Tiết mục chùm sáo các dân tộc VN được biểu diễn chiều 10-5 tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: V.V.TUÂN |
So sánh với nhiều công trình châu Âu, châu Á thì Nhà hát lớn Hà Nội là một tuyệt tác về nghệ thuật. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức nghệ thuật mà còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc... của nhà hát. Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai tour du lịch đến Nhà hát lớn từ tháng 6-2017 |
Ông Nguyễn Quý Phương - vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch) |
Để thực hiện chủ trương này, chiều 10-5, Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và ban quản lý Nhà hát lớn Hà Nội tổ chức cho các doanh nghiệp, báo chí khảo sát và đóng góp ý kiến cho các sản phẩm du lịch tại đây.
Hai loại hình du lịch
Theo đề cương xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ du khách của ban quản lý Nhà hát lớn Hà Nội, qua gần 20 năm hoạt động, ngoài việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà hát đã đón tiếp, phục vụ và giới thiệu lịch sử, kiến trúc của địa danh này cho hàng trăm đoàn khách nước ngoài.
Tuy nhiên vì chưa được truyền thông, quảng bá bài bản nên chủ yếu khách tự tìm đến. Vì vậy, Nhà hát lớn cũng đã khảo sát các đối tượng khách đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại đây để thiết kế hai loại hình sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Sản phẩm thứ nhất là tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật.
Du khách được đón tiếp tại sảnh sau đó được đưa lên tầng 2 trải nghiệm lô VIP, được đón tiếp trong phòng Gương thưởng trà, được giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và những vết tích của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Sau đó khách sẽ lên tầng 3 tham quan không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh và hiện vật gắn với quá trình xây dựng Nhà hát lớn.
Du khách được tiếp cận rất gần với các hoa văn, họa tiết và mái vòm của khán phòng, được quan sát toàn bộ không gian sân khấu nhìn từ trên cao. Khi tham quan xong, du khách xuống tầng 1 xem chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống VN.
Trước khi ra về khách có thể mua sắm các sản phẩm lưu niệm. Với sản phẩm du lịch này, ban tổ chức sẽ giới hạn khoảng 250 khách/buổi với thời lượng khoảng 1 giờ 30 phút.
Nhà hát lớn dự kiến mở cửa hai buổi mỗi tuần để phục vụ du khách tham gia tour này với giá vé 400.000 đồng/người.
Sản phẩm du lịch thứ hai là du khách chỉ tham quan Nhà hát lớn dành cho khách chỉ muốn vào nhà hát để chụp ảnh và tìm hiểu kiến trúc, lịch sử.
Tham gia tour này, khách được tham quan toàn bộ nhà hát và tương tác với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu nhỏ phòng Gương.
Ban tổ chức dự kiến sẽ mở cửa tour này vào 9h, 10h30, 14h các ngày thứ ba, thứ tư, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần với giá vé 120.000 đồng/người.
“So sánh với nhiều công trình châu Âu, châu Á thì Nhà hát lớn Hà Nội là một tuyệt tác về nghệ thuật. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức nghệ thuật mà còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... của nhà hát.
Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai tour du lịch đến Nhà hát lớn từ tháng 6-2017” - ông Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), bày tỏ lạc quan.
Chương trình chưa hấp dẫn
Tại buổi tọa đàm xây dựng sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra sau chuyến khảo sát, nhiều công ty lữ hành thẳng thắn chỉ ra những điểm chưa hợp lý cần khắc phục khi mở các tour du lịch đến đây.
Bà Trương Thị Thảo - giám đốc Công ty du lịch Tia Sáng Mekong - cho rằng gói sản phẩm du lịch tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật chỉ mở hai ngày mỗi tuần là không hợp lý vì như vậy các công ty lữ hành rất khó sắp xếp thời gian.
Thời gian bắt đầu xem nghệ thuật từ 10h15 cũng không thích hợp bởi các hoạt động trong nhà nên đưa vào buổi chiều hoặc khoảng 11h trước khi khách ăn trưa. Bà Thảo cũng nhận định giá vé cho tour này chỉ nên giảm xuống còn từ 200.000 - 250.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên (Công ty lữ hành Hanoitourist) đề xuất nên miễn phí hoặc thu vé rất thấp trong thời gian đầu khi mở tour.
“Tôi xem chương trình nghệ thuật cũng thấy vui tai, vui mắt. Nhưng tôi xin nói thẳng, đó chỉ là những món ăn buffet không có chủ đề. Tôi chưa tìm được nét hồn Việt mà ban tổ chức muốn thể hiện qua những chương trình đó là gì.
Để cuốn hút du khách đến Nhà hát lớn thì phải tính toán thị trường trọng điểm để có những chương trình nghệ thuật phù hợp” - ông Nguyên thẳng thắn.
Bà Nghiêm Hà (Công ty lữ hành Threeland Travel) cũng đồng tình rằng giá vé mà ban tổ chức dự tính là quá cao và chương trình biểu diễn chưa đủ sức hấp dẫn.
“Nếu không có những chương trình nghệ thuật đặc sắc thì sẽ rất khó khăn khi chào mời du khách” - bà Hà góp ý.
“Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật ở VN thường được nhiều du khách nước ngoài quan tâm.
Nhưng lại có rất ít các tour đưa khách đến xem tuồng, chèo bởi sự chuyển tải phần nào khó hiểu với khách nước ngoài nhưng cũng bởi âm thanh, ánh sáng chưa thực sự đủ hấp dẫn du khách” - ông Nguyễn Tiến Quang, Công ty lữ hành Exo Travel, chia sẻ.
Kết thúc tọa đàm, ông Hà Văn Siêu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp thiết thực của doanh nghiệp và báo chí.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ ưu tiên đối tượng khách nước ngoài để quảng bá văn hóa VN. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ cho nhà hát, công ty lữ hành xây dựng tuyến khảo sát, xây dựng tour và quảng bá. Tôi tin rằng chương trình nghệ thuật ở Nhà hát lớn sẽ sống được, thu hút được khách du lịch”.
Chiều 10-5, đoàn đã khảo sát nhiều tuyến phố cổ Hà Nội bằng xe điện như phố Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Mã Mây... và Bảo tàng Lịch sử VN. Tại Nhà hát lớn, đoàn khảo sát đã xem nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống VN như: hòa tấu dàn nhạc Duyên dáng VN, trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội, múa Hứng dừa, múa rối Vũ điệu chim công, múa hát chầu văn Cô bé Đông Cuông... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận