Các nghệ sĩ Nhà hát chèo Việt Nam nỗ lực tập luyện chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực cho đêm diễn 1-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội- Ảnh: ĐỨC TRIẾT |
Kế hoạch này được triển khai sau khi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo giao ban giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình hay nhất trong khả năng và đưa vào diễn tại Nhà hát lớn, trong cuộc họp sơ kết công tác ngành sáu tháng đầu năm 2016.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng, từ tháng 9 đến hết năm nay nhà hát sẽ tự bỏ kinh phí hỗ trợ, miễn phí tiền thuê địa điểm cho 20 buổi biểu diễn của 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc bộ.
Sang năm 2017, Bộ VH-TT&DL sẽ hỗ trợ kinh phí để nhà hát miễn phí tiền thuê cho 100 buổi biểu diễn tiếp theo.
Một giấc mơ
Ba đơn vị sẽ mở màn cuộc “chơi sang” này là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với Bản giao hưởng mùa thu I (ngày 30-8), Nhà hát kịch Việt Nam với vở kịch Biệt đội báo đen (31-8) và Nhà hát chèo Việt Nam với chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực (1-9).
Tiếp sau đó là Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB).
Với 18 suất diễn trong bốn tháng cuối năm: 9, 10, 11, 12, các nhà hát đều chuẩn bị “khoe” những tác phẩm chất lượng nhất của mình theo tiêu chí: được giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc hoặc đã có sức lan tỏa lớn trong công chúng, chẳng hạn như vở cải lương Vua thánh triều Lê; vở chèo cổ Súy Vân; vở tuồng cổ Nghêu, Sò, Ốc, Hến; ballet cổ điển Kẹp hạt dẻ; vở rối cạn Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh; các vở kịch Công lý không gục ngã, Hamlet, Ai là thủ phạm...
Ai cũng ra sức tập luyện để được “cháy” hết mình trên thánh đường nghệ thuật mà với nhiều nghệ sĩ - nhất là nghệ sĩ sân khấu truyền thống - trong hơn 10 năm qua là cả... giấc mơ!
“Chúng tôi có được đôi ba lần biểu diễn ở sân khấu Nhà hát lớn nhưng là để phục vụ các kỳ liên hoan, lễ kỷ niệm. Còn để diễn định kỳ và bán vé thì chưa khi nào” - nghệ sĩ Thế Long, Nhà hát múa rối Việt Nam, nói.
Ông Trương Nhuận - giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - cho rằng được biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội như là một “chứng chỉ” đảm bảo về chất lượng của mỗi chương trình, vở diễn. Vậy nên nó tạo “cú hích” để các nhà hát đầu tư hơn cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
“Đây cũng nên xem là cuộc “thi đua” lành mạnh của các đơn vị chứ không nên cào bằng. Mỗi nhà hát đều thấy trách nhiệm của mình trước “thánh đường nghệ thuật”. Nếu nhà hát nào lơ là sẽ tự bị “hụt hơi” và cần loại khỏi cuộc đua” - ông Trương Nhuận nhấn mạnh.
Cơ hội được tỏa sáng
Riêng với VNOB - đơn vị đã hơn 50 năm phải thuê Nhà hát lớn để diễn, đây thật sự là niềm vui lớn. Nhất là trong dăm năm trở lại đây, giá thành thuê tăng từ 10-15 triệu lên đến 35-40 triệu đồng đã khiến VNOB phải dè sẻn các buổi biểu diễn - một quý diễn đôi ba lần dù năng lực có thừa.
Thế nên NSND Phạm Anh Phương - giám đốc VNOB - hi vọng: “Không phải lo nhiều về tiền bạc, các nghệ sĩ VNOB có thêm cơ hội được tỏa sáng. Từ đây, nhiều vở ballet, opera sẽ được giới thiệu đến công chúng thường xuyên hơn, chất lượng hơn”.
NSND Hoàng Quỳnh Mai - phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam - nhắc nhớ: “Hồi cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, gần như tuần nào chúng tôi cũng có đôi ba suất diễn ở Nhà hát lớn. Thế nhưng bẵng đi đến giờ, gần 20 năm qua chúng tôi không thể tự đặt chân vào Nhà hát lớn để biểu diễn vì nói thật là không có kinh phí để thuê. Dịp này là cơ hội lớn đối với chúng tôi, nhất là các nghệ sĩ trẻ”.
Cơ hội của các nghệ sĩ cũng chính là cơ hội của đông đảo khán giả cùng du khách trong và ngoài nước những tháng cuối năm này.
Nhà hát TP.HCM: nhiều đoàn không “trụ” được tại nhà hát Cũng là “thánh đường nghệ thuật”, là điểm diễn đáng mơ ước của các đoàn nghệ thuật phía Nam, Nhà hát TP (trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM) lâu nay cũng chỉ duy trì được các buổi trình diễn định kỳ hằng tháng có bán vé của hai đơn vị là Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) và các chương trình thuộc Công ty Làng phố theo hình thức xã hội hóa. Ông Lê Hữu Luân - giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM - cho biết: “Lâu nay chúng tôi vẫn ưu tiên các suất diễn cho các đoàn nghệ thuật nhà nước, đặc biệt là các đoàn nghệ thuật dân tộc. Năm 2013 và 2014, chúng tôi có dành hẳn ngày 15 hằng tháng cho các chương trình của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, nhưng đoàn không trụ được nên tạm ngưng. Tương tự, chúng tôi cũng đã dành các suất diễn cho Nhà hát nghệ thuật hát bội, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... nhưng tiếc là các đoàn cũng không trụ được. Nếu chương trình không bán vé được thì có hỗ trợ hết sức, các đoàn cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn rồi thôi vì không đủ sở hụi trả tiền điện, nước, chi phí sản xuất, tổ chức, biểu diễn... Trong các đoàn nghệ thuật nhà nước, hiện chỉ có HBSO trụ được từ đó đến nay. Từ mỗi tháng một suất diễn vào ngày 9 hằng tháng, nay HBSO đã có đến ba suất diễn (9, 19 và 29) mỗi tháng. Mừng là các suất diễn đều kín khán giả”. Được biết, các suất diễn của HBSO đều thuê nhà hát với giá ưu đãi giảm 50% so với giá cho các đơn vị bên ngoài thuê (40 - 50 triệu đồng/chương trình). Bên cạnh đó, phối hợp cùng Công ty Làng phố, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM cũng đưa vào biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát TP 200 suất diễn/năm cho các vở khá ăn khách thời gian qua như Sương sớm, Làng tôi, À ố show... (chủ yếu phục vụ khách du lịch). Q.N. |
Tự lo kinh phí biểu diễn Được hỗ trợ về địa điểm biểu diễn là Nhà hát lớn Hà Nội, song tất cả các nhà hát đều phải tìm nguồn tài trợ, bán vé (trước mắt là 50% bán vé, 50% giấy mời) để tự lo kinh phí biểu diễn. Theo giám đốc các nhà hát, đây là việc không dễ, nhất là với sân khấu truyền thống, nhạc giao hưởng, vũ kịch, nhưng cần phải làm để các nhà hát bỏ dần nếp chỉ biết dựa dẫm vào “bầu sữa” ngân sách. “Chúng tôi đang bắt đầu tuyên truyền, quảng bá chương trình của nhà hát để tìm nguồn hỗ trợ cũng như bán vé. Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi tin là sẽ làm tốt việc này” - bà Ngô Thanh Thủy, giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam, cho biết. |
“Có chương trình chất lượng, có nơi biểu diễn, có khán giả, chúng ta cứ làm dần dần để phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Đó là việc cần quan tâm trong sáu tháng tới. Dần dần mới có thể đưa công chúng đến với nghệ thuật Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận