thử nghiệm tham quan Nhà hát lớn - Ảnh: V.V.TUÂN

Chiều 20-6, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch họp báo thường kỳ quý 2, năm 2017.

 Tại cuộc họp nhiều vấn đề được báo chí quan tâm chất vấn như: việc thu phí bản quyền âm nhạc, xử lý vụ việc liên quan đến văn bản đề nghị xử lý phát ngôn về Sơn Trà, có hay không việc Bộ “ép” cán bộ mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát lớn Hà Nội...

Vận động cán bộ mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao

Ông Nguyễn Thái Bình, chánh Văn phòng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch khẳng định các chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát lớn Hà Nội là chủ trương lớn của Bộ.

Hiện tại, Bộ vẫn đang tập trung nỗ lực bán vé cho các chương trình này để tạo thói quen cho khán giả có nhu cầu đi xem thì bỏ tiền mua vé.

Tuy nhiên, việc bán vé cho công chúng còn rất khó khăn. “Nhưng khó khăn là cái để chúng tôi quyết tâm để thực hiện bằng được chủ trương này. Bộ đã có nhiều giải pháp cụ thể như kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp mua vé...”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

Phóng viên một số báo đã đặt câu hỏi có hay không việc Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu những người đang làm việc tại đây phải mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao?

Ông Bình giải thích: “Chúng tôi có vận động cán bộ, công chức với quan điểm là phải thương yêu nhau, có nghĩa là cùng san sẻ các hoạt động của Bộ. Chúng tôi hoàn toàn không ép buộc mà trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi vận động công chức đi xem chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát lớn để ủng hộ anh chị em diễn viên... Trước khi người bên ngoài thương thì chúng tôi tự thương đến nhau”.

Ông Bình cũng giải thích đây không phải là sự thương hại các nghệ sĩ mà là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, bởi thực hiện các chương trình nghệ thuật đỉnh cao đều là các anh em nghệ sĩ tâm huyết.

Ông kể sau một đêm diễn chèo tại Nhà hát lớn, một số nghệ sĩ đã chia sẻ rằng thông thường thù lao cho mỗi đêm diễn chỉ được 200.000 đồng, nhưng diễn ở Nhà hát lớn lần đầu tiên các nghệ sĩ được thù lao 500.000 đồng.

“Đây là ủng hộ trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc. Bản thân tôi cũng gọi điện đến một số nơi để vận động”, ôn Bình khẳng định.

Ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nói rằng đơn vị này cũng không ép buộc cán bộ, công chức phải mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao mà chỉ vận động sự ủng hộ, ai có điều kiện thì mua vé.

Chỉ được thu phí âm nhạc khi có uỷ quyền

Tại cuộc họp báo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục phó Cục Bản quyền tác giả khẳng định, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) chỉ được thu phí âm nhạc khi có uỷ quyền.

Sau cuộc họp báo, bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện Sau đã gửi lời chúc mừng đến các phóng viên nhân ngày báo chí cách mạng VN - Ảnh: V.V.TUÂN
Sau cuộc họp báo, bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi lời chúc mừng đến các phóng viên nhân ngày báo chí cách mạng VN - Ảnh: V.V.TUÂN

Bà Oanh cho biết trong thực tế, khi triển khai các quy định của pháp luật, VCPMC đang đại diện cho các nhạc sĩ, các chủ sở hữu quyền có uỷ quyền cho trung tâm đứng ra để đàm phán thu phí âm nhạc.

Vì vậy, VCPMC phải đảm bảo thu phí âm nhạc theo uỷ quyền (chỉ thu với những cá nhân, tổ chức đã uỷ quyền cho VCPMC – PV) và việc này phải được thực hiện công khai, minh bạch.

“Theo đúng nguyên tắc là VCPMC phải làm theo những gì đã được uỷ quyền. Nếu cá nhân, tổ chức nào phát hiện vi phạm có thể gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và chúng tôi sẽ xem xét trên từng trường hợp cụ thể”, bà Oanh trả lời câu hỏi của báo chí về việc lâu nay VCPMC vẫn thu phí âm nhạc theo hình thức “trọn gói” (bao gồm cả các tác giả đã uỷ quyền và chưa uỷ quyền cho VCPMC) thì có đang làm sai luật hay không?

Đáp lại ý kiến của ông Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC trả lời trên báo chí rằng nếu khi thu phí âm nhạc phải trình uỷ quyền thì không thể mang xe tải đi chở theo giấy uỷ quyền được, bà Oanh khẳng định phải thực hiện theo các quy định của pháp luật là chỉ thu tiền bản quyền với những trường hợp đã được uỷ quyền.

“Tuy nhiên trong thực tế, cần phải linh hoạt sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Phải mang cả xe tải để chở giấy tờ uỷ quyền đó cũng là khó khăn. Nhưng để công khai minh bạch việc này thì VCPMC phải công khai danh sách các tác giả đã uỷ quyền cho VCPMC trên website để các bên khai thác đều được biết. VCPMC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết và hành vi của đơn vị mình”, bà Oanh nói. 

Liên quan đến việc kiểm điểm các cá nhân liên quan đến văn bản đề nghị xử lý phát ngôn về Sơn Trà, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định Bộ đã lập đoàn kiểm tra rà soát lại quy trình triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến vụ việc này.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên