25/05/2024 16:44 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chờ trình đi trình lại, nhiều dự án phục hồi kinh tế không còn thời sự

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chương trình phục hồi kinh tế và đề nghị cần phân quyền triệt để hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 25-5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đánh giá về thực hiện nghị quyết 43 chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Vì sao 'vướng mãi, kỳ họp nào cũng nói'?

Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế vô cùng khó khăn, tăng trưởng giảm, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp rút lui, giải thể lớn... đòi hỏi cấp bách là cần có nguồn lực đủ lớn hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, lao động để phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Việc xây dựng chính sách phục hồi phát triển kinh tế cũng đòi hỏi phải nhanh, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu và đúng quy định, không để trục lợi, tránh thất thoát và lãng phí.

Với yêu cầu cao như vậy song thời gian xây dựng, thực hiện chương trình lại rất ngắn, các nội dung lần đầu tiên xây dựng, liên quan đến nhiều đối tượng nhưng thủ tục lại rườm rà, theo bộ trưởng, đã tạo nên tình trạng triển khai cứ “vướng mãi, vướng mãi mà kỳ họp nào cũng nói".

Chưa kể năng lực còn hạn chế, sự phối hợp các cơ quan chưa tốt, sợ sai, sợ trách nhiệm...

Dù vậy, ông Dũng đánh giá qua hai năm thực hiện gói hỗ trợ cơ bản đạt yêu cầu, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp kinh tế tăng trưởng, giữ được các chuỗi sản xuất, thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng…

Ông Dũng nói Chính phủ đã ban hành 20 nghị định, 1 chỉ thị, 7 công điện, 5 tổ công tác. Đã có 26 đoàn công tác, phân công các thành viên Chính phủ xuống từng địa phương tháo gỡ vướng mắc với tinh thần “chưa bao giờ làm quyết liệt như vậy”.

Về các dự án giải ngân chậm, bộ trưởng cho biết danh mục dự án ban đầu để xin chủ trương của Quốc hội chỉ là danh mục dự kiến, xác định số vốn cần thiết, dù đã được làm rất bài bản.

Vì vậy đến khi Quốc hội cho chủ trương thì lại phải rà lại. Điều này dẫn tới sự thay đổi, khiến nhiều danh mục dự án phải điều chỉnh lại và mất thêm thời gian.

Chương trình cũng thực hiện trong thời gian ngắn và thủ tục phức tạp, nhưng lại muốn tập trung “trọng tâm trọng điểm” các dự án lớn, nên việc chuẩn bị càng kéo dài. Các dự án này thời gian mất từ 1 đến 2 năm, trong khi tổng thời gian chương trình là 2 năm nên không thể chuẩn bị kịp, "chắc chắn là chậm", ông đánh giá.

Tiếp thu các ý kiến, ông Dũng cho hay sẽ đôn đốc các dự án chưa hoàn thành thủ tục (8 dự án chưa hoàn thành thủ tục và 35 dự án chưa triển khai). Với những dự án đang thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công và khai thác hiệu quả.

Dự án trình đi trình lại, Quốc hội nên tập trung làm vấn đề lớn

Tuy nhiên từ thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn chỉ ra bài học kinh nghiệm. Trước hết là cần xem lại phương thức hỗ trợ. Ông ví dụ ở các nước sẽ hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho người dân, có thể 1.500 - 2.000 USD/người mang lại hiệu quả trực tiếp.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ta là các hỗ trợ chính sách, rồi lại chờ văn bản hướng dẫn, giám sát, quy trình, dẫn tới khi thực hiện xong thủ tục thì gói hỗ trợ đã không còn tính thời sự.

Đối với các dự án lớn, ông cũng cho rằng phải kéo dài thời gian, chính sách cần dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ thực hiện và dễ giám sát. Yêu cầu đặt ra là cần hoàn thiện thể chế căn cơ, đồng bộ, chứ không thể để "một rừng vướng mắc" thì không bao giờ xong được và dự án bị kéo dài.

Đồng thời, bộ trưởng nhấn mạnh với trường hợp đã làm dự án đặc biệt thì cần có chính sách đặc biệt, quy trình thủ tục đặc biệt. Cũng bởi nếu làm thông thường thì sẽ "hết giờ và cái gì cũng xin cơ chế".

Cùng đó, việc thực hiện chính sách pháp luật phải dựa trên niềm tin giữa trung ương, địa phương, Quốc hội và Chính phủ, phân cấp phân quyền triệt để hơn.

Ông ví dụ việc danh mục dự án trong chương trình phục hồi đã được xây dựng rất kỹ qua nhiều vòng, trình Quốc hội thông qua thì nên giao lại cho Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện và báo cáo lại.

Tuy nhiên trên thực tế, Quốc hội vẫn quy định xong thủ tục lại phải trình lại. Nếu vào giữa hai kỳ họp thì phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này dẫn tới các dự án phải trình nhiều lần, mất rất nhiều thời gian mà theo ông "như vậy là không cần thiết".

"Quốc hội làm những vấn đề lớn, quyết sách, làm thể chế, giám sát, còn chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì vấn đề sẽ nhanh, Quốc hội vẫn giữ được mục tiêu, vai trò của mình mà không cần đi sâu và thời gian rút ngắn đi nhiều" - ông Dũng nói.

Đẩy nhanh phục hồi kinh tếĐẩy nhanh phục hồi kinh tế

Nhiều chính sách đã được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế, tới đây là giảm thuế VAT. Nhưng cần nhìn lại những chính sách hiệu quả chưa cao, từ đó giảm khả năng "lên tivi nhận hỗ trợ".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên