Theo các chuyên gia, với gánh nặng thuế, phí khá lớn, giá vé bay bị đội lên rất cao, không những ảnh hưởng đến hoạt động đi lại bằng đường hàng không của người dân mà ngành du lịch cũng bị vạ lây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một hãng bay cho biết mỗi khi cất/hạ cánh, mỗi máy bay phải gánh hơn 20 loại phí (còn gọi là giá dịch vụ). Theo thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.
Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như thuê quầy bán vé giờ chót; thuê quầy hành lý thất lạc... Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
"Mỗi chiếc máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế như thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp... Trong đó các hãng hàng không nộp tới vài ngàn tỉ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm", vị này nói.
Trong khi đó, theo khảo sát của Tuổi Trẻ, với vé máy bay một chiều chặng TP.HCM - Hà Nội vào tháng 5 của một hãng hàng không, trong khi giá vé bay là 3,15 triệu đồng nhưng tổng số tiền vé mà khách hàng phải trả hơn 4 triệu đồng, do gánh thêm các loại thuế, phí và các khoản thu hộ.
Hãng bay có hai khoản thu gồm: giá vé và phụ phí quản trị hệ thống, giá lần lượt 3,15 triệu đồng và 480.000 đồng. Phí dịch vụ cảng, an ninh soi chiếu 120.000 đồng, do hãng bay thu hộ cho Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV). Thuế Nhà nước thu (VAT) là 290.400 đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Việt Cường, phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng đầu ra của giá vé được ấn định mức trần nhưng chi phí đầu vào cấu thành giá vé luôn biến động. Giá nhiên liệu tăng, chi phí dịch vụ hàng không biến động nên cần có phương pháp giảm thuế, phí cùng gỡ khó cho ngành hàng không lúc này.
Theo ông Cường, trước đây Chính phủ giảm 50% phí điều hành bay, hãng kiến nghị cần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hãng giảm chi phí, tìm cách hạ nhiệt giá vé máy bay.
Giá nhiên liệu sẽ có hai loại thuế, gồm thuế bảo vệ môi trường với mức giá sàn 1.000 đồng/lít, trước đây 3.000 đồng/lít. Thứ hai là thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, với thuế suất 0 - 7% tùy vào nguồn nhập khẩu. Nếu nhập từ các nước ASEAN là 0%, còn nhập khẩu từ Trung Quốc là 5% và các thị trường khác là 7%.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, khi phí sân bay quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé máy bay bị đội lên cao.
"Giá vé bay quá cao, lượng khách đi lại bằng máy bay cũng như khách du lịch cả trong nước và quốc tế cũng ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu", ông Tống nói.
Thuế, phí chỉ chiếm tỉ lệ thấp trong giá vé máy bay?
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tỉ lệ thuế, phí trong vé máy bay được bộ này thu theo quy định và chiếm tỉ lệ rất thấp.
Theo ông Phớc, khảo sát cho thấy thuế, phí mà các hãng hàng không thu hộ chiếm 10 - 30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua. Trong đó các hãng thu hộ ngân sách nhà nước là thuế VAT do Bộ Tài chính quản lý.
Các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản được các hãng thu hộ ACV, đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước. Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT)/khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.
Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8 - 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không, chiếm tỉ lệ ít trong giá vé máy bay. "Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu. Các loại phí mà mọi người nói chiếm tỉ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý", ông Phớc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận