Sáng 15-11, tại buổi sơ kết 5 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều yêu cầu đặc biệt.
Theo đó, bà Tiến cho biết ban đầu Bộ Y tế dự định triển khai đề án ở 5 chuyên khoa đang quá tải nhất gồm chấn thương chỉnh hình, sản, nhi... Tuy nhiên, sau 5 năm, đã có 23 bệnh viện được xếp làm bệnh viện hạt nhân, 127 bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện ở tuyến huyện, ở vùng sâu vùng xa cũng đã vươn lên để làm bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện tuyến trên, thay vì chỉ triển khai đến tuyến tỉnh như dự kiến ban đầu.
"Sau này bệnh nhân sởi nhẹ, bệnh nhân cúm, thay băng thay nẹp, phụ hồi chức năng... là chuyển về các bệnh viện tuyến cơ sở, bệnh viện trung ương bớt số lượng khám đi, tập trung vào kỹ thuật cao.
Tôi vào TP.HCM thấy Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khám 8.000 bệnh nhân/ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai đều khám 5.000 - 6.000 bệnh nhân/ngày, hỏi bệnh nhân thì họ nói bị đau đầu nhưng đến xếp hàng từ 4g sáng vì họ không tin tuyến cơ sở", bà Tiến than.
Bà Tiến yêu cầu các bệnh viện triển khai dịch vụ hẹn giờ khám cho bệnh nhân, quyết liệt cải cách hành chính.
"Để quá tải như thế này thì bệnh viện không thể xanh, sạch, đẹp. Thời gian qua thái độ ứng xử của nhân viên y tế đã tốt hơn, nhưng quá tải ở tuyến trung ương chưa đỡ nhiều, do đó về quang cảnh bệnh viện thì bệnh viện tuyến tỉnh đang vượt lên so với tuyến trung ương", bà Tiến nhận xét.
Đề án bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế thực hiện từ 2013-2020. Sau 5 năm thực hiện, tỷ lệ chuyển tuyến ở nhiều chuyên khoa giảm rất đáng kể, như Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh trước đây phải chuyển tuyến hầu hết bệnh nhân ung thư, hiện sau 4 năm thành lập Trung tâm ung bướu, các bác sĩ đã điều trị tốt cho các bệnh lý ung thư vùng đầu cổ, tuyến giáp, ung thư thận, bàng quang... ngay tại địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận