Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết:
- Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 3,83%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin chào bộ trưởng, nếu chọn một câu ngắn gọn để nói về ngành nông nghiệp trong năm 2023 thì bộ trưởng sẽ nói câu gì?
- Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục chắt chiu, tận dụng từng cơ hội, chủ động chuyển đổi, thích ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn với sự thay đổi, biến động.
Một năm nhiều thành tựu của ngành nông nghiệp
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, nông nghiệp lại trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, mà lại không phải là lần đầu tiên. Theo bộ trưởng thì đâu là các nguyên nhân chính đem lại thành tựu này của ngành nông nghiệp năm vừa qua?
- Có được những thành tựu trong năm vừa qua nhờ ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị, theo quan điểm lãnh đạo, định hướng xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, sự điều hành sát sao của Chính phủ.
Mở rộng không gian nông nghiệp: hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp du lịch... Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đàm phán ký kết các nghị định thư nhiều loại nông sản mới.
Ngoài ra, chúng ta chú trọng hơn thị trường trong nước để giải tỏa áp lực khi thị trường xuất khẩu khó khăn. Các địa phương chủ động kết nối thương mại, tiêu thụ nông sản, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp năng động thích ứng tốt hơn với “ba chữ biến”, hợp tác xã, cùng bà con nông dân mạnh dạn tiếp cận cách làm hay, mô hình mới giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng.
Thích ứng nhanh với những thay đổi liên tục các quy chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu cũng là hiện thực hóa tư duy “cung cấp những hàng hóa thị trường cần chứ không phải chỉ cung cấp những sản phẩm chúng ta làm ra được”. Nói cách khác, hàng hóa đã chuyển từ “sản phẩm” sang “thương phẩm”.
May mắn chỉ đến với những ai đã sẵn sàng
Có ý kiến cho rằng thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2023 mang tính ăn may nhiều hơn khi chiến tranh trên thế giới làm khủng hoảng lương thực, qua đó giá gạo Việt Nam hưởng lợi. Trung Quốc bùng nổ tiêu thụ sầu riêng và mở cửa cho sầu riêng Việt Nam cũng là sự kiện cá biệt. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về các phát biểu này?
- Có lần tôi đọc được một chia sẻ như thế này: “May mắn thường đến với người chủ động chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận cơ hội”.
Mỗi một kết quả đạt được, cũng như mỗi tồn tại hạn chế, đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đúng là có những nguyên nhân bên ngoài tác động thuận lợi cho một số ngành hàng nông sản vượt lên lập những cột mốc kỷ lục trong năm 2023.
Khủng hoảng lương thực nhiều nơi do biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng, một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo khiến cung cầu mất cân bằng. Nhưng cần chú ý là thành tích của ngành nông nghiệp tăng liên tiếp trong nhiều năm chứ không riêng năm 2023.
Hơn nữa, cơ hội và thách thức chia đều cho tất cả các quốc gia cùng xuất khẩu gạo chứ không riêng cho một đất nước nào. Như vậy rõ ràng, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã thích ứng và vượt lên bằng sự chuẩn bị chiến lược dài hạn, với sự tham gia của cả hệ sinh thái ngành hàng.
Thành tích đó là do sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo của hàng chục triệu nông dân trồng lúa, sự năng động của hàng ngàn doanh nghiệp, sự miệt mài nghiên cứu phục tráng, lai tạo giống của các nhà khoa học, sự đầu tư hệ thống thủy lợi của Nhà nước.
Để kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến trong ngành hàng sầu riêng, ngoài nguyên nhân mở của thị trường chính ngạch, chúng ta cũng đã nhanh chóng thích ứng và tận dụng cơ hội. Cần biết rằng nhiều quốc gia đã xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc trước chúng ta hàng chục năm.
Và, không chỉ riêng sầu riêng, ngành trái cây cũng đã vượt lên, bên cạnh cà phê, hồ tiêu, và nhiều loại rau quả khác... Như vậy, thị trường rộng mở nhưng để đưa nông sản vào được thị trường là một nỗ lực chung của nhiều ngành, nhiều cấp, của nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam đang thiếu một chiến lược phát triển thương hiệu gạo thống nhất, quy tụ được sức mạnh đoàn kết của các doanh nghiệp. Bộ trưởng có định hướng và kế hoạch gì để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam trong thời gian tới?
- Cần lưu ý rằng thương hiệu quốc gia không chỉ là riêng một loại sản phẩm cụ thể nào mà giá trị chung của một ngành hàng. Thương hiệu quốc gia phải chiếm được niềm tin người tiêu dùng liên tục trong nhiều năm, từ nhiều loại giống cây con khác nhau trong cùng một ngành hàng nông sản. Người tiêu dùng đa dạng về khẩu vị nên thị trường cũng cần đa dạng về chủng loại.
Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua một sản phẩm mà quan tâm nhiều hơn đến cách tạo ra sản phẩm. Trong nền kinh tế xanh, chất lượng sản phẩm không còn là yếu tố quyết định thương hiệu mà còn những yếu tố liên quan đến tính bền vững của môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng.
Bộ NN&PTNT sẽ sớm cùng ngồi lại với các tác nhân trong hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo, từ nghiên cứu, sản xuất và thương mại giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch, bảo quản, chế biến, phân phối.
Thương hiệu Gạo Việt phải là sự hợp lực trên tinh thần trách nhiệm chung của người trồng lúa, các tổ chức nông dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp. Thương hiệu Gạo Việt là câu chuyện của đất nước, niềm tự hào dân tộc trên trường quốc tế. “Vì người tiêu dùng, vì môi trường xanh và thịnh vượng từ người trồng lúa” là định vị thương hiệu xuyên suốt của lúa gạo Việt.
Còn nhiều dư địa cho chế biến sâu nông sản
Năm 2023, giá cà phê cao nhất lịch sử khi đạt 70.000 đồng/kg (cà phê nhân thô). Tuy nhiên, khi giá tăng cao thì cũng là lúc mà hàng trong dân không còn, mức giá tăng chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp đa quốc gia có hàng sẵn trong kho. Lượng cà phê chế biến, có thương hiệu vẫn còn thấp. Từ cà phê, xin bộ trưởng cho biết những chính sách gì để ngành công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người nông dân và doanh nghiệp trong nước?
- Trong nhiều năm luôn có sự khuyến cáo từ các chuyên gia cần chuyển từ bán nông sản thô sang tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, nhất là những sản phẩm chế biến. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp sẽ có những lựa chọn khác nhau sau khi tìm hiểu thông tin về thị trường. Để chọn lựa chế biến nông sản, doanh nghiệp cần thời gian để khảo sát thị trường với nhiều sản phẩm chế biến đã có trong các hệ thống phân phối.
Qua các lần trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, Bộ NN&PTNT thường chia sẻ về tầm quan trọng của phát triển hệ sinh thái ngành hàng bền vững, về sự liên kết, hợp tác mật thiết, chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, trên tinh thần đồng thuận “lợi ích hài hòa, rủi ro san sẻ”.
Chuyển từ tư duy sản xuất rồi bán thô sang sản xuất gắn với chuỗi bảo quản, chế biến, phân phối, thị trường cần thời gian và nguồn lực nhất định. Trong thời gian qua, đã có những tín hiệu tích cực khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc.
Nhưng đúng là lĩnh vực chế biến nông sản còn nhiều tiềm năng trong tương lai, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch các vùng nguyên liệu trọng điểm, gắn kết chuỗi giá trị ngành hàng từ sản xuất đến chế biến sâu có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn để tháo gỡ cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này.
Ngành chăn nuôi Việt Nam thua lỗ năm này qua năm khác, không phải vì trình độ chăn nuôi của nông dân, doanh nghiệp kém mà là do thực phẩm nhập quá rẻ. Bởi vì nhập phụ phẩm (chân, cánh, nội tạng), hay nhập làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại dùng cho người. Chính vì vậy mà sản phẩm chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh về giá. Được biết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia họ không cho nhập phụ phẩm hoặc đánh thuế rất cao, Việt Nam có nên áp dụng các biện pháp này để hỗ trợ người chăn nuôi trong nước?
- Ngành chăn nuôi thua lỗ có nhiều nguyên nhân tác động chứ không riêng do thực phẩm nhập lậu, mặc dù đúng đó là một nguyên nhân quan trọng gây những bức xúc của người chăn nuôi. Một ngành chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, tập quán chăn nuôi không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch bệnh. Giết mổ tự phát nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm. Tiến độ xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh còn chậm gây không ít khó khăn khi muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Về vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chế biến, cần lưu ý đến yếu tố độ mở cửa thị trường. Khi một mặt hàng nào đó giá trong nước lên quá cao, chúng ta cũng cần nhập khẩu nhằm giảm giá để giữ ổn định chỉ số CPI. Ngược lại, khi giá xuống quá thấp, ảnh hưởng thu nhập của người sản xuất trong nước, tâm lý chung là muốn dừng ngay việc nhập khẩu.
Đó là nguyện vọng chính đáng, nhưng trên bình diện vĩ mô thì cũng phải nghĩ đến những hệ quả trong thương mại. Theo quy luật “có đi, có lại”, chắn chắn các nước đối tác cũng sẽ tìm cách ngưng hoặc hạn chế nhập một loại nông sản khác của chúng ta.
Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có cách xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước nhưng không được trái với các thông lệ thương mại quốc tế và những cam kết với các tổ chức quốc tế mà chúng ta là thành viên.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xem xét những yếu tố kỹ thuật liên quan để điều chỉnh điều kiện nhập khẩu nông sản và những sản phẩm chế biến, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, vừa hạn chế tác động lớn đối với người nông dân.
Nhìn lại những năm qua, kinh tế đất nước phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cải thiện. Tuy nhiên, thực tế thì nông dân vẫn là nhóm đối tượng nghèo nhất, họ vẫn phải ly hương để tìm cơ hội thu nhập cao hơn. Để biến nông thôn thành làng quê ai đáng sống, ai đi xa cũng muốn trở về như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin bộ trưởng cho biết những định hướng quan trọng trong thời gian tới để thực hiện được kế hoạch nói trên?
- Lịch sử thế giới là lịch sử của những dòng di dân. Lịch sử thế giới là lịch sử của các quốc gia đi từ nông nghiệp sang quốc gia công nghiệp, đi từ xã hội nông thôn sang xã hội đô thị. Đó là quy luật vận động khách quan có tính phổ biến, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam. Hãy nhìn những đất nước gần chúng ta: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử là mỗi cuộc biến động dân cư.
Trong thời gian qua, không thể phủ nhận thu nhập của người nông dân đã được nâng lên, bộ mặt nông thôn được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cũng không thể không chú ý còn một khoảng cách khá xa giữa nông thôn và đô thị, giữa nông dân và thị dân.
Những nông dân khó khăn thường rơi vào trường hợp quy mô nhỏ, sản xuất tự phát, không tham gia các hình thức hợp tác. Bình quân quy mô đất sản xuất nông nghiệp mỗi hộ của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Do đó, phát triển kinh tế nông thôn cần được quan tâm, chuyển đổi lao động sang khu vực phi nông nghiệp một cách căn cơ sẽ tạo điều kiện để nâng cao quy mô đất sản xuất giúp cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa đồng ruộng. Khi ấy năng suất lao động trong khu vực mới được nâng lên, thu nhập người nông dân và cư dân nông thôn sẽ được cải thiện.
Những kỳ vọng lớn lao cho năm mới
Nếu có gì đó trong năm 2023 về nông nghiệp mà bộ trưởng thấy chưa đạt kết quả, chưa đúng với tiềm năng thì đó là vấn đề gì, thưa ông?
- Tinh thần hợp tác, liên kết thiếu chặt chẽ trong nông dân và cả nông dân với doanh nghiệp. Cấu trúc tổ chức ngành hàng ở địa phương chưa được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng để phát triển bền vững. Công tác truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói vẫn còn nhiều vi phạm.
Quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch chưa được chuẩn hóa dẫn đến chất lượng không đồng đều. Đây đó, vẫn còn sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, tranh mua tranh bán dẫn đến rối loạn thị trường, giảm chất lượng nông sản.
Nhân dịp năm mới, bộ trưởng có lời nhắn nhủ gì với bà con nông dân và kỳ vọng gì vào kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2024?
- Thế giới thay đổi không ngừng đó là điều không thể đảo ngược. Khi xung quanh thay đổi, mỗi người nông dân không thể không thay đổi. Thay đổi để thích ứng hơn là than vãn về khó khăn thách thức. Mỗi người hãy mạnh dạn tham gia các không gian cộng đồng, các hình thức tổ chức gắn kết nông dân, người dân nông thôn. Sản xuất cá thể, nhất là những hộ quy mô nhỏ, sẽ gặp muôn vàn rủi ro: chi phí cao, thiếu thông tin thị trường, đầu ra không chắc chắn do không liên kết ổn định với doanh nghiệp...
Trong nền nông nghiệp thích ứng với xu thế mới, mỗi nông dân cần không ngừng học hỏi qua đa dạng các kênh tương tác, mạnh dạn tham gia các lớp huấn luyện nông dân. Thế giới mênh mông còn nhiều điều chúng ta chưa biết, chưa lường hết được.
Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người hãy mượn sức gió để bay cao, bay xa, quyết không chấp nhận đứng lại để ngọn gió xô ngã mình.
Xin cảm ơn bộ trưởng!
Cuối năm 2023, hai sự kiện của ngành nông nghiệp tạo sự chú ý và kỳ vọng đó là việc Thủ tướng đã phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Đồng bằng sông Cửu Long và thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn kỳ vọng điều gì từ hai sự kiện này và làm gì để tạo ra “đột phá” góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nâng cao cuộc sống thu nhập của nông dân?
- Mục tiêu của án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là chuyển từ tư duy sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế lúa gạo, gắn với yêu cầu về chất lượng, giảm phát thải, tăng trưởng xanh. Đề án góp phần định vị hình ảnh ngành hàng lúa gạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng xanh trên thế giới.
Ngành hàng lúa gạo trong suốt những thập niên vừa qua đã tăng trưởng chạm ngưỡng. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng xanh chắc chắn sẽ tác động đến ngành hàng lúa gạo. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy truyền thống mà cần phải tìm kiếm không gian giá trị mới cho hạt gạo theo tư duy nông nghiệp xanh, nông nghiệp số, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, tư duy kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới từ quá trình canh tác lúa. Rơm rạ, vỏ trấu,... đều có thể tạo ra những sản phẩm phái sinh, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn và tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Để thực hiện được nhiều mục tiêu phong phú như vậy, cần một hiệp hội ngành hàng có sứ mạng giúp kết nối chuỗi hàng lúa gạo, từ nghiên cứu phục tráng, lai tạo nhiều bộ giống mới thích ứng điều kiện hạn, mặn, nâng tầm các loại giống bản địa, hướng tới những loại gạo dinh dưỡng. Như vậy, vai trò của hiệp hội là kết nối khoa học công nghệ, thị trường với người trồng lúa, doanh nghiệp đầu vào đầu ra. Hiệp hội là cầu nối tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng với sự tham gia của tất cả các chủ thể. Hiệp hội cũng thực hiện vai trò khuyến nghị chính sách đầu tư, hỗ trợ các tác nhân, nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong chuỗi ngành hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận